Đưa ngành hàng sầu riêng trở về “quỹ đạo” sản xuất và tiêu thụ bền vững

Việc sụt giảm quy mô và kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 5 tháng đầu năm 2025 là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất, giữa yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu với khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước…

Chiều 24/5/2025, tại Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững”.

Chủ trì hội nghị, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trong chưa đầy một thập kỷ, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô diện tích và sản lượng, từ 32 nghìn ha năm 2015 tăng lên gần 180 nghìn ha vào năm 2024 (tăng 6 lần). Sản lượng cũng tăng tương ứng, vượt ngưỡng 1,5 triệu tấn vào năm 2024, đưa sầu riêng trở thành một trong những ngành hàng trái cây phát triển nhanh nhất cả nước.

NGUY CƠ MẤT CÂN ĐỐI TRONG TỔ CHỨC SẢN XUẤT SẦU RIÊNG

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, sau khi Nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã có bước nhảy vọt, chỉ sau hai năm, kim ngạch năm 2024 đã cán mốc hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, sự phát triển và tăng trưởng “nóng” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu định hướng và công cụ quản lý đồng bộ. Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành hàng sầu riêng đã đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu.

"Việc sụt giảm quy mô và kim ngạch xuất khẩu thời gian qua là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất, giữa yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu với khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước. Nếu không kịp thời có những giải pháp quản lý căn cơ, bài bàn, đồng bộ, chúng ta sẽ phải đối mặt với vòng xoáy tiêu cực: dư thừa sản lượng - giá sụt giảm - mất thị trường - và nghiêm trọng hơn cả là suy giảm niềm tin của khách hàng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành trái cây xuất khẩu”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: "Trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành hàng sầu riêng đã đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu". Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: "Trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành hàng sầu riêng đã đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu".

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng ngành hàng sầu riêng vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đối rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải có ngay những biện pháp ứng phó kịp thời, cũng như định hình lại toàn bộ ngành hàng sầu riêng, từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý vùng trồng, kiểm soát chất lượng, phát triển thị trường đến cơ cấu sản phẩm và phân khúc tiêu dùng theo hướng bền vững.

 

"Ngày 21/05/2025, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt bổ sung thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này, tạo thuận lợi cho vụ xuất khẩu sầu riêng năm 2025".

Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

"Trước thực trạng đó, ngày 23/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững. Hội nghị hôm nay chính là cơ hội thuận lợi để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận, thống nhất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho hay ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này cũng đặt ra áp lực lớn về kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.

Để khắc phục những hạn chế trên, một số giải pháp đã và đang được Việt Nam triển khai như xây dựng mô hình kiểm soát cadmium trong canh tác, tăng cường quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp, rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm; xử lý cảnh báo vi phạm và khôi phục mã số.

Theo ông Đạt, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả trước mắt và lâu dài cho ngành hàng sầu riêng. Trước mắt là hoàn thiện cơ sở pháp lý, kỹ thuật và quy trình kiểm soát toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng cường phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế, tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc để đàm phán kỹ thuật, mở rộng thị trường và thúc đẩy xúc tiến thương mại.

Về lâu dài, cần cơ cấu lại ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đông lạnh và chế biến sâu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia; nâng cấp hệ thống logistics, tổ chức lại chuỗi liên kết và nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp và địa phương.

CẦN CƠ CHẾ PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ GIỮA NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đã đóng góp những ý kiến thiết thực. Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng trước nay chúng ta chưa có chế tài nào cho nông dân trồng sầu riêng và nông dân canh tác manh mún, nhỏ lẻ rất nhiều, không phải ai cũng tiếp cận, cập nhật được thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn canh tác bền vững. Chính vì vậy, vai trò của địa phương cần phải "đi sát" hơn, rà soát lại tình hình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như quy trình canh tác... từ đó, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với loại trái cây này. Về phía các doanh nghiệp cũng cần loại bỏ hoàn toàn các chất cấm như chất vàng O trong quá trình chế biến, đồng thời tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu an toàn.

Ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ, cho biết doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tập trung vào xuất khẩu sầu riêng tươi - đúng với thị hiếu phổ biến trên thế giới. Trong khi thực phẩm chế biến có giá trị cao nhưng chỉ phù hợp với nhóm khách hàng nhất định, chưa chắc tạo được nhu cầu phổ thông như trái tươi.

Quang cảnh hội nghị. Quang cảnh hội nghị.

Ông Nguyễn Tri Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, cho rằng một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón. Thực trạng đang diễn ra tại một số địa phương, cho thấy một số loại phân bón nhập khẩu chưa được kiểm tra về ngưỡng an toàn của các kim loại nặng như Cadimi, thủy ngân, Asen.

Tuy nhiên, theo ông Kỷ, việc giải quyết vấn đề này không đơn thuần chỉ là siết chặt quản lý, mà cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp.

Ông Kỷ nhấn mạnh một trong những điểm nghẽn hiện nay là thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan. Do đó, chúng ta cần một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân thì mới có thể xử lý tận gốc các vấn đề hiện nay.

Đại diện tỉnh Tiền Giang, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, cho biết tỉnh đã đưa ra định hướng đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 15.000ha. Tuy nhiên, thời gian qua, do giá sầu riêng tăng cao nên người dân Tiền Giang đã đẩy mạnh diện tích trồng sầu riêng cao hơn gần 10.000ha so với kế hoạch.

Hiện nay, Tiền Giang có 155 mã số vùng trồng với diện tích gần 7.000ha và 66 mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 25% so với diện tích sản xuất sầu riêng thực tế của tỉnh.

Ông Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ địa phương thành lập phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho sầu riêng. Đồng thời cũng kiến nghị Bộ sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng các loại trái cây tươi xuất khẩu, đặc biệt là sầu riêng.

Đối với các cơ quan chức năng, ông Nam đề xuất thường xuyên cung cấp thông tin về sản lượng xuất khẩu sầu riêng theo vùng trồng và cơ sở đóng gói, qua đó quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiệu quả hơn. 

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/dua-nganh-hang-sau-rieng-tro-ve-quy-dao-san-xuat-va-tieu-thu-ben-vung-a172493.html