'Em sợ trả lời sai bị phạt'

Dưới sân trường, cô giáo hỏi học sinh có thích đọc sách không. Kỳ lạ thay, không em nào trả lời. Hỏi nhỏ một em, em bảo: 'Em sợ trả lời sai bị phạt'.

học sinh - Ảnh 1.

Nên khuyến khích trẻ mạnh dạn nói lên ý kiến của mình - Ảnh minh họa AI

Chuyện thứ nhất

Ngôi trường nằm ở vùng cao, xung quanh trường là những dãy núi chót vót, sừng sững, nhọn hoắt. Các cô giáo trong chương trình mang sách đến cho học sinh, hăm hở ra sân giao lưu.

- Các em có ai thích đọc sách không?

Chẳng có cánh tay nào giơ lên. Các em cúi đầu im lặng, nhìn nhau không ai trả lời. Cô hỏi thêm lần nữa vẫn thế. Vẫn không một em nào giơ tay. Cô cúi xuống hỏi nhỏ một học sinh gần nhất .

- Sao em không trả lời?

- Em sợ trả lời sai bị phạt.

Đừng “thù vặt” khi học sinh phản biện

Cô giáo ngớ người ra hiểu được gốc rễ của vấn đề. Hỏi tất cả các em ở sân trường:

- Các em thường bị phạt như thế nào?

- Dọn nhà vệ sinh, quét sân trường, rửa chén bát...

- Hôm nay cô hứa ai trả lời sai đều sẽ không bị phạt bất cứ hình thức nào. Tất cả các thầy cô ở đây cùng đồng thuận. Các em mạnh dạn lên nhé.

Đến lúc đó các em mới dám giơ tay phát biểu.

Chuyện thứ hai

Trong buổi lễ trao tặng máy tính cho trường tại một trường tiểu học ở tỉnh khác có hàng trăm học sinh tham dự. Bước vào trường ấn tượng hãi hùng của chúng tôi là toàn bộ sân trường đầy sình lầy ngập sâu tới cả nửa mét. 

Qua thầy cô chúng tôi được biết trường ngập như thế hơn 4 năm rồi. Thầy trò phải lội nước suốt, nhiều người bị loét cả chân. Học sinh giờ ra chơi phải ngồi trong lớp và hầu như không thể hoạt động ngoài trời. Đúng là cám cảnh.

Sau khi nghe các em và nhà trường nói lời cảm ơn vì được tặng máy tính, một cô giáo trong đoàn lên giao lưu và hỏi:

- Các con có yêu trường mình không?

- Dạ thưa cô có ạ!

- Các con yêu trường vì điều gì?

- Dạ vì có thầy cô rất yêu thương chúng em; vì có bạn bè; vì có nhiều sách...

- Trường mình cái gì cũng tốt. Có điều gì trường mình chưa tốt làm cho các con không hài lòng không?

- Dạ thưa không ạ! Trường mình có thầy cô tốt! Có nhiều bạn tốt! Đến trường rất vui ạ!

Cô giáo gợi ý.

- Vậy có điều gì làm các con không hài lòng, không thích, muốn thay đổi về trường mình không?

Hầu như tất cả học sinh đều đồng thanh:

- Dạ không ạ!

- Có chắc không đấy, các con nhìn lại xung quanh mình xem!

Cả hội trường thoáng chốc trầm xuống nhưng sau đó hàng chục cánh tay giơ lên khẳng định chắc chắn tất cả đều tốt, không có gì phải thay đổi. Đến đây cô giáo buộc phải lên tiếng:

- Vậy sân trường ngập nước đầy sinh lầy như vậy các con cũng thích sao? Cũng thấy tốt đẹp hay sao? Chẳng lẽ các con không muốn có một sân trường sạch sẽ khô ráo để giờ ra chơi chạy nhảy vui đùa?

Tất cả đồng thanh:

- Dạ có ạ!

Ở câu chuyện thứ nhất, điều gì làm các em không dám thể hiện ý kiến của mình? Sợ sai! Bởi sai là bị phạt. Chứ không phải sai thì được uốn nắn chỉ bảo. Bị phạt trở thành sự ám ảnh, thành rào cản về tâm lý. Cái sợ không dám nói ấy lâu dần trở thành thói quen và rồi thành tính cách cam chịu nhẫn nhục.

Ở trường hợp thứ hai, học sinh tự nguyện phát biểu, và phát biểu khá hăng say nhưng lại chỉ có một chiều ngợi ca, tìm mọi cái tốt để nói. Nói cái không tốt về trường sợ thầy cô giáo không hài lòng. Điều này về lâu dài học sinh sẽ bị triệt tiêu tư duy phản biện, mất đi cái nhìn đa chiều trước sự vật hiện tượng. Không dám nói sự thật và đánh mất đi sự trung thực.

Những điều này liệu chỉ có ở hai trường mà chúng tôi đến? Hay sẽ có ở nhiều trường khác?

'Em trả lời sai sợ bị phạt' - Ảnh 2. Những bài văn xúc động của học sinh bị phạt 'đọc sách viết cảm nhận'

Những bài văn từ việc bị phạt 'đọc sách viết cảm nhận' của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đề cập những giá trị làm người, phát triển bản thân và thể hiện tình yêu thương với cha mẹ.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/em-so-tra-loi-sai-bi-phat-a170541.html