Siết quản lý, tăng “hậu kiểm” và chế tài xử phạt vi phạm chất lượng hàng hóa

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, dù có tiền kiểm hay hậu kiểm thì hậu kiểm thường xuyên vẫn là biện pháp căn cơ, lâu dài...

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Trần Thị Khánh Thu, đoàn Thái Bình nhấn mạnh quản lý chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.

Đặc biệt, trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc thực phẩm chức năng giả được các cơ quan chức năng phát hiện ra càng đánh lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm liên quan đến chất lượng nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày trong thời gian dài và ở tất cả các nơi trên thị trường.

LỢI DỤNG CƠ CHẾ ĐỂ HỢP THỨC HÓA HÀNG TRÔI NỔI

Tại khoản 6 Điều 6 về chính sách nhà nước trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Thảo luận về vấn đề này, theo đại biểu có những sản phẩm phải quy định việc áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa là bắt buộc chứ không phải chỉ là khuyến khích, ví dụ các sản phẩm đặc biệt như thực phẩm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch để kiểm soát chất lượng.

Đối với sản phẩm, hàng hóa sữa, thực phẩm chức năng thực phẩm sức khỏe hiện nay, mặc dù đã có khá nhiều quy định quản lý, nhung vẫn đang xảy ra sự việc một số doanh nghiệp sản xuất thuốc giả, sữa giả, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện, gây bức xúc, lo lắng cho người dân.

Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình, phát biểu ý kiến. Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình, phát biểu ý kiến.

Nêu thực tế này, đại biểu Thu cho rằng, “vấn đề ở đây chính là việc quy định hiện hành là doanh nghiệp được tự công bố, thậm chí một số thực phẩm bổ sung, thực phẩm thông thường thì không cần chờ phê duyệt trước khi lưu hành, không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm, xác nhận trước khi đưa ra thị trường”.

Đây là một chính sách nhằm tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên hình thức này cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và công tác quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm mà chỉ kiểm soát qua hồ sơ do doanh nghiệp nộp, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về các thông tin công bố nhưng cũng có nguy cơ sai sự thật và thiếu trung thực.

Chưa kể, nếu phát hiện thực phẩm không đảm bảo thì việc truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm của doanh nghiệp rất khó khăn do tài liệu, hồ sơ tự lập, thiếu xác nhận của bên thứ ba. Một số doanh nghiệp tận dụng cơ chế này để hợp pháp hóa thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, nguy cơ sản phẩm gây hại sức khỏe, ngộ độc bùng phát, dịch bệnh, thực phẩm tăng cao.

Thực tế các vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn của các sản phẩm dinh dưỡng vừa qua là hậu quả đáng tiếc cho sự bất cập này.

Theo đại biểu, chủ trương tự công bố là để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng quản lý tiên tiến và trên thế giới nhiều quốc gia đã áp dụng.

Vì vậy, Việt Nam vẫn nên giữ cơ chế tự công bố các sản phẩm thông thường để tạo thuận lợi, giảm thủ tục nhưng cần nâng cao trách nhiệm thực thi, siết chặt hậu kiểm, ứng dụng công nghệ minh bạch hóa, yêu cầu sản phẩm tự công bố phải công khai trực tuyến bắt buộc và minh bạch hồ sơ trên Cổng thông tin quốc gia, dễ dàng tra cứu, truy xuất nguồn gốc,

Kết quả kiểm nghiệm phải công khai ứng dụng công nghệ quản lý, truy xuất nguồn gốc và đặc biệt cấm quảng cáo quá mức về công dụng, những tuyên bố như chữa bệnh, giảm cân cấp tốc đều phải quản lý nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, theo đại biểu cần có quy định ngay trong luật với sai phạm của sản phẩm, hàng hóa, ảnh hưởng sức khỏe thì cần tăng mạnh chế tài hình phạt khi phát hiện gian lận, trong đó doanh nghiệp nào có hành vi này thì cần xử lý phạt thật nặng, đình chỉ lưu hành, thậm chí yêu cầu dừng sản xuất toàn bộ, truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp gian dối gây hậu quả nghiêm trọng…

BỔ SUNG NGUYÊN TẮC HẬU KIỂM TƯƠNG ỨNG TỪNG NHÓM SẢN PHẨM, HÀNG HÓA THEO MỨC ĐỘ RỦI RO

Góp ý về nguyên tắc phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn Bắc Ninh, cho rằng dự thảo đã chia hàng hóa thành 3 nhóm, nhóm rủi ro thấp tương đương với nhóm 1 ở luật hiện hành, nhóm rủi ro trung bình và rủi ro cao tương đương với nhóm 2 trong luật hiện hành.

Đây là một trong những điểm mới tiến bộ của dự thảo luật, tuy nhiên nguyên tắc quản lý ở điều này vẫn thiên về biện pháp quản lý tiền kiểm. Đó là sản phẩm phải có kết quả tự đánh giá, kết quả thử nghiệm của người sản xuất, kinh doanh hoặc kết quả đánh giá của bên thứ ba được chỉ định mà không có nguyên tắc quản lý hệ thống chất lượng nhằm đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và có chất lượng luôn ổn định.

Thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý có hiệu quả chất lượng sản phẩm, hàng hóa như nhiều đại biểu đã có ý kiến và phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn Bắc Ninh. Đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn Bắc Ninh.

Đại biểu nêu bài học từ vụ gần 600 sản phẩm sữa giả vừa qua mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn trước khi lưu hành nhưng sau đó thì người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu, còn cơ quan quản lý nhà nước thì không hậu kiểm đầy đủ, người tiêu dùng lại yên tâm rằng sản phẩm đã có công bố về tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ.

Theo thông lệ quốc tế, việc phân mức độ rủi ro của sản phẩm để có những biện pháp quản lý rủi ro tương ứng và quy định này lại không rõ ràng về tần suất hay mức độ mà tổ chức, cá nhân phải tự đánh giá.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng quản lý hệ thống chất lượng và nguyên tắc hậu kiểm tương ứng với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro hoặc giao Chính phủ quy định, quy định rõ ràng để thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc quản lý các nhóm hàng hóa, nhất là nhóm hàng hóa rủi ro trung bình, rủi ro cao, đề nghị rà soát sửa ngay trong dự thảo một số luật chuyên ngành có liên quan.

Về phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro (thấp, trung bình, cao), đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn Cà Mau, nhận định đây là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất chất lượng và an toàn sản phẩm phù hợp và nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu “hậu kiểm” là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo quá tập trung ở khâu “tiền kiểm” bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp “hậu kiểm.” “Công tác hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của nhà nước nhằm bảo đảm chỉ các sản phẩm có chất lượng và an toàn mới được phép lưu hành,” đại biểu đoàn Cà Mau nêu ý kiến.

Nhấn mạnh việc việc đổi mới tư duy không tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm, tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa,  đoàn Đồng Tháp, cho biết thực tế có tình trạng “tiền kiểm không kiểm soát nổi mà hậu kiểm lại lơ là,” dẫn đến thời gan qua người tiêu dùng sử dụng nhầm lẫn hàng hóa kém chất lượng mà lại tin rằng mình đã dùng hàng có chất lượng.

TĂNG CHẾ TÀI XỬ LÝ VI PHẠM, BỔ SUNG THÊM XỬ LÝ HÌNH SỰ, THU HỒI GIẤY PHÉP KINH DOANH

Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển từ chia nhóm sản phẩm một cách hành chính, nhóm 1, nhóm 2 như trước đây sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro để quản lý khác nhau theo hướng ít tiền kiểm và tăng cường giám sát, hậu kiểm; thay đổi thứ tự tiền kiểm, hậu kiểm, giám sát chuyển thành giám sát, hậu kiểm và tiền kiểm.

Với các sản phẩm rủi ro cao phải công bố hợp quy với sự đánh giá của bên thứ ba, tức là có tiền kiểm và đa số các quốc gia đều làm như vậy với khoảng từ 5-10% tổng số hàng hóa, còn lại từ 90-95% là hậu kiểm. Sản phẩm rủi ro trung bình thì doanh nghiệp tự công bố hợp quy và tự chịu trách nhiệm. Với sản phẩm rủi ro thấp thì doanh nghiệp công bố tính năng tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng nếu có.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Bộ trưởng, dù có tiền kiểm hay hậu kiểm thì hậu kiểm thường xuyên vẫn là biện pháp căn cơ, lâu dài. Tần suất hậu kiểm phụ thuộc vào mức độ rủi ro của sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có uy tín, ít vi phạm thì tần suất hậu kiểm thấp, chứng nhận sự phù hợp của bên thứ ba phục vụ công bố hợp quy thì làm một lần, dùng chung cho các thủ tục hành chính nếu có, không trùng lặp thủ tục như giữa đăng ký, lưu hành và chứng nhận hợp quy tại các luật khác nhau.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thì thừa nhận kết quả quốc tế thay vì phải dán nhãn phụ, dấu công bố hợp quy một cách vật lý trên trực tiếp sản phẩm như trước đây nay sẽ áp dụng nhãn điện tử trên bao bì sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo.

Đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu có mức độ rủi ro trung bình mà có cùng loại, cùng tên, cùng nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất và chất liệu bao bì thì dự thảo luật có quy định giảm nhẹ thủ tục đánh giá sự phù hợp và tự công bố hợp quy đối với những lần nhập khẩu tiếp theo.

Theo Bộ trưởng, đây là những thay đổi có tính chiến lược, chuyển từ tiền kiểm là chính sang giám sát hậu kiểm, quản trị rủi ro, giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ được người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế, có nghĩa phải cân bằng bộ 3: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng và Nhà nước đảm bảo sự phát triển có trật tự, tăng vai trò của các tổ chức xã hội trong hậu kiểm như đại biểu nêu”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng chế tài xử lý vi phạm mang tính răn đe. Trước đây chỉ phạt hành chính thì nay bổ sung thêm xử lý hình sự, thu hồi giấy phép kinh doanh và công bố công khai các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia. Đối với hoạt động tự công bố hợp quy hoặc tự công bố tiêu chuẩn áp dụng thì khi phát hiện gian dối sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao hơn, thậm chí tước quyền tự công bố, có nghĩa là hậu kiểm đi kèm với trách nhiệm của doanh nghiệp phải cao hơn.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/siet-quan-ly-tang-hau-kiem-va-che-tai-xu-phat-vi-pham-chat-luong-hang-hoa-a170828.html