Không có ngoại lệ
Trước thực trạng nhiều nghệ sĩ và người có ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm, thậm chí tiếp tay cho hàng giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không ngoại lệ.
Trả lời ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đang được trình Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), đã bổ sung các quy định cụ thể nhằm ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng, KOL trong hoạt động quảng bá sản phẩm.
Khi đưa ra cảm nhận cá nhân về một mặt hàng trên mạng xã hội, họ bắt buộc phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, cần thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng biết rằng họ đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
![]() |
BTV Quang Minh, MC Vân Hugo bị xử phạt hơn 100 triệu đồng vi phạm quảng cáo |
![]() |
Tuy nhiên, Bộ VHTTDL cũng thẳng thắn nhìn nhận, các quy định hiện hành vẫn còn những khoảng trống. Bộ Quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ, do Bộ VHTTDL ban hành từ năm 2021, chủ yếu mang tính định hướng đạo đức, chưa có hiệu lực chế tài. Đây chính là lý do khiến nhiều hành vi vi phạm không bị răn đe đúng mức.
Để khắc phục điều này, các cơ quan quản lý đang tiến hành thể chế hóa một số nội dung trong quy tắc ứng xử vào các văn bản pháp lý cứng như Nghị định 147/2024/NĐ-CP và Luật Quảng cáo sửa đổi. Đây là bước đi được xem là thiết yếu nhằm tăng hiệu quả xử phạt, đặc biệt trong bối cảnh một bộ phận KOLs, nghệ sĩ “vô tư” nhận hợp đồng quảng cáo mà không quan tâm đến tính hợp pháp hay chất lượng sản phẩm.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời báo chí rằng, lời xin lỗi sau khi vi phạm là không đủ. Người nổi tiếng nếu quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường hậu quả nếu có. Thậm chí, trong một số trường hợp nghiêm trọng, ví dụ như tiếp tay cho doanh nghiệp sản xuất hàng giả và nhận cổ phần, góp vốn, thì cá nhân đó có thể bị xử lý hình sự với tư cách là đồng phạm.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng phối hợp với thanh tra Bộ VHTTDL tiến hành kiểm tra, xử lý các nghệ sĩ vi phạm Nghị định 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhấn mạnh rằng “người nổi tiếng cũng là công dân, và trước pháp luật không có đặc quyền nào cả”.
Dù vậy, khi được hỏi về khả năng áp dụng biện pháp “phong sát” như một số quốc gia, Bộ VHTTDL không đề cập đến việc đưa ra các biện pháp mang tính cấm sóng tuyệt đối. Thay vào đó, quan điểm của Bộ là xử lý theo từng trường hợp cụ thể, dựa trên hành vi và mức độ vi phạm, với trọng tâm là chế tài pháp luật chặt chẽ và sự giám sát xã hội.
Tẩy chay mạnh mẽ
Chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng, bán hàng giả, hàng nhái diễn ra từ lâu, kéo dài và tạo nên hiện tượng “nhờn”. Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc đề xuất chế tài xử lý nghiêm người nổi tiếng vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo là cần thiết.
“Người nổi tiếng dường như đều nhìn nhau, vì họ thấy nếu sai cùng lắm xin lỗi và mất tích một thời gian, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Điều này hết sức nguy hiểm vì không phải chuyện của một người mà ảnh hưởng tiêu cực tới nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Thực tế, TikTok phát triển sinh ra thế hệ TikToker có tầm ảnh hưởng rộng rãi, nhưng trách nhiệm với cộng đồng lại thấp hơn nghệ sĩ. Có chuyện xảy ra, TikToker không sợ gì hết. Nhìn vào cái lợi to lớn nên họ vẫn cố tình làm bừa”, chuyên gia Ngọc Long phân tích.
Không phải đến bây giờ cộng đồng mới đòi hỏi chế tài tăng nặng hình thức xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng đi kèm với hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.
“Điều quan trọng là làm cho nghệ sĩ biến mất, vô hình khỏi mạng xã hội. Đó là nỗi sợ nhất của họ. Mức xử phạt chút xíu thực sự không làm họ xao động, nhất là so với ích lợi thu về. Chưa kể, một bộ phận cố tình tạo ra lùm xùm để trở nên nổi tiếng hơn”, chuyên gia nói.
Nhìn sang các quốc gia khác khá gần gũi với Việt Nam như Hàn Quốc, họ áp dụng biện pháp rất mạnh như “phong sát”, “cấm sóng”. Chuyên gia đề xuất, Việt Nam có thể thí điểm những hình thức mạnh tay, vừa làm vừa điều chỉnh cho rốt ráo, đưa hoạt động của nghệ sĩ vào khuôn khổ, lành mạnh hóa môi trường của nghệ sĩ.
Nhiều nghệ sĩ đi lên bằng thực lực, bằng tác phẩm và sự lao động nghệ thuật cũng tâm tư, chịu thiệt hơn so với những người dùng chiêu trò để nổi tiếng.
Với vai trò thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Quảng cáo sửa đổi, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam trong cuộc phỏng vấn với Tiền Phong nhấn mạnh, Ban soạn thảo đề xuất một số biện pháp tương đối mạnh với người trực tiếp đưa thông tin sản phẩm như tước danh xưng, danh hiệu, học hàm học vị, không cho biểu diễn, không cho quảng cáo.
Tuy nhiên, ban soạn thảo đề xuất xử lý theo từng trường hợp, từng mức độ vi phạm.
NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) khẳng định, việc nghệ sĩ, người nổi tiếng sử dụng sự tin tưởng và quan tâm của công chúng để lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội là điều đáng trân trọng. Nếu họ giới thiệu những sản phẩm đã sử dụng, có trải nghiệm tốt và muốn chia sẻ đến cộng đồng nên khuyến khích.
“Tuy nhiên, những trường hợp lợi dụng sự nổi tiếng để cố tình quảng cáo sai sự thật, thổi phồng quá mức công dụng của sản phẩm phải làm rõ và có biện pháp xử lý phù hợp”, NSND Xuân Bắc nói.
Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL xây dựng quy định ràng buộc, điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức với những người hoạt động nghệ thuật, để nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật có trách nhiệm công dân cao, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nghe-si-kol-vi-pham-buoc-phai-vo-hinh-a171839.html