Ngày 1/7, sau khi các địa phương chính thức sáp nhập, nhiều cán bộ, công nhân viên chức phải di chuyển đường dài để tới công sở mới.
Tại phường Nam Định (tỉnh Ninh Bình), sáng 1.7, những chuyến xe đưa đón cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bắt đầu lăn bánh đến trụ sở cơ quan hành chính tại phường Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình).
Theo danh sách đăng ký, có 515 người sử dụng xe đưa đón trong ngày đầu tiên. Tại điểm đón ở phường Nam Định, được bố trí 12 xe 45 chỗ.
Tương tự hơn 1.880 cán bộ, công chức, viên chức ở Hải Dương cũng phải tính toán phương án đi lại, thuê nhà ở khi địa phương sáp nhập với TP Hải Phòng.
Trung tâm thành phố Hải Dương (nơi đặt trụ sở cơ quan ban ngành của tỉnh Hải Dương cũ) cách Trung tâm hành chính Hải Phòng ở khu đô thị bắc sông Cấm khoảng 46 km nếu đi theo quốc lộ 5 và 64 km nếu đi theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thời gian di chuyển khoảng 70-80 phút nếu đi xe máy hoặc ôtô.
Để hỗ trợ việc đi lại cho cán bộ, công chức, Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai dịch vụ xe buýt.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu 20 xe buýt sẽ vận chuyển cán bộ từ trung tâm tỉnh Hải Dương đến khu đô thị bắc sông Cấm của Hải Phòng, tổng chi phí dự kiến 1,5-1,7 tỷ đồng mỗi tháng. Công ty TNHH Thịnh Hưng và Công ty Cổ phần Đường bộ Hải Phòng sẽ đảm nhận dịch vụ này.
Với thành phố Đà Nẵng, sau ngày 1/7, địa phương này sẽ đón1.885 cán bộ, công chức, viên chức từ Quảng Nam ra Trung tâm hành chính ở thành phố Đà Nẵng làm việc. Hai địa phương có tuyến xe buýt 30 phút một chuyến, nhưng một số người cho biết, rất khó để sử dụng phương tiện này vì khi đến thành phố Đà Nẵng, xe buýt dừng ở bến xe phía Nam, cách tòa nhà hành chính hơn 10 km.
Ngoài ra, nếu sử dụng dịch vụ xe buýt hoặc xe khách thông thường sẽ rất khó chủ động vì các loại xe này thường tốn rất nhiều thời gian để đón, trả khách.
Hiện chưa có nghiên cứu chính thức, tổng thể về bài toán đi lại của cán bộ, công chức sau khi các tỉnh thành sáp nhập, nhưng rõ ràng, sau thời điểm 1/7, một nhóm đối tượng “khách hàng” mới đã xuất hiện với nhu cầu đi lại khá lớn, và cần những giải pháp để đáp ứng dịch vụ này 1 cách bền vững, hợp lý.
Một số ý kiến cho rằng với hệ thống hạ tầng giao thông đang được hoàn thiện tương đối tốt, bên cạnh đó là sự phát triển nhanh, mạnh của các doanh nghiệp vận tải cùng phương tiện hiện đại, các địa phương nên tính giải pháp lâu dài, đó là giao “đầu bài” cho các đơn vị vận tải để họ tính toán và “chào hàng” một giải pháp đi lại thuận tiện, tối ưu nhất.
Việc của các cơ quan chức năng là quản lý, giám sát để mô hình này được vận hành một cách tốt nhất, an toàn nhất.
Việc thuê dịch vụ vận chuyển công vụ chuyên nghiệp qua đấu thầu, đặt hàng hoặc hợp đồng thuê không chỉ giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước trong việc đầu tư, bảo trì, khấu hao phương tiện, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải chất lượng cao tham gia phục vụ khối cơ quan hành chính công. Ngoài ra còn thúc đẩy thị trường dịch vụ vận tải công vụ. Đây được xem là bước đột phá trong cơ chế xã hội hóa phương tiện vận tải công vụ.
Mô hình xe công vụ mới sẽ tạo động lực để thị trường hình thành các đơn vị vận tải chuyên biệt theo tiêu chuẩn cao (xe điều hòa, định vị GPS, giám sát lộ trình, đội ngũ tài xế chuyên nghiệp), đáp ứng yêu cầu phục vụ cán bộ cấp cao, với chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư xe riêng.
Việc triển khai mô hình xe công vụ mới cần đi kèm quy trình đấu thầu, giám sát dịch vụ minh bạch. Các đơn vị thuê dịch vụ cần đảm bảo công khai giá thuê, tiêu chuẩn xe, phương thức thanh toán và trách nhiệm bảo hành, bảo trì.
Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách uy tín đã bày tỏ sự quan tâm đến việc triển khai các tuyến xe VIP phục vụ đối tượng là cán bộ, công chức các sở, ban, ngành — đặc biệt tại những địa bàn có điều kiện sáp nhập hành chính, giao thông chưa thuận tiện.
Tại buổi làm việc của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị vận tải vừa được tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines đề xuất hỗ trợ vận chuyển miễn phí trong vòng 3 tháng từ ngày 1-7 (hoặc đến khi phương án giá và đơn vị vận tải chính thức được lựa chọn theo quy định).
Đại diện FUTA Bus Lines cho biết bố trí 4 phương tiện 45 chỗ và 6 phương tiện 16 chỗ, đều là xe sản xuất năm 2025 đầy đủ trang thiết bị để vận chuyển phục vụ tốt nhất, cao nhất các nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Phạm Xuân Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Công, hiện doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát thực tế nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức tại các địa phương, từ đó xây dựng tuyến vận tải chuyên nghiệp dành riêng cho nhóm khách hàng này. Cụ thể, Hoàng Công có kế hoạch đưa vào khai thác linh hoạt các dòng xe 16, 29 và 45 chỗ – đều là những dòng xe đời mới nhất thuộc phân khúc vận tải hành khách cao cấp.
Khách hàng là cán bộ công chức khi sử dụng dịch vụ sẽ được phục vụ chuyên nghiệp, đảm bảo đúng thời gian di chuyển và làm việc. Ngoài ra, khi tuyến vận hành chính thức, Hoàng Công sẽ áp dụng chính sách ưu đãi giảm giá cho hành khách công vụ. Hệ thống xe sẽ được trang bị ghế massage, miễn phí mạng 5G, tạo điều kiện thuận lợi để hành khách có thể làm việc thoải mái trong suốt hành trình, cả chiều đi và chiều về.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/van-chuyen-can-bo-cong-chuc-di-lam-sau-sap-nhap-doanh-nghiep-san-sang-vao-cuoc-a180001.html