Người đàn ông nguy kịch, cả người 'tím đen' sau khi ăn tiết canh, lòng lợn

TPO - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho một bệnh nhân nam 63 tuổi, trú tại Hà Nội, trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu tại một quán quen gần nhà.

Theo thông tin từ gia đình, ba ngày trước khi nhập viện, ông N.N.T. có ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu. Ngày hôm sau, ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và được đưa đến cơ sở y tế địa phương. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà ngày càng xấu đi.

Đến sáng 9/7, bệnh nhân xuất hiện nhiều ban tím vùng đầu, mặt, cổ, khó thở nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. ThS, bác sĩ Phạm Thanh Bằng, khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, khó thở, nổi vân tím, tay chân lạnh, nổi ban tím lan rộng từ đầu mặt cổ đến tứ chi. “Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để thở máy và tiến hành lọc máu. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, bệnh nhân bất ngờ ngừng tim. Ê-kíp cấp cứu với 4 bác sĩ đã khẩn trương ép tim, hồi sức tích cực và dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp”, bác sĩ Bằng thông tin.

Người đàn ông nguy kịch, cả người 'tím đen' sau khi ăn tiết canh, lòng lợn ảnh 1

Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch, song vẫn đang trong giai đoạn sớm và có nguy cơ diễn biến nặng.

TS.Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết thêm, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn – loại vi khuẩn thường gây bệnh nặng và tiến triển rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Hiện tại, khoa đang điều trị cho hai ca bệnh tương tự, đều phải thở máy, dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục để duy trì chức năng sống.

Liên cầu lợn (Streptococcus suis) là vi khuẩn có thể lây từ lợn sang người, gây bệnh nhiễm khuẩn cấp tính với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, rối loạn ý thức. Với thể nhiễm khuẩn huyết, bệnh có thể gây sốc nhiễm khuẩn, ban xuất huyết lan rộng dưới da, thường bắt đầu từ vùng đầu, mặt, cổ và lan khắp cơ thể. Đáng lo ngại, bệnh có thể chuyển biến nặng chỉ trong vòng 24 giờ, đe dọa tính mạng người bệnh.

Người dân có thể nhiễm vi khuẩn này qua đường tiêu hóa khi ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ như tiết canh, lòng trần, nem chua. Ngoài ra, vi khuẩn có thể xâm nhập qua các vết trầy xước khi tiếp xúc với lợn bệnh trong quá trình giết mổ, chế biến hoặc chăm sóc đàn lợn.

TS Hùng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh hay các sản phẩm từ thịt lợn sống hoặc tái, đồng thời cần đeo găng tay, đồ bảo hộ khi tiếp xúc với lợn và xử lý cẩn trọng các vết thương hở để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, cho biết liên cầu khuẩn lợn hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề như điếc, tổn thương thần kinh hoặc suy đa tạng. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người.

Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, lòng lợn hay bất kỳ sản phẩm nào từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Khi mua thịt, nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh thịt có màu sắc bất thường, dấu hiệu phù nề hoặc xuất huyết. Người tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn cần đeo găng tay, khẩu trang và vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc.

Nếu có vết thương hở ở tay chân, cần băng kín bằng gạc không thấm nước trước khi xử lý thực phẩm sống. Ngoài ra, với đồ ăn sẵn mua ngoài hàng, người dân nên chần lại bằng nước sôi hoặc nấu kỹ trước khi ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ. Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày.

Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông'
Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông'
Từ 1/10, bệnh viện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử: Không còn đất cho lạm dụng và kê sai
Từ 1/10, bệnh viện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử: Không còn đất cho lạm dụng và kê sai
Nhiều bệnh nhân mắc sởi nhập viện: Người lớn khỏe mạnh vẫn nguy kịch vì biến chứng
Nhiều bệnh nhân mắc sởi nhập viện: Người lớn khỏe mạnh vẫn nguy kịch vì biến chứng

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nguoi-dan-ong-nguy-kich-ca-nguoi-tim-den-sau-khi-an-tiet-canh-long-lon-a181478.html