Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 1
Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 2

Ông đánh giá thế nào về tiến trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nước ta hiện nay?

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Chẳng hạn như Tập đoàn FPT của Việt Nam, từ chỗ chỉ có vài trăm nhân sự, nhưng đến thời điểm hiện tại đã lên đến hàng chục ngàn nhân sự.

Mặc dù có những bước phát triển vượt bậc, nhưng Nghị quyết 68 cũng nêu rõ, khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ.

Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với kinh tế tư nhân chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 3

Nghị quyết 68 đã được ban hành. Ông kỳ vọng như thế nào về quyết sách quan trọng này?

Nghị quyết 68 được ban hành là một quyết sách mang tính chiến lược, giúp “khơi thông xa lộ” cao tốc cho khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung phát triển. Nghị quyết 68 cũng đã công nhận và đặt vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Bên cạnh đó là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời, các cơ chế để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển cũng đã được đưa ra, với những cải cách rất mạnh mẽ từ môi trường kinh doanh, cơ chế để tạo nguồn vốn, huy động nguồn lực đến phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Tôi muốn nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của Nghị quyết đưa ra là “củng cố niềm tin và tạo khí thế, xung lực mới cho phát triển kinh tế”. Như vậy, rõ ràng là phải củng cố niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân và tạo khí thế kinh doanh, tạo xung lực phát triển, giống như đổi mới năm 1986 tạo ra khí thế mới, từ đó nguồn vốn trong dân mới được phát huy vào sản xuất.

Khu vực kinh tế tư nhân cũng là thành phần cuối cùng cần được tháo gỡ, giống như rào cản, nút thắt cuối cùng được cởi trói. Nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng được bung sức toàn lực để phát triển, một sự tăng trưởng kinh tế mới. Nghị quyết 68 chính là niềm tin và hy vọng của giới doanh nhân, của toàn xã hội vào một kỷ nguyên mới của Việt Nam. Khi lực lượng sản xuất được giải phóng, một lần nữa, sẽ tạo ra một sự tăng trưởng mới.

Có thể nói, Nghị quyết 68 như một lệnh “mở đường” cho khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đặt ra cho khu vực kinh tế tư nhân một nhiệm vụ rất lớn, đó là “trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” vào năm 2030.

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 4

Nghị quyết số 68 đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân… Chúng ta phải làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này, thưa ông?

Nghị quyết nêu rõ: mục tiêu, đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.

Đây là điều vô cùng thách thức, để đạt được mục tiêu đó và để khu vực tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cần đẩy mạnh tinh thần thực thi, làm sao tinh thần này được truyền tải xuống từng văn bản cụ thể. Đặc biệt, cần có sự triển khai đồng bộ, phát huy mạnh mẽ hơn, thực chất hơn và hiệu quả vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đại diện doanh nhân, doanh nghiệp trong tham gia thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 5

Dưới góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ có những giải pháp, hành động gì để cụ thể hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết?

Về phía VCCI, chúng tôi cam kết cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68, đưa Việt Nam phát triển và tạo nên một kỳ tích kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 21.

Việc làm đầu tiên mà VCCI đã triển khai sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW là thống kê những rào cản, vướng mắc mà doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng gặp phải để gửi đến các cơ quan chức năng, tìm cách tháo gỡ.

“Môi trường kinh doanh là nước, doanh nghiệp là cá”, có nước tốt, phù hợp thì cá mới nhiều và lớn được. Chúng tôi rất mừng khi Đảng, Nhà nước kiên quyết với chủ trương Nhà nước kiến tạo, trong đó kiến tạo môi trường kinh doanh, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thời gian tới, VCCI tập trung đẩy mạnh tham mưu, hiến kế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, VCCI tiếp tục kết nối, nâng cao năng lực cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Kết nối thị trường, đầu tư, kết nối văn hóa – xã hội, kết nối chuỗi sản xuất… để tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Hiện nay, VCCI đã kết nối văn hóa giữa các doanh nghiệp với nhau. Một cộng đồng doanh nghiệp quốc gia phải có văn hóa đồng nhất, nhận diện được văn hóa và có sức mạnh mềm về văn hóa. Văn hóa kinh doanh sẽ tạo sức mạnh bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng AI trong quản trị và sản xuất thông qua các khóa đào tạo, mở các lớp đào tạo, tập huấn về văn hóa kinh doanh để nâng cao trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp. Chuyển giao kinh nghiệm, truyền cảm hứng của thế hệ doanh nhân đi trước; kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau.

Trong 40 năm đổi mới, chúng ta tập trung nhiều vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm chất lượng và lợi nhuận cao, nhưng đạo đức văn hóa kinh doanh chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có sự đồng bộ và thống nhất ở tầm quốc gia. Trong Nghị quyết 68 nêu rõ vấn đề này, vì thế VCCI sẽ đẩy mạnh với nhiều chương trình, hoạt động phong phú, phối hợp với các hiệp hội để đưa đạo đức kinh doanh và từng ngành nghề.

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 6

“Sau gần 7 năm, kể từ khi Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 về kinh tế tư nhân ra đời, Nghị quyết 68-NQ/TW đã nâng khu vực tư nhân lên vị thế “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Điều đáng chú ý nhất trong Nghị quyết 68 là cam kết bảo đảm quyền tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Hơn 82% lao động làm việc trong khu vực tư nhân nhưng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các rào cản về đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất. Nếu các cam kết “minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế” được luật hóa trong giai đoạn 2025-2028, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí tuân thủ.

Điều đặc biệt, Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ “chiếc khóa” thể chế mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm lớn lao trong việc trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới. Để xứng đáng với vị thế là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp cần phải hành động ngay, minh bạch, liên kết và không ngừng đổi mới.

Các doanh nghiệp cần thực hiện các hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết, bao gồm việc tuân thủ và minh bạch trong các vấn đề thuế, lao động, môi trường. Cụ thể, để nhận được ưu đãi tín dụng và tham gia đấu thầu, doanh nghiệp cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong báo cáo tài chính và hệ thống quản trị rủi ro (môi trường, xã hội và quản trị - ESG). Đồng thời, để lọt vào nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN về công nghệ, doanh nghiệp cần trích ít nhất 2-3% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và tham gia các quỹ đổi mới sáng tạo địa phương”.

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 7

“Nghị quyết 68-NQ/TW rất quan trọng, sẽ là “ánh sáng soi đường” để cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Kinh tế tư nhân hiện nay đóng góp khoảng 50% GDP của Việt Nam, nhưng trong tương lai, như các nước, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân sẽ chiếm tới 60-70% GDP. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này khi Nghị quyết 68 khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đều xem đây như một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân bứt phá.

Nghị quyết 68 sẽ là động lực, khai mở cánh cửa phát triển đột phá cho kinh tế tư nhân Việt Nam. Giờ đây, hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp hãy hành động, vận dụng chính sách, ứng dụng công nghệ và chủ động hội nhập. Hãy để tinh thần khởi nghiệp bùng lên mạnh mẽ, để mỗi doanh nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn kiến tạo nền kinh tế Việt Nam hùng cường, bền vững và ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới.

Có đòn bẩy từ Nghị quyết 68, khu vực tư nhân sẽ mang tiền, mang trí tuệ phục vụ phát triển và sẵn sàng hợp tác ở trong nước và quốc tế… để đất nước ngày càng mạnh hơn. Đây cũng là một cơ hội cho kinh tế tư nhân có bàn đạp để phát triển mạnh hơn.

Hiện nay chúng ta có nhiều doanh nghiệp tư nhân rất phát triển. Tôi kỳ vọng, một đất nước mạnh thì phải có nhiều thương hiệu mạnh và nhiều thương hiệu mạnh sẽ làm đất nước mạnh lên”.

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 8

VnEconomy 08/07/2025 06:01

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nghị quyết 68 mở đường cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế tư nhân - Ảnh 9

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nghi-quyet-68-mo-duong-cho-giai-doan-phat-trien-moi-cua-kinh-te-tu-nhan-a181044.html