Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 17/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân với các nhóm chính sách lớn quan trọng.
KHÔNG ĐƯỢC THANH TRA, KIỂM TRA QUÁ 1 LẦN TRONG NĂM, TRỪ CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM RÕ RÀNG
Theo đó, về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Nghị quyết nêu rõ: số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), bao gồm cả kiểm tra liên ngành, không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Kế hoạch, kết luận thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải được công khai theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng nêu rõ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử; giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.
Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Không phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.
Cũng theo Nghị quyết, nghiêm cấm cơ quan truyền thông, báo chí, tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Nghị quyết nhấn mạnh phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo. Không được áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…
HỖ TRỢ TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI, MẶT BẰNG SẢN XUẤT KINH DOANH
Theo Nghị quyết, các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ một phần đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Các nội dung được hỗ trợ gồm: hỗ trợ thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; hỗ trợ đầu tư công trình kết cấu hạ tầng giao thông…
Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ đầu tư theo quy định trên phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.
Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ đầu tư và xác định diện tích đất đã đầu tư hạ tầng của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.
Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định diện tích đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm bình quân 20 ha/khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc 5% diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.
Trường hợp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới theo quy định trên mà không được nhận hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sau thời hạn 02 năm kể từ ngày khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, thì chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại.
Doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ. UBND cấp tỉnh quyết định mức giảm tiền thuê lại đất.
BỎ HÌNH THỨC THUẾ KHOÁN VỚI HỘ KINH DOANH, CHẤM DỨT THU NỘP LỆ PHÍ MÔN BÀI TỪ NĂM 2026
Về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, Nghị quyết nêu rõ: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Cùng với đó miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/1/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế; chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026.
Về hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo cơ chế khoán sản phẩm. Việc sử dụng quỹ này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh theo quy định.
MỞ RỘNG SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN VÀO CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Cũng theo Nghị quyết, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế- xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định.
Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện đối với các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh và những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Nhà nước xây dựng chương trình và bố trí ngân sách để triển khai hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu thông qua 2 chương trình.
Thứ nhất, Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ hai, Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) để hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn, pháp lý, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/kinh-te-tu-nhan-chinh-thuc-duoc-huong-nhieu-co-che-chinh-sach-dac-biet-a170819.html