Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay, khu vực cảng tổng hợp của Cảng biển Nghi Sơn có 22 bến cảng, trong đó 13 bến đã hoàn thành và đi vào khai thác. Các bến cảng này thuộc quản lý của các chủ đầu tư như Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương, Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn, Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Hóa chất Gama Thanh Hóa.
Ngoài ra, có 7 bến đang triển khai đầu tư xây dựng, gồm 4 bến của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, 2 bến của Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn và 1 bến của Công ty TNHH Quang Trung. Có 2 bến đang lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch, gồm Bến 12 khu cảng tổng hợp số 01 và Bến 09 khu cảng tổng hợp số 02.
Khu bến chuyên dụng có 20 bến cảng, trong đó 12 bến đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Các bến cảng này thuộc quản lý của các chủ đầu tư như Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty xi măng Nghi Sơn, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP.
Những năm gần đây, nguồn thu từ nhập khẩu dầu thô qua cảng Nghi Sơn đã trở thành một điểm sáng trong bức tranh tài chính của tỉnh Thanh Hóa. Mỗi năm, riêng khoản thu ngân sách từ hoạt động này đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của hệ thống cảng biển, đặc biệt là khu vực cảng Nghi Sơn, trong việc tạo nguồn lực bền vững cho phát triển kinh tế địa phương. Không chỉ góp phần cân đối ngân sách, cảng biển còn mở ra không gian mới cho thương mại và đầu tư.
Trước đây, cảng Nghi Sơn chủ yếu phục vụ các mặt hàng rời, hàng lỏng và vận tải chuyên dụng cho các nhà máy lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện… với hệ thống cảng chuyên dụng là chính. Việc thiếu vắng các tuyến vận tải container và sự tham gia của các hãng tàu quốc tế khiến năng lực khai thác chưa thực sự đồng bộ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự xuất hiện của hãng tàu quốc tế CMA CGM cùng một số doanh nghiệp trong nước đã mở ra các tuyến vận tải container quốc tế thông qua cảng Nghi Sơn. Đồng thời, các dự án xây dựng cảng chuyên dụng dành riêng cho container cũng đang được triển khai, từng bước hoàn thiện hệ thống cảng biển hiện đại, đa năng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và vai trò đầu mối logistics cho khu vực Bắc Trung Bộ.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng hiện Cảng biển Nghi Sơn vẫn đối mặt với một số thách thức. Hạ tầng giao thông vẫn thiếu các tuyến đường kết nối trực tiếp từ cảng đến các khu công nghiệp và trung tâm kinh tế. Thêm nữa, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các bến cảng còn chậm, một số dự án chưa được phê duyệt hoặc đang trong quá trình triển khai.
Hệ thống Cảng Nghi Sơn bước đầu đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng. Tuy nhiên, các bến container chưa được đầu tư hoàn thiện, thiếu quỹ đất để phát triển trung tâm logistics hiện đại để lưu giữ, bảo quản và lưu thông hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics cũng là một vấn đề cần được giải quyết.
Do vậy, chưa có hàng hóa xuất khẩu qua Cảng Nghi Sơn là các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa như: dệt may, da giầy... chưa thu hút thêm nhiều hãng tàu khai thác vận chuyển container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn; các container nhập khẩu chủ yếu là container rỗng, chưa có giao dịch đa dạng về hàng hóa.
Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics. Việc hoàn thiện các bến cảng container và phát triển các dịch vụ hậu cần sẽ giúp Cảng biển Nghi Sơn phát huy tối đa tiềm năng, trở thành trung tâm logistics hiện đại của khu vực.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/tang-cuong-ha-tang-cang-bien-nghi-son-de-kinh-te-thanh-hoa-but-toc-a168286.html