“Chốt đơn” như vũ bão
Trong căn phòng nhỏ, xung quanh là những chiếc điện thoại và ánh đèn sáng trưng, cộng thêm gương mặt quen thuộc của một Tiktoker hay người đẹp, nghệ sĩ nổi tiếng - thế là đủ cho một buổi bán hàng livestream (phát trực tiếp) lên cả trăm tỷ đồng chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.
![]() |
Một Tiktoker từng được mệnh danh “Nữ hoàng chốt đơn” Việt Nam |
Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về lượng người nổi tiếng tại Việt Nam tham gia quảng cáo, nhưng theo báo cáo tổng quan của ngành Influencer Marketing tại Việt Nam do trang khảo sát REVU thực hiện, năm 2024 đã có 97% doanh nghiệp cho rằng, việc sử dụng người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng để quảng bá là một hình thức marketing hiệu quả cao.
Tháng 6/2024, KOL Võ Hà Linh ghi nhận doanh số lên đến 237 tỷ đồng chỉ trong một phiên livestream kéo dài chưa đầy 2 giờ đồng hồ. Trước đó vào tháng 5/2024, TikToker Quyền Leo Daily có phiên livestream kéo dài 17 tiếng đồng hồ và đạt doanh thu 100 tỷ đồng, KOL Phạm Thoại, Lucie Nguyễn… cũng đã từng có phiên livestream đạt doanh thu vài chục tỷ đồng…
Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng như Quyền Linh, Cát Tường, NSND Hồng Vân, Hoa hậu Thùy Tiên… cũng lấn sân livestream góp phần khuấy động thị trường. Nhờ lợi thế có lượng fan hùng hậu, những nghệ sĩ này dễ dàng thu hút hàng ngàn người theo dõi mỗi lần lên sóng, lượng “chốt đơn” ào ào như vũ bão.
Thế nhưng, mặt trái của cuộc chơi tỷ đô này bắt đầu lộ diện. Đằng sau những lời giới thiệu hoa mỹ là hàng loạt nguy cơ mà chính người tiêu dùng là người lãnh đủ. Một thực trạng đáng báo động đang dần hình thành: sản phẩm không rõ nguồn gốc, công dụng bị thổi phồng, chính sách bảo hành, đổi trả không minh bạch.
Nhiều KOL, KOC quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử… mà không công bố được nhà cung cấp, không có thông tin kiểm định, càng không hề trải nghiệm sản phẩm trước khi giới thiệu.
Không ít người chỉ đọc kịch bản có sẵn, “nói lấy được”, miễn là chốt đơn càng nhiều càng tốt. Chính người tiêu dùng là nạn nhân khi mua phải hàng kém chất lượng, hoặc thậm chí là hàng giả, hàng lậu...
Luật có, nhưng…
Thực ra, trước khi có sự bùng nổ livestream tại Việt Nam, đã có nhiều quy định của các cấp quản lý để bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo, việc quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, dịch vụ…
Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 còn quy định bên cạnh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc quảng bá sản phẩm thì bên thứ 3 (cụ thể là các KOL) phải bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan (nếu có).
Luật cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thực hiện quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại hội thảo liên quan đến việc minh bạch thông tin trong giao dịch trên không gian mạng, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, để bảo vệ cho người tiêu dùng, TikTok Việt Nam đã xây dựng bộ tiêu chí đảm bảo các danh mục hàng hóa trên nền tảng phải minh bạch, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp như: Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin đăng ký, địa chỉ để xác nhận danh tính và xử lý tranh chấp; Các KOL được yêu cầu phải tuân thủ quy định nhà nước, cung cấp thông tin trung thực về sản phẩm. Tuy nhiên giải pháp xử lý của TikTok Việt Nam hiện nay mới chỉ là ngừng cung cấp dịch vụ với người vi phạm.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM), pháp luật hiện nay đã có quy định xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, với mức phạt từ 60-80 triệu đồng. Nếu tái phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, hiện nay quảng cáo sai sự thật vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều KOL, người nổi tiếng quảng cáo theo “đặt hàng” vì lợi nhuận mà chưa trải nghiệm sử dụng hoặc nói vống lên các công dụng, thành phần của sản phẩm để bán được nhiều đơn hàng.
Do đó cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định trên thì mới có thể hạn chế được việc quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm chế tài cấm người quảng cáo sai sự thật quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác trong một thời hạn nhất định.
Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM Nguyễn Quang Huy cho biết, để ngăn chặn và giải quyết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng, Sở Công Thương TPHCM đã tham mưu hoàn thiện chính sách quản lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử theo hướng phù hợp với thực tiễn. Trong đó, quản lý tài khoản ảo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe; Tăng cường kết nối liên ngành, liên tỉnh để xử lý nhiều đối tượng kinh doanh từ địa phương khác hoặc nước ngoài điều hành hoạt động tại TPHCM…
Đồng thời, cơ quan chức năng mở đợt tấn công cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6 để đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/bao-dong-quang-cao-sai-su-that-bit-ke-ho-thi-truong-livestream-a171822.html