Tại các tỉnh, thành có nhiều FDI lớn, chính quyền địa phương đã và đang tìm kiếm nhiều giải pháp để “cân đối” đủ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ doanh nghiệp.
Tại Hải Phòng, theo dự báo, đến năm 2025, thành phố này cần bổ sung thêm khoảng 82.700 lao động với trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, ở nhiều lĩnh vực như: logistics, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, điện. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 127.800 lao động.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp FDI tại thành phố cảng luôn trong tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để giải quyết vấn đề này, Hải Phòng đã liên tục kết nối các trường đại học với doanh nghiệp trong công tác đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển của địa phương.
Mới đây, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã phối hợp cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức chương trình ký kết và kết nối đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn thành phố.
Ông Lưu Thanh Tân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Hải Phòng, chia sẻ nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng, mở ra cơ hội cho hàng trăm sinh viên của trường được thực tập, tiếp cận với những công nghệ sản xuất điện tử hàng đầu thế giới. Giúp nhà trường thu hút thêm học viên, xây dựng các ngành học trọng điểm, bám sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Tại Bắc Ninh, nhiều năm qua các cơ sở giáo dục đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo để có thể cung ứng nguồn lực tốt nhất, phù hợp nhất cho doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, trường đã triển khai mô hình đào tạo song hành "1+1+1". Theo mô hình này, sinh viên học một năm tại trường để nắm kiến thức cơ bản, một năm tại trung tâm đào tạo của doanh nghiệp để tiếp cận công nghệ thực tế, và một năm cuối trải nghiệm trực tiếp tại vị trí việc làm trong doanh nghiệp.
Ví dụ, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã hợp tác với Công ty Goertek Vina – doanh nghiệp sản xuất điện tử lớn với hơn 5.000 lao động tại Bắc Ninh – để triển khai mô hình này. Từ năm 2022 đến nay, hơn 300 sinh viên đã tham gia và 95% có việc làm ngay sau tốt nghiệp.
Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông, để thành công, nhà trường phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng chương trình đào tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ khoảng 30% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam hợp tác thực chất với doanh nghiệp, còn lại vẫn mang tính hình thức, dẫn đến việc doanh nghiệp phải đào tạo lại 40-50% lao động mới tuyển dụng.
Nhằm hỗ trợ các cơ sở đào tạo có điều kiện giúp sinh viên thực hành tốt hơn, qua đó có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc trong tương lai, trong những năm qua, các doanh nghiệp FDI cũng đã chủ động triển khai nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học để xây dựng các trung tâm thực hành với trang bị hiện đại.
Đại diện Panasonic (Nhật Bản) cho biết công ty đã triển khai chuỗi hợp tác chiến lược với các trường đại học hàng đầu như Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Xây dựng Hà Nội… nhằm xây dựng hệ sinh thái đào tạo thực tiễn cho sinh viên ngành điện – điện lạnh.
Gần đây nhất, doanh nghiệp này tiếp tục bàn giao Trung tâm Giải pháp HVAC cho Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng thực hành và nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp không khí toàn diện, đào tạo đội ngũ kỹ sư có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và phát triển hạ tầng bền vững của đất nước.
Với hệ thống mô hình, thiết bị tiêu chuẩn công nghiệp hiện đại do doanh nghiệp trang bị, trung tâm mang đến trải nghiệm học tập trực quan – thực tiễn, giúp hàng nghìn sinh viên tiếp cận công nghệ tiên tiến ngay từ giảng đường, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế trong lĩnh vực HVAC – một trong những ngành then chốt của hạ tầng tương lai.
PGS. TS. Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ: “Sự đồng hành của doanh nghiệp FDI trong việc đem đến Trung tâm giải pháp giải pháp HVAC lần này là bước đột phá trong đầu tư cơ sở vật chất, đưa thiết bị công nghiệp thực tiễn vào giảng dạy và nghiên cứu. Trung tâm giải pháp không chỉ phục vụ học tập mà còn là điểm khởi đầu cho các đề tài khoa học, sáng kiến khởi nghiệp. Điều này khẳng định định hướng gắn kết đại học – doanh nghiệp mà trường đang theo đuổi”.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nhieu-doanh-nghiep-fdi-khong-ngoi-yen-cho-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-a169732.html