Cuối tháng 6, nhiều tờ báo lớn ở Mỹ cùng tiễn biệt Jim Parkinson (1941-2025) - một bậc thầy thiết kế kiểu chữ (typographer), người đã họa nên măng sét của họ từ nhiều thập kỷ trước.
Nghệ sĩ
Jim Parkinson và một tác phẩm vẽ chữ. Ảnh tư liệu của nhân vật
Jim Parkinson lớn lên ở vùng vịnh San Francisco, nơi ông được tiếp xúc với nghệ thuật sắp chữ (typography) và kỹ thuật viết tay (penmanship) dưới sự hướng dẫn của Abraham Lincoln Paulsen.
Parkinson tốt nghiệp trường nghệ thuật thủ công California College of Arts and Crafts năm 1963, nhưng trước đó đã mày mò học qua các sách giáo khoa và sổ tay hướng dẫn, tham khảo các phong cách viết chữ cổ điển.
Các tác phẩm thuộc nhiều hình thức khác nhau của Jim Parkinson
Ông bắt đầu sự nghiệp tại hãng thiết kế thiệp Hallmark Cards với vai trò họa sĩ minh họa. Đây là nơi diễn ra bước ngoặt sự nghiệp của Parkinson.
Trong một bài viết năm 1987, The New York Times dẫn lời ông tự kể giai thoại cuộc đời: "Công việc thiết kế chữ đầu tiên của tôi là tại Hallmark. Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ vẽ thỏ. Tôi hỏi họ "Có việc gì khác cho tôi làm không?". Và họ trả lời "Nếu anh biết vẽ chữ thì có thể vào phòng lettering"".
Parkinson tếu táo rằng phòng lettering "là nơi dành cho những ai không đủ giỏi để vẽ thỏ", nhưng đây lại chính là nơi ông sẽ thực sự thăng hoa trong vai trò mới. Không chỉ phát hiện ra rằng mình có thể xây dựng sự nghiệp từ công việc vẽ chữ, ông còn nhận ra đây chính là đam mê cả đời.
Jim Parkinson trình bày các tác phẩm của ông tại một hội thảo về nghệ thuật vẽ chữ.
Dù cả đời gắn bó duy nhất với chữ, kỹ năng của Parkinson đủ rộng để ông có thể đảm nhận hầu hết mọi dạng công việc - từ thiết kế logo cho đến vẽ trọn bộ chữ cái (typeface).
Ngoài sản phẩm cho báo chí, trong suốt năm thập kỷ, chữ của Parkinson xuất hiện khắp nơi: tiêu đề quảng cáo, logo ban nhạc (The Doobie Brothers), logo cho gánh xiếc (Ringling Brothers và Barnum & Bailey) và hàng chục kiểu chữ phổ biến thương mại khác.
Theo Stephen Coles, kể ra vài ví dụ như vậy vẫn chưa đủ để lột tả sức sáng tạo dồi dào của ông. "Bạn có thể đến bất kỳ sạp báo nào ở Mỹ - thậm chí ở nước ngoài - và sẽ thấy dấu ấn của Jim, đôi khi xuất hiện trên nhiều bìa báo cùng lúc.
Ông trở thành người mà các giám đốc nghệ thuật tìm đến mỗi khi muốn làm mới tờ báo, và có không ít tờ được ông vẽ lại logo nhiều lần theo thời gian" - Coles viết về người đồng nghiệp quá cố.
Về cuối đời, Parkinson dành nhiều thời gian vẽ lại các bảng hiệu neon xưa bằng tranh sơn dầu, như một hình thức mỹ thuật hoài niệm.
Parkinson còn điều hành xưởng thiết kế độc lập Parkinson Type Design, nơi ông phát triển các font chữ mang linh hồn của chữ khắc gỗ xưa, kết hợp độ chính xác của công cụ kỹ thuật số.
"Ảnh hưởng của ông không chỉ in dấu trên từng trang giấy mà còn thay đổi cách chúng ta cảm nhận ngôn ngữ bằng hình ảnh" - Typographica nhấn mạnh.
Trong vai trò nghệ sĩ tự do, năm 1971 Jim Parkinson được mời về thiết kế chữ và minh họa cho Rolling Stone, khi tạp chí này còn đặt trụ sở tại San Francisco.
Năm 1977, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập tạp chí, Parkinson được giao nhiệm vụ thiết kế lại logo.
Logo Rolling Stone qua các thời kỳ.
Bản thiết kế 1977 vẫn chưa phải là huyền thoại. Theo chính Rolling Stone, đến năm 1981, Parkinson tiếp tục tinh chỉnh thiết kế 1971, thêm vào nhiều chi tiết, đặc trưng nhất là phần đuôi chữ "R" kéo dài - "một thay đổi nhỏ nhưng mang tính biểu tượng, trở thành phiên bản logo tồn tại lâu nhất của tạp chí, kéo dài đến tận năm 2018".
Những dấu ấn riêng của Jim Parkinson vẫn hiện diện trong logo Rolling Stone ngày nay, nhờ nhà thiết kế Jesse Ragan (hãng XYZ Type) - người thực hiện bản cập nhật gần nhất.
Trong quá trình thiết kế lại, Ragan đã khéo léo kết hợp các yếu tố từ cả hai phiên bản mà Parkinson từng vẽ vào năm 1977 và 1981, nhằm đáp ứng yêu cầu của tòa soạn: một logo linh hoạt, hiển thị tốt trên cả nền tảng số, ấn phẩm in lẫn mạng xã hội.
Black tiếp tục nhớ về người đồng nghiệp cũ: "Nếu từng ở gần Parkinson, quý vị sẽ thấy phần lớn thời gian đều rất vui vẻ. Ông có khiếu hài hước sắc bén, lại thêm một trực giác tuyệt vời về bản chất con người.
Sau một phiên làm việc căng thẳng - đôi khi có thêm vài chất kích thích nhẹ từ bên ngoài - ta có thể sẽ thấy sáng hôm sau có một mẩu truyện tranh nho nhỏ trên bàn làm việc, thường có nhân vật chính là quỷ. Mà chưa từng có con quỷ nào vui vẻ đến thế".
Jim Parkinson là người có tình yêu đặc biệt dành cho chữ vẽ tay - tình yêu ấy đã đưa ông đi qua hành trình trải dài từ bảng hiệu vẽ tay, bìa đĩa nhạc, cho đến vị trí được quốc tế công nhận và tôn vinh trong thế giới thiết kế kiểu chữ.
Ông trân trọng các kiểu chữ lịch sử, nhưng cũng không ngần ngại thổi vào đó một cái nhìn táo bạo, đương đại; nhờ vậy, những kiểu chữ do Jim tạo ra vừa biểu cảm, vừa hữu dụng, dù là thời vẽ tay hay có sự hỗ trợ của máy tính sau này.
Hiểu thêm về Jim Parkinson giúp chúng ta nhìn măng sét của những tờ The New York Times, Los Angeles Times hay Esquire theo cách khác: chậm hơn để chiêm ngưỡng sự tỉ mỉ và công phu ẩn sau từng kiểu chữ của một nhà thiết kế cả đời sáng tạo với bảng chữ cái và có tình yêu đặc biệt với ấn phẩm báo chí.
Như chính ông từng viết năm 2011: "Tôi nhận ra rằng được làm việc cho các tạp chí, thiết kế một kiểu chữ riêng hay một logo cho họ, đem lại cảm giác trọn vẹn hơn bất kỳ công việc vẽ chữ nào khác tôi từng làm. Từ đó, tôi luôn cố gắng tìm cơ hội cộng tác với các ấn phẩm nhiều nhất có thể".
TRÚC ANH
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/bac-thay-ve-chu-jim-parkinson-mot-doi-them-hon-cho-bang-chu-cai-a182051.html