Trách nhiệm bồi thường khi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất quy định trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng theo quy định...

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động cho người lao động trong trường hợp không đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp, hoặc bổ sung thời hạn cụ thể trong việc trả khoản tiền đã ứng trước nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Trường hợp doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dẫn đến người lao động không đủ điều kiện đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì doanh nghiệp phải bồi thường một khoản tương đương với số tiền bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật quy định, hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp mức tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thì người sử dụng lao động đăng ký với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.

Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Người lao động không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp tháng đó.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, các biện pháp chế tài đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Riêng trường hợp trốn đóng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Kiểm tra việc đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh: PM. Kiểm tra việc đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh: PM.

Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá nêu thực tế, một số doanh nghiệp đã khấu trừ tiền lương của lao động hằng tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Điều này dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể chốt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong khi đó, trách nhiệm thu bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội, xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng là của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, khi cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp, lại không cho người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, đại biểu đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định về trường hợp đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đó là khi người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt việc làm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng, thì người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

“Hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử lý, xử lý hành chính, lãi chậm đóng, thu hồi khoản nợ để đòi lại khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp từ người sử dụng lao động”, đại biểu Võ Mạnh Sơn góp ý.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/trach-nhiem-boi-thuong-khi-cham-dong-tron-dong-bao-hiem-that-nghiep-cho-nguoi-lao-dong-a170096.html