1500 điểm SAT chỉ đạt 8-9 điểm tốt nghiệp
Sau nhiều ý kiến về đề thi khó, hôm qua Bộ GD&ĐT lên tiếng khẳng định: “Đề thi không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỉ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu, bám sát đề tham khảo đã công bố, có tính phân hoá và dựa trên kết quả thử nghiệm ở cả 3 vùng miền”.
Tuy nhiên, phía học sinh và giáo viên bộ môn ngoại ngữ lại có chia sẻ, nhận định ngược lại.
![]() |
Thí sinh kêu đề thi tiếng Anh năm nay rất khó. (ảnh: Hoàng Mạnh Thắng) |
Thầy Mai Thành Sơn, giáo viên Tiếng Anh, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) cho rằng, đề thi bộ môn vừa sức với học sinh chuyên Anh hoặc những em đã quen luyện SAT, IELTS, luyện thi chuyên.
Đề minh hoạ trước đó Bộ GD&ĐT công bố hoàn toàn sử dụng ngữ liệu theo các bộ sách giáo khoa hiện hành, độ khó không cao. Tuy nhiên, đề thi chính thức tăng độ khó lên rất nhiều, sách giáo khoa hiện tại không có bộ nào có thể đáp ứng được yêu cầu và độ khó của đề thi.
Chưa kể, ở một số chỗ dùng từ tối nghĩa, gây khó khăn cho thí sinh. Yêu cầu chuẩn đầu ra của lớp 12, chương trình GDPT toàn quốc là B1, trong khi đề thi chương trình GDPT 2018 là C1, thậm chí cao hơn.
Điều đáng nói, đây là kỳ thi năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới, sách tham khảo cho dạng đề kể trên gần như chưa có. Học sinh lớp 12 năm nay chưa có sự hướng dẫn rõ ràng để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
“Với đề thi này, học sinh chuyên tiếng Anh trình độ C1, C2 và đạt điểm IELTS 8.0 - 8,5 hay điểm SAT 1500 (thuộc top 1% của thế giới) cũng chỉ có có mức điểm dao động từ 8,0 đến 9,5”, theo thầy Sơn.
Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên bộ môn Ngoại ngữ một trường THPT ở Thanh Hoá nói rằng: “Đề thi tiếng Anh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là “cú sốc” đối với học sinh. Các em cảm thấy bị “đánh úp” vì độ khó nâng lên rất nhiều so với đề minh hoạ trước đó mà Bộ GD&ĐT đã công bố”.
Nhiều em sau kỳ thi đã gọi điện cho giáo và khóc vì không làm được bài như kỳ vọng. Trước đó, thầy cô bám sát đề minh hoạ và đã “rào trước đón sau” rất kỹ từng dạng bài, nâng cao từ vựng nên khi làm đề thi thử của trường, Sở GD&ĐT đều đạt mức điểm khả quan. Nhiều em tự tin chọn tiếng Anh làm môn thi tự chọn để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học.
Tuy nhiên, sau khi làm bài thi, lớp có em đạt 1500 điểm SAT nhưng chưa chắc được 9,5 điểm vì còn 1-2 câu băn khoăn, đang chờ đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT.
Cô Hằng có con học lớp chuyên anh, IELTS đạt 7.0 cũng đang kỳ vọng đạt điểm 9 đề thi Tốt nghiệp THPT. Còn những em năng lực học ở mức khá, hoang mang vì nhiều câu không thể đọc hiểu.
“Đề dài, thời gian 50 phút là quá ngắn, cộng thêm nhiều từ vựng có độ khó ở trình độ C1, C2, vượt chương trình, thách thức đối với cả giáo viên”, cô Hằng nói.
Cảnh báo gia tăng học thêm
Từ thực tế đề thi năm nay các giáo viên cho rằng, sẽ có tác động tiêu cực tới lứa học sinh trong năm học tới. Đề thi tăng độ khó, các câu hỏi kiến thức không nằm trong chương trình, sách giáo khoa sẽ khiến học sinh lớp 12 năm tới lo lắng, gia tăng đi học thêm, đổ ra các trung tâm luyện thi.
“Chi phí học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ đắt đỏ, gây tốn kém tiền bạc cho học sinh, phụ huynh”, cô Hằng nói.
Ngoài ra, học sinh ở vùng nông thôn, vùng núi khó khăn trong thời gian tới sẽ e ngại khi đăng ký dự thi ngoại ngữ.
Theo các chuyên gia, trong chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc tuy nhiên, để thúc đẩy việc học ngoại ngữ, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, việc đổi mới dạy học, thi cử cần tạo hứng thú, động lực cho học sinh thay vì gây sức ép, nỗi lo sợ để các em tìm đến các lớp luyện thi hoặc phải né tránh.
Trước đó, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nói rằng, đề thi năm nay có nhiều điểm mới, theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Cấu trúc, định dạng đề thi năm nay thay đổi hoàn toàn so với năm trước.
Khi làm đề, hội đồng xem xét rất kỹ lưỡng tất cả số liệu trong quá trình thử nghiệm. Độ khó của đề dựa trên kết quả thực tế đó, đồng thời bám sát đề tham khảo.
"Điểm khác biệt lớn nhất của năm nay là ma trận đề thi được tạo ra ngẫu nhiên trong quá trình làm, thay vì có từ trước như những năm qua. Cách ra đề này đảm bảo tính khách quan, vì người dạy và học không thể đoán biết từ trước. Đây cũng là cách để học sinh đảm bảo học thật, thi thật, không phải học ứng phó, lường trước các khu vực kiến thức quan trọng để tập trung học", GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/sat-1500-ielts-85-cung-lac-dau-voi-de-thi-tot-nghiep-tieng-anh-a180295.html