Theo ước tính của IATA mới đây, chi phí trung bình cho nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong năm 2024 cao gấp 3 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường, với tổng chi phí bổ sung là 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, bội số vừa nêu đã tăng lên hơn hơn 4 lần trong năm nay.
Nguyên nhân là các nhà cung cấp nhiên liệu châu Âu thổi giá sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Anh bắt đầu áp dụng chính sách ReFuelEU từ tháng 1 năm nay. Theo đó, mọi chuyến bay cất cánh từ hơn 350 sân bay ở EU bắt buộc nạp ít nhất 2% SAF bên cạnh nhiên liệu thông thường.
"Hành vi thổi giá của các nhà cung cấp SAF thực sự vô lý, vì việc này sẽ khiến ngành hàng không phải bổ sung hơn 4.700 tỷ USD để đạt được mục tiêu Net Nero vào năm 2050", ông Willie Walsh - Tổng Giám đốc IATA nói. Đồng thời, ông Walsh cho rằng, các nhà cung cấp nhiên liệu phải ngừng kiếm lời từ nguồn cung SAF vốn đang hạn chế và tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu chính đáng của khách hàng.
![]() |
Ông Willie Walsh - Tổng Giám đốc IATA. Ảnh: IATA. |
Theo tính toán của IATA, để tuân thủ yêu cầu pha trộn 2% SAF theo chính sách ReFuelEU và dự phòng những hình phạt tiềm ẩn trong tương lai, những nhà cung cấp nhiên liệu đang tăng thêm phụ phí đối với các hãng hàng không, điều này dẫn đến chi phí SAF tăng lên mức 3.500 USD/tấn - gần gấp đôi giá thị trường là gần 1.850 USD/tấn.
Liên quan việc sử dụng SAF, Bộ Xây dựng vừa có văn bản chỉ đạo giao Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) với vai trò Nhà chức trách hàng không, là cơ quan đầu mối thực hiện thủ tục thông báo với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về việc tham gia cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA).
Trên cơ sở đó, Cục HKVN đã hoàn tất thủ tục đăng ký với ICAO về việc tham gia CORSIA giai đoạn tự nguyện. Sau đó, ICAO đã có thông tin phản hồi xác nhận Cục HKVN chính thức tham gia CORSIA giai đoạn tự nguyện từ ngày 1/1/2026.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra ngày 25/6, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng hàng không quốc gia của Việt Nam có nhiều đường bay đến châu Âu, nên chịu tác động trực tiếp từ chính sách ReFuelEU về sử dụng SAF.
![]() |
Việc tham gia CORSIA khiến các hãng bay Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn và nguy cơ bị "bào mòn" lợi nhuận. Ảnh: CAA. |
Theo ông Hà, việc sử dụng SAF trong năm 2025 khiến chi phí nhiên liệu của hãng tăng gần 6% trên các đường bay châu Âu, tương đương 5-6 triệu USD. Do giá SAF cao gấp 2-3 lần nhiên liệu thông thường, nguồn cung còn hạn chế nên chi phí này dự kiến sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình mở rộng mạng bay.
"Chúng tôi đang thực hiện nghiêm túc các quy định về SAF, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) và trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia trong tiến trình phát triển bền vững. Hiện tại, phần chi phí phát sinh từ SAF được đưa vào cơ cấu giá vé các chặng bay từ châu Âu, tương tự như các hãng hàng không quốc tế khác" - ông Hà nói.
![]() |
Sử dụng SAF trong năm 2025 khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng gần 6% trên các đường bay châu Âu. Ảnh: VNA. |
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đánh giá, quy định về SAF là thách thức không chỉ riêng Vietnam Airlines mà là bài toán của toàn ngành hàng không. Để thực hiện thành công, cần sự phối hợp của nhiều bên, từ chính sách hỗ trợ sản xuất SAF, đến việc tăng nguồn cung và kiểm soát giá, sự chia sẻ chi phí từ hành khách, cũng như nỗ lực tối ưu hóa vận hành của các hãng hàng không.
Hiện tại, ngoài châu Âu, các yêu cầu bắt buộc sử dụng SAF cũng sẽ có hiệu lực trong vài năm tới tại các trung tâm hàng không lớn như Singapore, Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc... Chi phí về SAF sẽ là gánh nặng lớn với ngành hàng không toàn cầu thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta hiện thực hóa giấc mơ xanh hóa bầu trời, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu...
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/cac-nha-cung-cap-nhien-lieu-hang-khong-ben-vung-bi-chi-trich-vi-thoi-gia-a181103.html