Quy định thống nhất mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp...

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đã đề xuất quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

PHÂN ĐỊNH RÕ MỨC TIỀN LƯƠNG LÀM CĂN CỨ ĐÓNG Ở KHU VỰC CÔNG VÀ TƯ 

Theo đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố, tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện nay, lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định số 74/2024 của Chính phủ, tương ứng với vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.

Cũng theo dự thảo Luật, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc, thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương, thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng, và thực hiện đồng thời với việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Việc truy thu, truy đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện cùng với việc truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

 THỐNG NHẤT MỨC TRẦN ĐÓNG, TRẦN HƯỞNG

Liên quan đến vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết có ý kiến đề nghị quy định thống nhất về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp (20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng) và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (20 lần mức tham chiếu).

Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Thu Hằng. Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Thu Hằng.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quy định của pháp luật hiện hành đã có sự khác nhau giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực Nhà nước và ngoài khu vực Nhà nước.

Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức tiền lương này cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở và mức hưởng tối đa cao nhất bằng 5 lần mức lương cơ sở.

Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức tiền lương cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng, và mức hưởng tối đa bằng 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách ngắn hạn, có tính chia sẻ rủi ro cao, theo cơ chế số đông bù số ít. Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi tạm thời mất việc làm, và chỉ hỗ trợ trong một khoảng thời gian nhất định.

Sau đó, sử dụng các công cụ khác để thúc đẩy người lao động nhanh chóng tìm kiếm việc làm mới như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, chứ không phải là bảo hiểm xã hội tích lũy lâu dài để hưởng sau khi người lao động rời hẳn khỏi thị trường lao động.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần quy định thống nhất mức trần đóng và trần hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho cả khu vực trong và ngoài Nhà nước.

Việc này để phù hợp với nguyên tắc và tính chất ngắn hạn của bảo hiểm thất nghiệp. Tức là mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 lần và trần hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng.

Mặt khác, việc quy định thống nhất về trần đóng bảo hiểm thất nghiệp (20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng) không dẫn đến mâu thuẫn với trần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (20 lần mức lương tham chiếu). Bởi vì đây là 2 chính sách hoàn toàn khác nhau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc quy định về trần đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp khác nhau không phải là quy định mới, hiện đang thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm hiện hành.

Đồng thời, cũng không ảnh hưởng đến việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, cũng như việc tăng cường chuyển đổi số trong thời gian tới.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/quy-dinh-thong-nhat-muc-tran-dong-bao-hiem-that-nghiep-a169762.html