Thời gian để nhận kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ dưới 1 năm

Trước đây, doanh nghiệp có khi phải chờ tới 2 năm mới nhận được kinh phí để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy nhiên, sắp tới đây, tổ chức sau khi đăng ký và được phê duyệt, sẽ nhận hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ trong cùng năm… 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy thông tin về đột phá của cơ chế mới để phát triển khoa học công nghệ tại họp báo ngày 7/7 của Bộ Khoa học và Công nghệ về các nội dung cơ bản của 5 luật thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, 5 luật mới, bao gồm  Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử, mặc dù đều được khởi thảo cách đây từ 1 đến 2 năm, nhưng nội dung của các Luật này đã được xây dựng lại gần như toàn diện, với tinh thần tiếp thu sâu sắc các chủ trương, tư tưởng lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024.

Trong đó, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2025) lần đầu tiên đưa đổi mới sáng tạo vào luật và đặt ngang hàng với khoa học công nghệ. Trước đây, khoa học công nghệ chủ yếu là hoạt động của đội ngũ chuyên môn, các nhà khoa học, viện nghiên cứu. Thì đổi mới sáng tạo là hoạt động của toàn dân, biến tri thức, công nghệ thành những giá trị thực tiễn. 

Theo đó, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 3% vào tăng trưởng GDP, và khoa học công nghệ số chỉ đóng góp 1%. 

Bên cạnh đó, Luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược. 

Thêm vào đó, doanh nghiệp có lãi được trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước.

Thông tin thêm về những đột phá, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết tới đây, tổ chức sẽ không phải chờ tới 2 năm mới nhận được kinh phí để triển khai đề tài nghiên cứu, mà sau khi đăng ký và được phê duyệt, sẽ nhận hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ trong cùng năm. 

Cụ thể, các quy trình xét duyệt, thẩm định và phê duyệt kinh phí hiện rút ngắn còn khoảng 6 tháng, tối đa 8 tháng, sau đó sẽ nhận được vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt, thời gian cấp kinh phí có thể chỉ từ 3–4 tháng.

Đồng thời, toàn bộ chi tiêu từ ngân sách được đưa về cơ chế khoán chi. Điều này có nghĩa là sau khi nhận được kinh phí, các tổ chức nghiên cứu được toàn quyền chủ động trong mua sắm, chi tiêu, trả lương theo đúng kế hoạch nghiên cứu – miễn là lưu lại đầy đủ chứng từ để phục vụ hậu kiểm.

Cơ quan quản lý sẽ giám sát quá trình triển khai thông qua nền tảng số, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.

Thông tin về Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2026), ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho biết luật tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). 

Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Một điểm mới quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy. 

Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này. 

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/thoi-gian-de-nhan-kinh-phi-cho-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-se-duoi-1-nam-a181074.html