Cụ thể, theo thông tin từ UBND thành phố Hải Phòng (cũ), trong 6 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 77.319 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt hơn 38.000 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt hơn 38.647 tỷ đồng, tăng 29,4% so với hai quý đầu năm 2024.
Tại Hải Dương, theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt trên 19.500 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa ước đạt 17.313 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ; thu từ xuất, nhập khẩu ước đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhiều khoản thu đạt cao như: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thu thuế thu nhập cá nhân…
Kinh tế Hải Phòng (cũ) duy trì đà tăng trưởng tốt trước khi sáp nhập, hai quý đầu năm tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 11,2% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt gần 108 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng đạt hơn 86,33 triệu tấn, tăng 11,95%; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,6 tỷ USD tăng 3,3% so với hai quý đẩu năm 2024. Thành phố tiếp đón hơn 5,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 18,7% so với cùng kỳ và bằng 52,5% kế hoạch cả năm.
Tương tự, kinh tế Hải Dương trước khi sáp nhập cũng đang trên đà tăng trưởng tốt, theo Sở Tài chính của tỉnh, 6 tháng năm 2025, ước tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Dương (GRDP) đạt 62.879 tỷ đồng, tăng 11,46% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 6.516 tỷ đồng, tăng 6,35%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 35.372 tỷ đồng, tăng 14,18%; khu vực dịch vụ ước đạt 15.259 tỷ đồng, tăng 8,09%.
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn Hải Dương 6 tháng đầu năm ước đạt 12.740 tỷ đồng, bằng 51% dự toán, tăng gấp hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2024.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả Hải Dương và Hải Phòng (cũ) vẫn tiếp tục được giữ vững và đạt kịch bản đề ra trước khi sáp nhập, có thể coi đó là bước xuất phát đặc biệt thuận lợi trong nhiệm vụ phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng mới.
Trước mắt, từ ngày 1/7, thành phố cùng các địa phương trong cả nước tổ chức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Cuộc điều tra được triển khai tại 4.260 địa bàn, bao phủ toàn bộ các địa phương có hoạt động nông nghiệp tại Hải Phòng, với gần 456.025 hộ dân thuộc diện điều tra. Đồng thời, thu thập dữ liệu từ các cơ sở sản xuất, trang trại và thông tin liên quan tại các xã, thị trấn.
Đây là cuộc điều tra quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh giá toàn diện thực trạng nông thôn và khu vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để phục vụ công tác quản lý, thống kê, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; bổ sung và phát huy lợi thế kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nông sản, đa dạng ngành nghề sản xuất, xuất khẩu, tạo thêm nguồn lực cho Hải Phòng mở rộng không gian phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục tập trung cao hoàn thiện hồ sơ dự thảo về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; triển khai Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; triển khai các chương trình phát triển đô thị, đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng…
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/hai-phong-moi-thu-ngan-sach-gan-97000-ty-trong-6-thang-a179785.html