Du lịch cộng đồng, làng nghề: Tiềm năng du lịch Gia Lâm

Gia Lâm có 4 điểm du lịch đã được thành phố công nhận, là: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá, Kim Lan. Nhiều sản phẩm, chương trình du lịch đã được khai thác, thu hút du khách, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện .

Kim Lan là một làng gốm cổ ở Gia Lâm với lịch sử hơn một ngàn năm tuổi. Từ xa xưa, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm có giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô giản dị. Chính vì thế, gốm Kim Lan rất gần gũi với đời sống người dân, từ các sản phẩm đồ thờ, đồ trang trí, đồ gia dụng, gạch ngói xây dựng. Hiện làng nghề gốm sứ Kim Lan có hơn 350 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia, mỗi năm mang lại cho địa phương trên 500 tỷ đồng.

Năm 2025, nghề gốm Kim Lan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến với Kim Lan, ngoài thăm quan các điểm trên, du khách còn có thể chiêm bái các điểm đến di tích lịch sử văn hoá đã được UBND TP xếp hạng như miếu Bản, đình, chùa Kim Lan và thưởng ngoạn cảnh quan thơ mộng, lãng mạn bên sông Hồng.

Du lịch cộng đồng, làng nghề: Tiềm năng du lịch Gia Lâm ảnh 1

Làng gốm cổ Kim Lan nhìn từ trên cao

Khác với làng nghề Kim Lan, Văn Đức là làng nghề chuyên canh rau các loại với diện tích trồng rau khoảng 230ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường 30.000 tấn rau, củ, quả. Trong đó có 30ha rau VietGAP, còn lại đều sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó mùa nào thức ấy, Văn Đức đều có rau an toàn xuất bán ra thị trường.

Không những thế, Văn Đức còn là nơi sinh của Đức Thánh Chử Đồng Tử - một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn với câu chuyện tình yêu của Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa...

Nhờ những lợi thế sẵn có, thời gian qua một số doanh nghiệp lữ hành đã phối hợp với địa phương xây dựng tour du lịch trải nghiệm làng nghề. Nổi bật nhất là tour có tên “Tinh hoa nghề gốm - Trải nghiệm nghề nông”. Tại đây, du khách sẽ được thăm quan Bảo tàng gốm sứ lịch sử Kim Lan. Với diện tích khoảng 200m2. Nơi đây có kiến trúc độc đáo được thiết kế theo kiểu các loại lò nung gốm truyền thống của người dân Kim Lan.

Du lịch cộng đồng, làng nghề: Tiềm năng du lịch Gia Lâm ảnh 2

Nghệ nhân làng Kim Lan tỉ mỉ với từng công đoạn làm gốm. Ảnh: Phí Đức Toàn

Gần đó là Khu trưng bày sản phẩm của làng nghề gốm sứ Kim Lan. Tại đây có hàng nghìn sản phẩm gốm sứ đặc sắc, có giá trị về nghệ thuật của các nghệ nhân, thợ giỏi được trưng bày; đặc biệt là 3 tác phẩm được trao Bằng xác lập kỷ lục Guinness và xác lập độc bản cho sản phẩm gốm sứ thủ công lớn nhất, đó là: thạp gốm, đĩa gốm và chuông gốm…

Tiếp đó du khách sẽ được trải nghiệm quy trình sản xuất từ công đoạn làm khuôn, đổ ra những sản phẩm thô, vẽ trang trí đến công đoạn đưa vào lò nung ra sản phẩm cuối cùng tại cơ sở sản xuất gốm sứ của Nghệ nhân ưu tú Đào Việt Bình - Chủ tịch Hội gốm sứ Kim Lan.

Kết hợp với "làng rau" Văn Đức gần đó, du khách sẽ tiếp tục trải nghiệm làm nông dân. Thu hoạch những rau, củ quả tươi để phục vụ bữa ăn của đoàn...

Du lịch cộng đồng, làng nghề: Tiềm năng du lịch Gia Lâm ảnh 3

Sau khi thăm quan trải nghiệm nghề nông tại Văn Đức, du khách ra về với những túi rau, củ, quả. Ảnh: Hoàng Quyết

Du lịch làng nghề: Định hướng phát triển du lịch Gia Lâm

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, du lịch nông nghiệp, làng nghề là định hướng trọng tâm trong phát triển du lịch của Hà Nội trong thời gian tới. Thực tế từ năm 2024, Sở Du lịch đã phối hợp triển khai nhiều tour du lịch trải nghiệm làng nghề tạo được dấu ấn như: Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội tại khu vực Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức; Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái tại huyện Thường Tín...

Theo Sở Du lịch Hà Nội, du lịch nông nghiệp - nông thôn không chỉ đơn thuần là tham quan, trải nghiệm, mà còn là cầu nối để du khách khám phá, trân trọng giá trị văn hóa bản địa, nghề truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương.

Riêng với Gia Lâm là huyện có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Đến với Gia Lâm, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá 320 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là đền Phù Đổng, 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 89 di tích xếp hạng cấp thành phố và được tham quan, trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu, như: Lễ hội Gióng, Lễ hội đền Bà Tấm, Lễ hội Chử Đồng Tử...

Gia Lâm có 4 điểm du lịch đã được thành phố công nhận, là: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá, Kim Lan. Nhiều sản phẩm, chương trình du lịch đã được khai thác, thu hút du khách, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Các tour du lịch làng nghề sẽ giúp nhiều du khách trong và ngoài nước biết các tour, tuyến du lịch để ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến Gia Lâm là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/du-lich-cong-dong-lang-nghe-tiem-nang-du-lich-gia-lam-a168281.html