Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành y và giảng dạy tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Phan Bảo Khánh (76 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) vẫn nhớ như in từng bước ngoặt cuộc đời, tất cả đều gắn liền với thành phố này như máu thịt.

Sài Gòn - Ảnh 1.

Bác sĩ Phan Bảo Khánh cùng vợ thường xuyên tham gia khám chữa bệnh từ thiện ở nhiều nơi xa xôi - Ảnh: Sơn Trang

Tôi sống ở TP.HCM mấy chục năm, đã được thành phố ân tình này cưu mang, thì lúc thành phố bệnh, tôi cũng phải góp một tay chăm cho khỏe lại chứ.
Bác sĩ PHAN BẢO KHÁNH

Với ông, TP.HCM không chỉ là nơi làm việc, mà còn hun đúc nhân cách và lưu giữ những ký ức đẹp đẽ không thể phai mờ.

Người gieo nghề y cho nhiều thế hệ bác sĩ

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Ông là sinh viên Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giớiSài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đờiSài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Sau ngày thống nhất đất nước, ông nhận nhiệm vụ tăng cường lực lượng y tế cho tỉnh Bến Tre. Đến năm 1981, ông mới chính thức được điều động về Trường đại học Y Dược TP.HCM công tác và gắn bó với mảnh đất này cho đến nay.

Đối với ông, tình yêu dành cho TP.HCM đến rất nhẹ nhàng, như một cái duyên định sẵn. "Ngày đó tôi chỉ chọn vào Nam vì khí hậu ấm áp hơn ngoài Hà Nội, nhưng rồi chính sự cởi mở, bao dung mới thực sự giữ chân tôi ở lại cho đến hôm nay", ông Khánh chia sẻ.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ông Khánh bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình tại Trường đại học Y Dược TP.HCM với bộ môn giải phẫu trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Ông kể trước năm 1975, phương tiện trình chiếu bằng phim slide rất phổ biến trong giảng dạy.

Tuy nhiên, sau ngày thống nhất, loại hình này lại dần biến mất do điều kiện kinh tế khó khăn, nên bắt buộc các bác sĩ như ông phải linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học phù hợp hơn.

"Trong cái khó ló cái khôn", thầy trò cùng xoay xở, lấy mô hình cũ, tranh vẽ tay ra để thay thế. Lớp học thời ấy giản dị, không có máy lạnh cũng không có thiết bị hiện đại như bây giờ, tới cả hộp phấn màu để vẽ cũng khan hiếm.

Ông Khánh bồi hồi nhớ lại thời kỳ ấy, phần lớn sinh viên y khoa là bộ đội xuất ngũ, đã từng đấu tranh nơi chiến trường khốc liệt. Họ là lực lượng đã chịu nhiều thiệt thòi, cống hiến cho Tổ quốc.

Ngày về, họ mang trong mình khát khao cứu người nên đăng ký học ngành y. Phần còn lại là các bạn học sinh phổ thông thi đậu, nên sự chênh lệch kiến thức giữa các sinh viên rất lớn, khiến việc giảng dạy của ông trở nên khó khăn, thử thách hơn.

"Khi ấy, giáo án của tôi luôn được chia thành hai phần, một phần kiến thức nền tảng cho tất cả, và phần nâng cao cho các bạn tiếp thu tốt hơn. Dù khác nhau đầu vào, nhưng đầu ra luôn phải vững vàng, vì đó là y đức và tính mạng con người", ông Khánh khẳng định.

Không chỉ giảng dạy cho sinh viên Việt Nam, bác sĩ Khánh còn đào tạo cho các học viên Campuchia.

Đa số các bạn yếu tiếng Việt nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp thu chuyên môn. "Ngôn ngữ là rào cản, nhưng không phải là rào chắn, tôi vẫn sắp xếp thời gian dạy phụ đạo thêm ngoài giờ để các bạn hiểu sâu hơn", ông Khánh chia sẻ.

Dù khó khăn là thế, ông Khánh vẫn luôn cảm thấy may mắn vì thời ấy, các bác sĩ, thầy thuốc như ông được Nhà nước và lãnh đạo TP.HCM quan tâm, ưu ái, nên đời sống viên chức được bảo đảm, ông cũng không phải lo nghĩ gì nhiều.

Sau ngần ấy năm giảng dạy, thế hệ sinh viên của thầy Phan Bảo Khánh trải dài khắp cả nước, từ những bác sĩ trẻ ở tuyến huyện cho đến những người đang đảm nhận vị trí lãnh đạo trong ngành, như PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc hiện giữ chức vụ giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hay bác sĩ Trần Văn Khanh hiện là giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TS Vũ Trí Thanh hiện đang giữ chức vụ giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức.

Nhiều thế hệ sinh viên đi qua ai cũng nhớ về một người thầy nghiêm khắc nhưng ấm áp, ít nói về bản thân mà luôn hành động bằng trái tim.

Sài Gòn - Ảnh 2.

Khi trái tim còn nhịp đập yêu thương, bác sĩ Khánh dù cao tuổi vẫn khoác áo blouse trắng để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn ngoài kia - Ảnh: Sơn Trang

Sống giản dị, đem tình nghĩa đi muôn nơi

Từ ngày đầu nhận công tác đến nay, bác sĩ Khánh và vợ cũng là cán bộ ngành y vẫn sống trong căn phòng nhỏ tại khu tập thể của trường trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1).

Dù sau nhiều năm làm việc, ông bà đã mua được căn hộ khang trang tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhưng họ vẫn chọn gắn bó với căn phòng tập thể cũ, vì nơi đây đã chứng kiến cả một hành trình tuổi trẻ, gắn liền với bao kỷ niệm ngọt ngào lẫn khó khăn thuở ban đầu.

Còn căn nhà mới, ông cho người quen thuê lại, nhờ đó ông bà có thêm một khoản thu nhập nhỏ để dành cho các chuyến đi du lịch tuổi già, tham gia hoạt động thiện nguyện.

Ông kể cho chúng tôi nghe về những điều nhỏ bé mà Sài Gòn - TP.HCM làm nên sự khác biệt, "người dân nơi đây luôn âm thầm mà đầy ấm áp".

Đôi khi chỉ đơn giản là một người đi đường nhắc nhẹ khi ông quên tắt đèn xi nhan, quên gạt chân chống, hay đơn giản là cách người ta luôn sẵn lòng giúp nhau giữa phố thị đông đúc. Những hành động tuy nhỏ nhưng lại khiến ông thêm yêu mến hơn thành phố nghĩa tình này.

Rồi khi những đợt dịch bệnh, thiên tai ập tới, hình ảnh người dân thành phố chung tay giúp nhau, không phân biệt quen lạ, những chiếc bảng nhỏ xinh được viết tay nắn nót cẩn thận: "Ai cần thì lấy, ai dư thì cho", hay những bình nước mát miễn phí, những bộ quần áo cũ được treo gọn gàng trên vỉa hè.

Nhớ lại những năm đại dịch bùng phát, đường phố vắng lặng, chỉ còn tiếng còi xe cấp cứu hú liên hồi.

Lúc đó, bác sĩ Khánh đã ngoài 70 tuổi và được bệnh viện cho ở nhà nghỉ ngơi. Nhiều người bảo: "Bác cứ ở nhà, giữ gìn sức khỏe, bác lớn tuổi rồi, có ai trách gì đâu". Nhưng mỗi lần bật tivi thấy các bạn trẻ mặc đồ bảo hộ, mồ hôi ướt đẫm, mắt sưng lên vì thiếu ngủ, lòng ông lại xót xa, trằn trọc suy nghĩ cả đêm.

"Tôi nghĩ, mình còn đi lại được, còn khỏe là còn góp sức được. Thế là tôi xin bệnh viện, nhà có sẵn xe nên tôi cùng với người bạn chở cơm từ thiện tới cho các cán bộ y tế của bệnh viện, thấy mình già rồi nhưng vẫn chạy xe, các bạn trẻ lại càng có thêm niềm tin, động lực chiến đấu với đại dịch.

Tôi sống ở TP.HCM mấy chục năm, đã được thành phố ân tình này cưu mang, thì lúc thành phố bệnh, tôi cũng phải góp một tay chăm cho khỏe lại chứ", ông Khánh trải lòng.

Giờ đây, khi đã quá tuổi nghỉ hưu, con cái của ông đã thành đạt, người thì ra nước ngoài định cư, người lại ra Hà Nội an cư lạc nghiệp, nhưng ông cùng vợ vẫn chọn ở lại thành phố nghĩa tình này.

Dù tuổi đã cao, ông bà vẫn đều đặn tham gia các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho bà con từ Côn Đảo ra tới Đà Lạt, Phú Quốc, thậm chí còn sang cả nước bạn Lào.

Hình ảnh người bác sĩ già ân cần hỏi thăm sức khỏe của một bệnh nhân già, cả hai mái đầu đều bạc trắng, ánh mắt đều hằn dấu thời gian thật đáng trân quý.

Đối với ông Khánh, được sống và làm việc ở TP.HCM suốt mấy chục năm qua, được ngắm nhìn thành phố phát triển, thay đổi từng ngày là một ân tình lớn.

Và ông chọn ở lại đây, trả nghĩa cho mảnh đất này bằng cách làm thiện nguyện, sống một cuộc đời đẹp đẽ, tuy lặng lẽ nhưng vững bền, như chính thành phố trong trái tim ông.

-----------------------------

Năm 1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường đại học Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn tôi: "Ở trỏng, con cố gắng học hành cho thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán cho con ăn học".

Kỳ tới: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc - Ảnh 3.Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/sai-gon-tphcm-mien-dat-hua-bao-phan-nguoi-ky-5-tra-nghia-thanh-pho-bang-mot-doi-thay-thuoc-a171829.html