Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC
Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội và giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết khi ông nhận nhiệm vụ ở bệnh viện, ông đã quyết định bỏ qua việc đóng tiền khám trước, người bệnh vào thẳng phòng khám, có chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng mới ra quầy đóng viện phí "luôn thể".
Ông Hiếu nói ban đầu có người phản đối, sợ người bệnh khám xong không đóng tiền, về luôn nhưng ông cho biết tỉ lệ này rất hãn hữu.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là nơi hiếm hoi không thu phí ngay khi bệnh nhân vào viện, còn quy trình ở rất nhiều bệnh viện hiện nay là đóng tiền vào khám, khám (ít phút) có chỉ định chụp chiếu cận lâm sàng lại đóng tiền.
Sau khi chụp chiếu có kết quả quay lại bác sĩ lấy đơn thuốc và đóng tiền mua thuốc hoặc đóng tiền vào bệnh viện điều trị nội trú.
Rõ ràng, với hầu hết các bệnh viện đang tự chủ tài chính như hiện nay, nếu không thu được viện phí thì lấy đâu ra tiền để trả lương và Ứng viện phí cấp cứu: Bệnh nhân khó, bệnh viện cũng khổ
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, 4 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương (nơi ông cũng làm giám đốc) có 55 ca không có thân nhân đi cùng, trong đó có 9 người nước ngoài, 10 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Trong số những người không có thân nhân, có 11 người được cứu chữa thành công và xuất viện mạnh khỏe (không đóng tiền viện phí).
Nguồn tài chính để chữa bệnh cho họ là từ các nhà hảo tâm và vai trò kết nối của phòng công tác xã hội. Có lẽ đây cũng là cách thức chung mà các bệnh viện đang áp dụng, bởi cứu người là công việc thiêng liêng, không bệnh viện nào lại từ chối người bệnh vì họ không có tiền.
Tuy nhiên, về lâu dài vai trò của tấm thẻ bảo hiểm y tế phải được thể hiện rõ ràng hơn. Bệnh nhi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định 4 tuổi, thuộc nhóm được cấp bảo hiểm y tế miễn phí và được quỹ bảo hiểm y tế chi trả phí khám chữa bệnh.
Những nhóm bệnh nhân như thế này có phải tạm ứng phí hay không? Hay học cách của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau khi có chỉ định chụp chiếu thì đóng phí một lần, người bệnh đỡ phải lòng vòng xếp hàng đóng tiền?
Mỗi lần có chuyện lùm xùm liên quan đến y bác sĩ, dư luận bao giờ cũng nóng lên vì giới y khoa luôn được mọi người quan tâm, ai cũng cần phải khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Vì vậy rất cần có những chính sách hỗ trợ tích cực cho bệnh viện công, nhất là khi đã có chủ trương miễn viện phí trong những năm sau 2030.
Thay vì tự chủ bệnh viện hoàn toàn, ông Lân Hiếu đề nghị hỗ trợ cho khu vực hồi sức cấp cứu bệnh viện công lập, là khu vực có nhiều bệnh nhân nặng không có tiền.
Bên cạnh đó cần tăng cường kết nối với các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm và nâng cao hơn nữa mức chi bảo hiểm y tế, bởi hiện nay dù bệnh nhân có bảo hiểm, tiền đóng thêm vẫn rất nhiều.
Khi đã có chính sách rõ ràng rồi sẽ bớt đi những chuyện buồn như vụ vừa rồi ở Nam Định, đỡ những lùm xùm không đáng có và quan trọng nhất là đem lại sự chuyên nghiệp cho bệnh viện công, nơi mà nhiều người dân đang gửi gắm sức khỏe của mình.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nop-vien-phi-luc-nao-a169171.html