Kiến nghị vá 'lỗ hổng' trong điều hành giá xăng dầu

TP - Trước việc liên tục bị rơi vào tình trạng lỗ nặng gần 2 tháng qua do bị các doanh nghiệp đầu mối cắt giảm mạnh chiết khấu, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị loạt giải pháp liên quan đến điều hành giá nhằm giúp thị trường xăng dầu ổn định, không để doanh nghiệp đầu mối lũng đoạn thị trường.

Doanh nghiệp tố loạt lỗ hổng trong điều hành

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, ông vừa có văn bản gửi Thường trực Chính phủ và Bộ Công Thương liên quan đến cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Theo ông Tây, trong suốt thời gian qua, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày (hoặc kéo dài hơn khi kỳ điều hành trùng ngày nghỉ) đang tạo ra kẽ hở nghiêm trọng cho các đầu mối và nhà phân phối lợi dụng.

Theo ông Tây, hiện giá bán lẻ xăng dầu được quy định cố định 7 ngày trong khi giá bán buôn mà doanh nghiệp phải mua vào lại bị doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh liên tục theo giá thế giới bằng cách tăng, giảm chiết khấu để bảo vệ biên lợi nhuận.

Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ, vốn yếu thế nhất trong chuỗi cung ứng, thì bị buộc bán hàng theo giá cố định ngay cả khi giá nhập vào tăng bằng giá bán ra hoặc bị cắt chiết khấu về 0 đồng. Điều này dẫn đến cơ chế một chiều, đẩy toàn bộ rủi ro về phía bán lẻ, khiến hàng nghìn doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng thêm kiệt quệ. Nhiều thời điểm, việc bán xăng dầu của doanh nghiệp bán lẻ không còn mang tính kinh doanh mà là gánh lỗ để giữ hình ảnh và ổn định cho thị trường.

Dẫn câu chuyện thực tế từ việc nhập hàng của công ty đầu mối Petrolife Trà Vinh (DDS), ông Tây cho biết, các doanh nghiệp đầu mối thường áp dụng việc siết giao hàng, giao chậm, thậm chí ngừng cung cấp để chờ giá điều chỉnh tăng. Cùng với đó, chiết khấu bị ép về 0 đồng, thậm chí âm, khiến doanh nghiệp bán lẻ phải “bù lỗ” nếu muốn duy trì hoạt động.

Tình trạng này thường xuyên xảy ra khiến mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu không còn công bằng, mà trở thành một dạng lệ thuộc bắt buộc trong một thị trường tưởng là “mở”.

“Đây không còn là câu chuyện thị trường thông thường, mà là biến tướng của sự thao túng giá và chia lợi bất cân đối, gây thiệt hại trực tiếp cho hàng ngàn doanh nghiệp bán lẻ chân chính, những người đang mỗi ngày gánh thay phần rủi ro chính sách và rủi ro từ chính đối tác cung ứng của mình”, ông Tây phân tích.

Ông Tây cho rằng, bất cập gây bức xúc nhiều năm qua với các doanh nghiệp chính là đầu mối được điều chỉnh giá bán buôn từng giờ, từng ngày nhưng doanh nghiệp bán lẻ phải bán theo giá cố định suốt trong thời gian 1 tuần đến khi được điều chỉnh giá theo quy định.

Những bất cập trong kinh doanh này, dù doanh nghiệp bán lẻ đã phản ánh nhiều năm nhưng không được cơ quan quản lý (Bộ Công Thương - PV) lắng nghe, đẩy doanh nghiệp nhỏ vào tình trạng lỗ vốn, kiệt sức, không có lối ra.

Kiến nghị vá 'lỗ hổng' trong điều hành giá xăng dầu ảnh 1

Doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị điều chỉnh cơ chế điều hành giá. Ảnh: Như Ý

Từ thực tế kinh doanh suốt thời gian qua, ông Tây kiến nghị cơ quan quản lý xem xét áp dụng điều chỉnh giá xăng dầu định kỳ 2 lần/tuần. Cụ thể, điều hành vào 15h thứ Ba và 15h ngày thứ Sáu. Đây là giải pháp kỹ thuật khả thi, giúp thu hẹp độ trễ giữa giá thế giới và giá trong nước, giảm thiểu động cơ trục lợi chính sách từ một số doanh nghiệp lớn.

Quan trọng nhất, việc thay đổi thời gian điều hành giá sẽ giúp tạo lại sự công bằng và niềm tin cho hệ thống bán lẻ, vốn là “hàng rào bình ổn cuối cùng” giữa thị trường và người dân.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngày 1/7, mức chiết khấu của đầu mối giảm còn 0 đồng, và sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 3/7 vừa qua thì được đẩy lên hơn 1.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, mức chiết khấu này chỉ duy trì được một ngày và sau đó mức chiết khấu dành cho các doanh nghiệp lại tiếp tục bị kéo về mức rất thấp, đến nay chỉ quanh mức 350 - 600 đồng/lít, khiến doanh nghiệp tiếp tục bị lỗ nặng.

“Chi phí cứng cho một lít xăng dầu bán ra đến người tiêu thụ là 780 đồng. Đây là mức chi phí mà doanh nghiệp không phải vay vốn ngân hàng và mặt bằng tự có, không phải đi thuê. Còn nếu doanh nghiệp xăng dầu phải dùng vốn vay ngân hàng và mặt bằng thuê thì chi phí cứng sẽ cao hơn tuỳ từng khu vực.

Với mức chiết khấu những ngày qua, sau điều chỉnh giá chỉ còn 350 - 650 đồng/ lít xăng, doanh nghiệp chỉ còn cách móc tiền túi tiếp tục bù lỗ trong khi nhà phân phối vẫn luôn có lãi”, ông N.H.V, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ lớn ở Hà Nội cho biết.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đặt câu hỏi, vì sao Bộ Công Thương mãi không nhận thấy những bất cập trong việc điều hành giá xăng dầu, dù các doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản góp ý để ‘lấp những lỗ hổng trong điều hành”.

Sẽ hướng đến theo giá thị trường

Về những phản ánh của doanh nghiệp liên quan chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, các quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đều không quy định về mức chiết khấu. Nhà nước chỉ tạo môi trường, quản lý, điều hành và quy định mức giá trần giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.

Việc chiết khấu cao hay thấp phụ thuộc vào mối quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp, hợp đồng kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau.

Cũng theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, vừa qua thị trường xăng dầu thế giới có sự biến động do xung đột ở khu vực Trung Đông và có những thương nhân đầu mối đã giảm mức chiết khấu xăng dầu cho đại lý xuống còn 500 đồng, hoặc còn 100-200 đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 25/6/2025, do có những tín hiệu tích cực từ việc đàm phán ở khu vực Trung Đông, giá xăng dầu đã giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cũng giảm. Do vậy, chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối đã tăng trở lại từ 1.700 đến 2.600đồng/lít, tuỳ mặt hàng, thời điểm.

“Quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu hiện từng bước theo cơ chế thị trường và tiến tới áp dụng giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị”, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho hay.

Các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi tham gia kinh doanh trên thị trường cần phải chấp nhận quy luật của thị trường, chịu sự điều tiết của thị trường (cung, cầu, giá cả). Do vậy cần phải có kế hoạch kinh doanh của mình để ứng phó khi thị trường có biến động.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/kien-nghi-va-lo-hong-trong-dieu-hanh-gia-xang-dau-a180855.html