Phải có giải pháp đặc biệt để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030

Hiện nay mục tiêu của chúng ta là doanh nghiệp khu vực tư nhân có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, như vậy chúng ta phải có giải pháp đặc biệt...

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, cho rằng Nghị quyết số 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân có ý nghĩa rất quan trọng và đặc biệt tại thời điểm đất nước đang chuẩn bị bước vào giai đoạn kỷ nguyên mới tăng tốc và phát triển.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế (51% GDP) và đóng góp 33% tổng thu ngân sách và đặc biệt quyết định đến 55% tổng vốn đầu tư xã hội nên chúng ta phải có nhiều thể chế đặc biệt để hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, phát huy vai trò động lực quan trọng mà hiện nay được xác định trong năm 2030 là động lực quan trọng nhất.

Ở chương II về cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta có Điều 4 Điều 5 và Điều 6, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị phải có giải pháp đặc biệt vì mục tiêu đặt ra là 2 triệu doanh nghiệp khu vực tư nhân vào năm 2030, trong khi hiện nay mỗi năm bình quân chỉ tăng khoảng 30.000 đến 40.000 doanh nghiệp. Vậy làm sao 5 năm chúng ta có thể tăng lên 2 triệu doanh nghiệp?

"Do đó, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể để chuyển sang loại hình doanh nghiệp lúc đó mục tiêu này chúng ta mới có thể đạt được. Đồng thời, chúng ta cũng phải nâng cao, mở rộng thêm những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn", đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh, so với các chính sách khuyến khích khác như là ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì hỗ trợ miễn giảm thuế có tác động nhanh, trực tiếp, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Do đó, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị 3 giải pháp.

Thứ nhất, nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1 Điều 10 dự thảo nghị quyết quy định.

Đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất nượng cao, đồng thời liên tục phải điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường.

Trong suốt quá trình bươn chải để sống sót đó thì họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ, thậm chí là có thể không có lãi trong 5 đến 7 năm đầu. Việc chúng ta chỉ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo quy định là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu; kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là giải pháp thiết thực để nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài.

Thứ hai, cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, các nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 3 Điều 10.

Các chuyên gia, nhà khoa học là nhân sự nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị của công nghệ đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường. Thực tiễn cho thấy nhiều quốc gia đã có các chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này như là Thái Lan, họ đã miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho các nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ sáng tạo, chiến lược.

Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được các bước đột phá về công nghệ trong tương lai.

Thứ ba, đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận thay vì kể từ khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, đăng ký kinh doanh lần đầu tại khoản 4 Điều 10 dự thảo nghị quyết.

Doanh nghiệp thường không có lợi nhuận ngay sau khi mới thành lập và giai đoạn đầu thường là giai đoạn tập trung cho đầu tư xây dựng, tuyển dụng, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, nếu chúng ta miễn thuế ngay từ khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp có lãi thì thời gian miễn thuế đã hết, như vậy chính sách miễn thuế trở nên hình thức và không có hiệu quả.

"Vì vậy, chúng ta cần miễn thuế đúng thời điểm, doanh nghiệp có khả năng đóng thuế đó là khi họ có lợi nhuận", bà Vân nhấn mạnh. 

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/phai-co-giai-phap-dac-biet-de-dat-muc-tieu-2-trieu-doanh-nghiep-vao-nam-2030-a170606.html