Người bệnh khám chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo phạm vi được hưởng đã làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp hơn cho người bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kể từ khi chính sách này có hiệu lực từ ngày 1-7, Luật Bảo hiểm y tế quy định các bệnh viện phải công khai chi phí dịch vụ và báo trước phần phí chênh lệch phải trả cho người bệnh.
Chính sách này, theo Bộ Y tế, sẽ gia tăng quyền lợi cho người bệnh; đồng thời minh bạch khi người bệnh biết rõ phần chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán và phần tự chi trả, giúp chủ động trong việc lựa chọn dịch vụ y tế phù hợp.
Bác sĩ Võ Hồng Minh Phước (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)
Bảo hiểm chi trả hơn 40.000 - 50.000 đồng/lượt khi khám dịch vụ
Trước thực trạng khám bảo hiểm y tế phải chờ đợi lâu, nhiều bệnh nhân dù có bảo hiểm y tế nhưng vẫn chấp nhận chọn khám chữa bệnh dịch vụ để tiết kiệm thời gian đi lại, ăn ở... Nhiều người bệnh không hề biết đến phương án đăng ký khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán một phần.
Gần đây, chị D.T.K.D. được bác sĩ ở một bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM chỉ định phải phẫu thuật do chấn thương vùng tay. Tuy nhiên do lượng bệnh nhân đông, lịch mổ bảo hiểm y tế chật kín, trong khi bệnh lý của chị không phải bệnh cấp tính và người bệnh được thông báo đợi nửa tháng để được phẫu thuật bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân bảo hiểm y tế khám theo yêu cầu chờ khám bệnh theo số thứ tự tại Bệnh viện quận 7, TP.HCM, ngày 2-7-2025 - Ảnh: TỰ TRUNG
Bảo hiểm y tế chi trả ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực 27, cho biết việc chi trả bảo hiểm y tế khi khám dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh đã có từ trước đây, nhưng chỉ thể hiện tại các thông tư về giá thanh toán bảo hiểm y tế.
Cụ thể năm 2024, bảo hiểm xã hội thanh toán căn cứ vào thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17-11-2023. Tại điều 5 điểm 7 quy định trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế và có sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng, mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Từ 1-1-2025 thông tư 22/2023/TT-BYT hết hiệu lực và nội dung này được Chính phủ quy định tại nghị định 02/2025/NĐ-CP ngày 1-1-2025 điều 1 điểm 1 (hiệu lực thi hành từ 1-1-2025).
Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí trong phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định tại điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế. Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán.
Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, thiết bị y tế, khả năng cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng; cũng như mức hưởng bảo hiểm y tế, phần chi phí chênh lệch, đồng thời phải thông báo trước cho người bệnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Vũ Nữ Anh, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho hay người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí theo phạm vi được hưởng, quy định tại điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế.
Trong đó phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán.
"Điều này có nghĩa ngay cả khi người tham gia bảo hiểm y tế khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí theo quy định giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Phần chênh lệch giá khám chữa bệnh theo yêu cầu và bảo hiểm y tế sẽ do người bệnh tự chi trả", bà Nữ Anh nêu rõ.
Giải thích kỹ hơn về quy định này, một chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho hay hiện nay mức chi trả bảo hiểm y tế sẽ là 40%, 80% hoặc 100%. Đối với trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú, nếu người bệnh tự đến cơ sở y tế không phải cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ sẽ không được thanh toán. Chỉ khi điều trị nội trú hoặc cấp cứu mới được bảo hiểm y tế chi trả một phần.
Nếu người bệnh đi khám trái tuyến (không có giấy chuyển tuyến hợp lệ) tại bệnh viện cấp chuyên sâu (tuyến trung ương trước đây) và phải nhập viện điều trị nội trú sẽ được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú theo mức quyền lợi trên thẻ bảo hiểm y tế. Còn trường hợp khám ngoại trú trái tuyến tại cấp chuyên sâu, bảo hiểm y tế không thanh toán.
"Tương tự nếu đi khám chữa bệnh tại bệnh viện cấp cơ bản (trước đây là tuyến tỉnh) khác ngoài tỉnh nơi đăng ký ban đầu mà không có giấy chuyển tuyến, người bệnh chỉ được hưởng bảo hiểm y tế khi điều trị nội trú, với mức chi trả đúng tuyến (thường là 80% hoặc 100% tùy quyền lợi ghi trên thẻ)", chuyên gia này nêu rõ.
Như vậy cũng giống như khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, để được chi trả khi khám chữa bệnh theo yêu cầu người bệnh cũng cần đảm bảo quy định chuyển tuyến trên để được hưởng mức thanh toán cao nhất.
Tổng hợp: X.M.
Chính sách có từ nhiều năm nay
Đó là khẳng định của chuyên gia Vụ Bảo hiểm y tế. Theo đó nghị định 85 năm 2012 quy định người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo mức quy định. Phần chênh lệch giữa chi phí khám và mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán.
Năm 2019, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ theo yêu cầu.
"Bộ Y tế đã có ba văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên trước đó một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, đặc biệt là vướng mắc trong máy đặt, máy sở hữu toàn dân...
Chính vì vậy, trong Luật Bảo hiểm xã hộisửa đổi lần này, Bộ Y tế đã hợp nhất các văn bản, đưa vào luật để các nội dung hướng dẫn mạch lạc, rõ ràng. Tạo điều kiện cho các bên liên quan có cơ sở để thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người dân", vị chuyên gia này cho hay.
* Ông Tăng Chí Thượng (giám đốc Sở Y tế TP.HCM):
Đột phá phạm vi, đối tượng, quyền lợi
Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh khám dịch vụ mà có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, thiết bị y tế, khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng hợp đồng đã ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra cũng quy định các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo số giường bệnh thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20%; các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỉ lệ thời gian tối thiểu 70% để khám chữa bệnh cho người bệnh bảo hiểm y tế.
Tôi cho rằng các hệ thống chính sách bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1-7 mang tính đột phá về cả phạm vi, đối tượng, quyền lợi và cơ chế hỗ trợ. Người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ mới này, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi ngành y tế chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ.
Người bệnh khám dịch vụ vẫn được bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí - Ảnh: TỰ TRUNG
Giảm gánh nặng tài chính, đảm bảo quyền lợi cả bệnh nhân và bệnh viện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Võ Hồng Minh Phước, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho hay việc người bệnh khám chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo phạm vi được hưởng đã làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp hơn cho người bệnh.
"Chính sách này tạo tâm lý an tâm, chủ động lựa chọn dịch vụ phù hợp tài chính cá nhân. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, nhất là người mắc bệnh mạn tính, bệnh ung thư có nhu cầu điều trị dịch vụ", bác sĩ Phước khẳng định.
Theo ông Phước, hiện nay bệnh viện đã xây dựng bảng giá dịch vụ theo yêu cầu theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo vừa phù hợp thực tế, vừa đúng quy định về thanh toán.
Song song đó là việc tổ chức phân luồng khám hợp lý, bố trí nhân lực phù hợp, có quy trình tiếp nhận riêng cho người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế nhưng đăng ký khám dịch vụ, thông báo trước cho người bệnh các khoản chi phí chênh lệch.
Ngoài ra đơn vị cũng đã bổ sung, ký phụ lục hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh thời gian làm việc, cập nhật thời gian hành nghề của các bác sĩ phù hợp với thời gian hành nghề trên hệ thống đăng ký của Sở Y tế.
Bệnh viện cũng tăng truyền thông, hướng dẫn tại bàn tiếp đón, bài viết trên fanpage, video ngắn tại các khu vực trong nội viện... nhằm giúp người bệnh nắm rõ quy định và có lựa chọn phù hợp.
Tại Bệnh viện Thống Nhất, PGS Lê Đình Thanh, giám đốc bệnh viện, cho biết từ nhiều năm nay, người dân khi khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện vẫn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Và từ ngày 1-7, vấn đề này đã được đưa vào Luật Bảo hiểm y tế nên rõ ràng và phổ biến hơn tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo ông, tại bệnh viện có sự minh bạch giữa các khu vực khám bệnh gồm khu khám cán bộ, khu khám bảo hiểm y tế thông thường và khu khám dịch vụ. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 lượt khám bảo hiểm y tế và khu khám dịch vụ thường dao động từ 800 - 1.000 lượt. Trong số lượt khám bảo hiểm y tế, ông cho biết có rất nhiều bệnh nhân có bảo hiểm y tế chọn khám dịch vụ.
Theo quy định, người bệnh khi khám dịch vụ có bảo hiểm y tế sẽ được trừ đi phần chi phí mà bảo hiểm y tế thanh toán và chỉ cần đóng phần tiền chênh lệch còn lại.
"Quy định này giúp người dân có thể tiếp cận dịch vụ chất lượng cao hơn nhưng giảm được chút gánh nặng tài chính nhờ sự chi trả một phần của bảo hiểm y tế", ông Thanh nói.
Giám đốc một bệnh viện tại Hà Nội cho hay thực tế trước đây có một số bệnh viện đã áp dụng hình thức này, cho phép người bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi lựa chọn khu khám dịch vụ, nhưng chưa có quy định rõ trong luật. Bởi vậy, nhiều bệnh viện chưa áp dụng, người bệnh khi khám theo yêu cầu thường phải tự chi trả toàn bộ, kể cả chi phí kỹ thuật hay thuốc men.
"Đối với giá khám có thể chi phí chênh lệch ban đầu sẽ lớn, nhưng khi điều trị, thực hiện xét nghiệm, phẫu thuật... chi phí chênh lệch sẽ không quá lớn. Người bệnh khám chữa bệnh theo yêu cầu mức chi trả sẽ giảm đáng kể.
Quy định mới này sẽ mang lại lợi ích rõ rệt cho người bệnh, nhất là những người đã tham gia bảo hiểm y tế nhưng vẫn mong muốn dịch vụ chất lượng cao, đây là bước tiến lớn", vị này nhận định.
Không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, theo giám đốc nhiều bệnh viện, quy định mới cũng sẽ có lợi cho các bệnh viện, khi số lượng người bệnh lựa chọn dịch vụ có thể tăng lên nhờ chính sách "khám dịch vụ vẫn hưởng bảo hiểm". Từ đây các bệnh viện có thêm nguồn thu hợp pháp từ phần dịch vụ chênh lệch.
Giám đốc một bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM khẳng định khi quy định này được luật hóa, các bệnh viện công sẽ dễ triển khai minh bạch hơn, điều này mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng phục vụ thông qua việc đa dạng hóa loại hình khám chữa bệnh nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở công và tư, buộc các bệnh viện công phải đổi mới, nâng cấp chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dân.
"Cơ sở y tế cũng sẽ cân đối lại nguồn lực giữa hai hình thức khám bảo hiểm y tế và khám dịch vụ, tránh tình trạng quá tải ở khu bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi cho cả hai nhóm người bệnh một cách công bằng và hiệu quả hơn", giám đốc bệnh viện này nói.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/kham-dich-vu-van-duoc-bao-hiem-y-te-chi-tra-a180956.html