Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ca mắc tăng

TPO - Sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng bất ngờ, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có nền miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh mạn tính, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đây cũng là lời cảnh tỉnh về sự cần thiết của việc chủ động phòng bệnh bằng tiêm vắc xin và theo dõi sát sức khỏe khi có dấu hiệu sốt.

Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang bước vào mùa sốt xuất huyết khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes, trung gian truyền bệnh phát triển mạnh.

Biến chứng nặng trên bệnh nhân ghép thận

Một ca bệnh nghiêm trọng vừa được tiếp nhận và điều trị thành công tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue khi tấn công người có bệnh nền. Bệnh nhân là nam giới, 27 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), có tiền sử ghép thận được sáu năm và đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch Cellcept để duy trì chức năng thận.

Chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đó và cũng chưa tiêm phòng vắc xin, bệnh nhân này nhập viện sau ba ngày sốt cao liên tục. Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue thể có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm mạnh xuống còn 6 G/L, chỉ số hematocrit (HCT) tăng liên tục từ 0,39 đến 0,56, dấu hiệu của tình trạng cô đặc máu nghiêm trọng.

Trên lâm sàng, bệnh nhân có bụng chướng, phù toàn thân, khó thở, độ bão hòa oxy trong máu (SpO₂) giảm chỉ còn 93% dù đã được hỗ trợ thở oxy. Dù được truyền dịch tinh thể theo phác đồ, tình trạng không cải thiện, buộc bác sĩ chuyển sang sử dụng dịch cao phân tử và truyền albumin. Sau hai ngày điều trị tích cực, các chỉ số dần trở lại bình thường, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống và bài tiết tốt. Đến ngày thứ 9 của bệnh, sức khỏe bệnh nhân phục hồi hoàn toàn.

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ca mắc tăng ảnh 1

Bệnh nhân 27 tuổi đang điều trị sốt xuất huyết tại BV Bạch Mai.

Ca bệnh là minh chứng cho thấy sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng bất ngờ, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có nền miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh mạn tính. Đây cũng là lời cảnh tỉnh về sự cần thiết của việc chủ động phòng bệnh bằng tiêm vắc xin và theo dõi sát sức khỏe khi có dấu hiệu sốt.

Vắc xin – vũ khí chủ động phòng ngừa

Theo các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra, với bốn type huyết thanh gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người từng mắc một type vẫn có thể mắc lại khi tiếp xúc với type khác, thậm chí ở lần mắc sau, bệnh có thể diễn biến nặng hơn.

Vắc xin phòng sốt xuất huyết có khả năng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với nhiều chủng virus Dengue, nhờ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Việc tiêm phòng đặc biệt quan trọng với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lí nền (tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn, thiếu máu, tan máu) và cả những người đã từng mắc sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cho biết vắc xin phòng sốt xuất huyết đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vắc xin mới chỉ triển khai trong hệ thống tiêm chủng dịch vụ. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mỗi người dân cần chủ động phòng chống dịch bệnh, không chỉ bằng việc tiêm phòng mà còn bằng các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt và giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ca mắc tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, từ ngày 27/6 đến 4/7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca sốt xuất huyết tại 17 xã, phường – tăng 8 ca so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 331 ca mắc, phân bố tại 90 trên tổng số 126 xã, phường.

CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc đang có xu hướng tăng và một số ổ dịch đã ghi nhận chỉ số côn trùng ở mức nguy cơ cao. Điều này cho thấy nguy cơ bùng phát dịch trong những tuần tới là rất lớn, đặc biệt khi thành phố chính thức bước vào mùa cao điểm sốt xuất huyết.

Trước thực tế đó, ngành Y tế Hà Nội đang đẩy mạnh các biện pháp giám sát dịch tễ tại cộng đồng và cơ sở y tế, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời, không để lan rộng.

Cùng với sốt xuất huyết, các dịch bệnh mùa hè khác như tay chân miệng, sởi, liên cầu lợn, COVID-19… cũng đang được theo dõi sát. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 59 ca tay chân miệng, 40 ca sởi (giảm so với tuần trước), một ca liên cầu lợn ở bệnh nhân nữ 72 tuổi (ca mắc thứ 5 từ đầu năm). Số ca mắc COVID-19 trong tuần giảm mạnh từ 135 ca xuống còn 65 ca.

Chủ động phòng dịch là chìa khóa

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, CDC Hà Nội tiếp tục duy trì hệ thống giám sát ca bệnh trên phần mềm và tại cộng đồng. Đồng thời, công tác kiểm dịch y tế tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng được siết chặt nhằm phát hiện sớm các ca nghi nhiễm, tránh lây lan ra cộng đồng.

Cơ quan y tế thành phố nhấn mạnh, phòng bệnh hiệu quả chỉ có thể đạt được khi có sự vào cuộc của từng người dân. Bên cạnh các nỗ lực của chính quyền và ngành y tế, mỗi gia đình cần tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ gìn môi trường sạch sẽ và không chủ quan khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi kéo dài.

Trong bối cảnh sốt xuất huyết đã có vắc xin phòng bệnh, việc chủ động tiêm phòng sẽ là “lá chắn” bảo vệ quan trọng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và những hệ lụy về sức khỏe. Đừng để đến khi dịch bùng phát mới lo phòng bệnh, khi đó có thể đã muộn.

Người đàn ông nguy kịch, cả người 'tím đen' sau khi ăn tiết canh, lòng lợn
Người đàn ông nguy kịch, cả người 'tím đen' sau khi ăn tiết canh, lòng lợn
Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông'
Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông'
Nhiều bệnh nhân mắc sởi nhập viện: Người lớn khỏe mạnh vẫn nguy kịch vì biến chứng
Nhiều bệnh nhân mắc sởi nhập viện: Người lớn khỏe mạnh vẫn nguy kịch vì biến chứng

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/dich-sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-ca-mac-tang-a181527.html