Kết nối để 'bật' dậy mạnh mẽ ngành du lịch Quảng Ngãi

Sau sáp nhập, Quảng Ngãi không chỉ rộng lớn về địa lý mà còn giàu tiềm năng du lịch, một vùng đất mới giao thoa giữa biển đảo và cao nguyên, giữa văn hóa đồng bằng và sắc màu Tây Nguyên. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, du lịch Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có.

Ngày 9/7, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Tọa đàm “Kết nối, hợp tác phát triển du lịch Quảng Ngãi”. Tọa đàm nhằm xây dựng chiến lược phát triển du lịch trong giai đoạn mới, sau khi Quảng Ngãi và Kon Tum hoàn tất sáp nhập.

Hiến kế để đưa du lịch bứt phá

Sau sáp nhập, với không gian mở rộng và hệ sinh thái đa dạng, Quảng Ngãi mới sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, nơi có biển đảo, núi rừng, cao nguyên và cả chiều sâu văn hóa các dân tộc. Các điểm đến như đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh từ lâu đã là biểu tượng du lịch của Quảng Ngãi. Giờ đây, được cộng hưởng thêm “ngọc xanh” Măng Đen, thác Pa Sỹ, núi Ngọc Linh, di sản tự nhiên của Kon Tum (cũ.

Kết nối để 'bật' dậy mạnh mẽ ngành du lịch Quảng Ngãi ảnh 1

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Giám đốc Sở VH-TT&DL Phạm Thị Trung cho biết, việc tổ chức chương trình tọa đàm ngay sau sáp nhập giúp tỉnh nhận diện rõ hơn tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia cùng trao đổi, đóng góp ý kiến thiết thực, góp phần xây dựng chiến lược phát triển du lịch lâu dài, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù địa phương.

“Mục tiêu của buổi tọa đàm không chỉ dừng lại ở việc tăng cường liên kết, mở rộng không gian du lịch giữa các vùng, mà còn tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thực sự khác biệt, độc đáo, đậm đà bản sắc Quảng Ngãi. Những sản phẩm này cần kết hợp hài hòa giữa việc tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên với khai thác chiều sâu văn hóa, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, qua đó góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Quảng Ngãi trong giai đoạn mới”, bà Trung nhấn mạnh.

Thực tế, điều mà ngành du lịch Quảng Ngãi cần lúc này không còn là sự mô tả chung chung về tiềm năng, mà là định vị lại hình ảnh du lịch mới, hiện đại, thông minh và có bản sắc riêng.

Các ý kiến tại tọa đàm đã tập trung hiến kế cho bài toán ấy, từ việc thiết kế sản phẩm theo từng vùng địa hình, đến xây dựng thương hiệu qua chuyển đổi số, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tư nhân, mở các tour chuyên đề về văn hóa dân tộc thiểu số và phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao.

Kết nối để 'bật' dậy mạnh mẽ ngành du lịch Quảng Ngãi ảnh 2

Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút điện tử, chính thức công bố đường dây nóng du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Bí thư Đảng ủy đặc khu Lý Sơn Nguyễn Minh Trí chỉ rõ, sau sáp nhập, Quảng Ngãi nắm trong tay hai thương hiệu du lịch nổi tiếng là “đảo Lý Sơn” và “Măng Đen”, nhưng nếu không được đầu tư đúng hướng, lợi thế này sẽ nhanh chóng bị rơi vào tình trạng phát triển manh mún. “Hạ tầng du lịch ở cả hai nơi vẫn còn nhiều hạn chế. Để ngành du lịch phát triển bền vững, tỉnh cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng, tăng cường kết nối dịch vụ và đổi mới tư duy, cách làm du lịch”, ông Trí đề xuất.

Không ít ý kiến cũng lưu ý đến việc tránh “xé lẻ” trong phát triển không gian du lịch. Quảng Ngãi cần nhìn toàn vùng như một chỉnh thể gắn kết, trong đó mỗi khu vực đóng vai trò là mắt xích, bổ trợ cho nhau không cạnh tranh mà hợp lực để cùng phát triển.

Khai phá tiềm năng, vượt qua lối mòn tư duy

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Y Ngọc nêu rõ, tỉnh Quảng Ngãi sau khi hợp nhất với tỉnh Kon Tum đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, với không gian rộng mở, tầm nhìn chiến lược sâu rộng và tiềm năng du lịch đa dạng, đặc sắc chưa từng có.

Kết nối để 'bật' dậy mạnh mẽ ngành du lịch Quảng Ngãi ảnh 3
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Y Ngọc phát biểu tại buổi tọa đàm

Không chỉ sở hữu “biển đảo Lý Sơn “thiên đường du lịch biển đảo” giàu giá trị văn hóa - lịch sử”, Quảng Ngãi giờ đây còn “sở hữu núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, di sản văn hóa phong phú và bản sắc cộng đồng các dân tộc thiểu số độc đáo”.

“Tỉnh xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà”, bà Y Ngọc nói.

Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở VH-TT&DL, cần nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa; thay đổi tư duy, đổi mới cách làm, từng bước xây dựng du lịch Quảng Ngãi có bản sắc riêng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế.

Kết nối để 'bật' dậy mạnh mẽ ngành du lịch Quảng Ngãi ảnh 4

Tham quan, mua sắm các sản phẩm đậm nét văn hóa phía tây Quảng Ngãi tại khuôn khổ tọa đàm

Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch bài bản, quản lý chặt chẽ, đảm bảo trật tự, tránh quá tải, ô nhiễm. Phát triển đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo mang thương hiệu tầm khu vực; xây dựng Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm quốc gia; đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Khai thác tối đa tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa, gắn phát triển với công tác bảo tồn, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đầu tư hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước, xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ngãi thân thiện, hấp dẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần đồng hành: “Tỉnh Quảng Ngãi trân trọng mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Ngãi, vùng đất đang mở ra không gian phát triển mới, giàu cơ hội, nhiều tiềm năng. Hãy cùng chúng tôi viết tiếp câu chuyện tăng trưởng xanh, kiến tạo tương lai bền vững cho ngành du lịch Quảng Ngãi”.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Sở VH-TT&DL đã công bố đường dây nóng 0946.888.225, do Phòng Quản lý Du lịch trực tiếp điều hành và quản lý, nhằm tiếp nhận phản ánh, góp ý từ người dân và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.

Việc công bố đường dây nóng nhằm tạo kênh trao đổi thẳng thắn, cởi mở, giúp ngành du lịch kịp thời lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh, từng bước hoàn thiện môi trường du lịch văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp hơn.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/ket-noi-de-bat-day-manh-me-nganh-du-lich-quang-ngai-a181480.html