Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ cuối: Mâm cua lột, tôm càng đổi đời Miệt Thứ

Năm xưa, nhạc sĩ Hà Phương viết bài Em về Miệt Thứ lời buồn da diết "Gió lao xao thổi vào mái lá/Như ru tình cô gái Tiền Giang/Yêu quê hương thương miền cố cựu/ Vấn vương tình đất tổ quê cha...".

Miệt Thứ - Ảnh 1.

Cửa biển ở An Biên, Miệt Thứ có đủ tài nguyên rừng và biển - Ảnh: QUỐC VIỆT

Chẳng biết cô gái Tiền Giang theo chồng về Miệt Thứ thủa nào. Nếu trăm năm trước thì cô phải ngồi ghe chèo tay mất hơn mười ngày ròng rã vượt các con sông lớn nhiều sóng gió Tiền Giang, Hậu Giang, Cái Lớn, nên mới thương nhớ ngày về thăm cha mẹ xa lắc xa lơ.

Nhưng nếu cô lên xe bông thời nay thì khác hẳn, chỉ 30 phút máy bay hoặc 4-5 giờ ngồi xe một mạch tới nhà...

Những cây cầu phá thế cách trở đò giang

Nhiều lần xuôi về Miệt Thứ, tôi hay hỏi thăm chuyện đời sống đổi thay của dải đất U Minh Thượng có cả tài nguyên rừng biển này.

Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ 3: Cuộc đổi thay chầm chậm trên quê hương Sơn NamMiệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ 1: Tìm quê Sơn Nam bận quần đùi, đá cá lia thia

Cán bộ địa phương lẫn người dân đều gật gù đồng tình "chính những con đường được sửa sang mở rộng và các cây cầu nối đôi bờ sông lớn đã giúp Miệt Thứ đổi thay rõ rệt".

Giai đoạn phát triển đầu tiên của Miệt Thứ suốt hai thập niên 1990 và 2000 với các cánh đồng được khẩn hoang để mần lúa hai vụ, rồi sau đó mô hình nuôi "con tôm ôm cây lúa" giúp người địa phương dần qua đời thắt ngặt suốt từ khi tổ tiên họ là lưu dân về đây lập xóm ấp.

Tuy nhiên chỉ đến khi hai cây cầu Cái Lớn, Cái Bé được nối nhịp năm 2014, dài hơn 1.200m với vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, phá hẳn thế cách trở đò giang thì Miệt Thứ mới thật sự có điều kiện phát triển rõ rệt.

Rồi năm năm sau cầu Vàm Cống cũng nối liền đôi bờ sông Hậu, xe tải chở thủy hải sản Miệt Thứ đã phóng được một mạch 4-5 tiếng về đến TP.HCM...

Miệt Thứ - Ảnh 2.

Cầu Cái Lớn xóa thế qua sông lụy phà ở Miệt Thứ - Ảnh: QUỐC VIỆT

"Tới nay tụi tui vẫn nhớ sự kiện khánh thành cầu Cái Lớn, Cái Bé ngày 7-2-2014, tức sau Tết Nguyên đán hơn một tháng mà bà con Miệt Thứ vẫn vui như được ăn Tết thêm lần nữa.

Lễ khánh thành vài tiếng mà bà con bận quần áo đẹp, sửa sang xe cộ đi chơi cầu suốt mấy ngày không ngớt. Cô bác lớn tuổi không tự đi được cũng gọi con cháu mần ăn xa về chở qua cầu chơi.

Nhiều đám cưới trai gái miệt này cũng dời ngày để xe bông rước dâu được chạy qua cầu" - anh Trang Minh Tú, nguyên trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cũ (nay là các xã thuộc tỉnh An Giang) vui vẻ nhắc nhớ chuyện xưa.

Quê nhà anh Tú ở ngay An Biên, coi hai cây cầu Cái Lớn, Cái Bé sát bên như cánh cửa lớn ra vô nhà mình. Ngày xưa anh phải qua phà này mất cả tiếng, rồi lại thêm hai phà Mỹ Thuận, Vàm Cống có nhanh lắm cũng mất thêm hai tiếng nữa.

Sản vật Miệt Thứ bị cách sông lụy đò, làm sao mần ăn cạnh tranh nổi với người ta. Tía má, ông bà nội ngoại đều nhiều đời sanh ở vùng đất thấp này, anh Tú còn nhìn xa hơn khi thấy cầu Cái Lớn, Cái Bé thông tuyến hành lang ven biển kết nối với đường Xuyên Á làm đòn bẩy phát triển cả vùng Kiên Giang -

Con tôm nuôi giúp người dân Miệt Thứ dần đổi đời - Ảnh: QUỐC VIỆT

Miệt Thứ đổi thay

Lịch sử lưu dân đi khẩn hoang lập xóm ấp từ xa xưa đến sau này, Miệt Thứ, tức vùng U Minh Thượng, là xứ "rất ngộ" như chính nhận xét của bà con địa phương. Chỉ cách Sài Gòn tầm 250km mà như xa xôi hắt hiu ở đẩu đâu.

Nghe chuyện bên trà chiếu rượu mà khó tin: đến năm 2000 mở ra thế kỷ 21 mà chính nhiều người miền Tây vẫn tròn mắt "hổng biết Miệt Thứ ở xứ nào".

Sau bước ngoặt có cầu lớn năm 2014, người dân vùng này kết thúc lịch sử mấy trăm năm chịu cảnh đời heo hút vì qua sông lụy đò. Miệt Thứ rộng gần 2.000km2 (gồm bốn huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cũ, nay thuộc An Giang) đã đủ điều kiện phát triển trên vùng đất thấp có cả tài nguyên rừng, biển.

Anh Phạm Duy Tân, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cũ, kể trước đây người Miệt Thứ chỉ có ba sinh kế chính. Dân mạn biển An Biên, An Minh thì ra lượm con sò, con cua tự nhiên ở bãi.

Người có tàu cũng quanh quẩn gần bờ vì hiếm tàu bự. Dân rừng thì loi ngoi lóp ngóp với mớ cá rô, cá lóc dưới tán tràm dù một thời nhiều nhóc vẫn không thể giúp dân thoát đời thắt ngặt.

Còn dân có chút ruộng quanh năm quay quắt đổ mồ hôi mà lo mất mùa, thiếu ăn vì vùng đất thấp này không phèn nặng thì cũng nhiễm mặn do gần biển.

Công lúa dân Miệt Thứ làm được 10-20 giạ đã mừng, trong khi đồng trên như Tân Hiệp cách chỉ vài chục cây số người ta thu hoạch được 70-80 giạ.

Từ khi đường sá, cầu cống thuận lợi, người Miệt Thứ có thêm kế mần ăn để được đồng ra đồng vô quanh năm. Nổi bật nhất là mô hình kinh tế "con tôm ôm cây lúa", cánh đồng sau vụ lúa là vụ tôm.

Mặc dù năng suất vẫn thua xa miệt trên, hạt gạo nông dân Miệt Thứ làm ra đã bán có giá hơn với thương hiệu gạo ngon lúa - tôm.

Trong khi đó con tôm càng xanh, tôm sú nuôi quảng canh cũng ít bệnh mà giảm hẳn phí đầu tư nhờ nguồn hữu cơ dồi dào sẵn ở chân rạ đồng lúa sau hoạch.

Miệt Thứ - Ảnh 4.

Con cua cùng với tôm, cá là sản vật nổi tiếng của Miệt Thứ - Ảnh: QUỐC VIỆT

Mở sổ tay, anh Tân nói những con số chi tiết: diện tích nuôi trồng tôm - lúa kết hợp năm 2024 U Minh Thượng đạt gần 9.500ha, trong khi diện tích nuôi cua ghép tôm lúa cũng gần 1.200ha...

Ở huyện An Biên gần bên, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng đạt khoảng 31.500ha, trong đó diện tích nuôi quảng cảnh "con tôm ôm cây lúa" được khoảng 22.000ha...

Cây lúa vẫn chưa cho người nông dân lời lãi nhiều nhưng phần nuôi tôm sau đó sẽ bù thêm lợi nhuận. Thực tế cũng còn những nhà khó khăn nhưng nhìn chung nhờ con tôm, đời sống người dân Miệt Thứ đỡ hơn hẳn.

Vợ chồng anh Hồ Minh Giang ở chợ Miệt Thứ Chín Rưỡi (ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh cũ, nay là xã thuộc tỉnh An Giang) là một ví dụ chuyện mần ăn này.

Vợ chồng trẻ dắt díu nhau lên Thủ Đức, TP.HCM làm thuê mãi vẫn đời thắt ngặt. Họ quyết định quay về quê hương, buổi sáng mở tiệm cơm gà ở chợ, buổi chiều ra đồng làm ruộng lúa - tôm kết hợp.

Năm 2024, giá lúa cao, giá tôm cũng cao, họ kiếm được hơn trăm triệu đồng từ một mẫu ruộng nhà. Khoản lợi nhuận này cộng thêm tiền bán cơm gà, vợ chồng sống đỡ hẳn. "Tụi tui quyết định không ly hương nữa, chỉ lo mần ăn ở quê để ổn định nuôi con cái ăn học" - anh Giang tâm sự.

Khi người dân có đồng ra đồng vô quanh năm, nhiều người dân Miệt Thứ rời việc sình lầy, chuyển nghề buôn bán, phố chợ từ đó cũng sầm uất hơn.

Miệt Thứ - Ảnh 5.

Cảnh trên bến dưới thuyền ở Miệt Thứ 11 - Ảnh: QUỐC VIỆT

Khi tôi hỏi tiệm vàng ở chợ quê, vợ chồng anh Giang cười trả lời: "Anh đừng hỏi chợ có tiệm vàng hay không, mà nên hỏi chợ có bao nhiêu tiệm vàng.

Ở Miệt Thứ bây giờ chợ huyện hay chợ xã nào cũng có nhiều tiệm vàng. Bởi các bà các cô thích trang sức này dữ thần lắm, nhiều người đeo vòng vàng rực cả cùm tay".

Đặc biệt, những năm gần đây Miệt Thứ còn nổi lên như một nơi thành công với nhà yến. Nhiều người có tiền bỏ ra đầu tư rồi chờ hưởng lợi từ chim trời.

Từ chợ Chín Rưỡi, tôi vào Xẻo Nhàu mà đếm không hết các nhà yến dọc đường. Thậm chí thấy tôi ngó nghiêng, nhiều người còn tưởng tìm mua đất kiếm lợi từ chim trời.

Hổng bù cho mùa mưa năm 1997, tôi lần đầu về đây mà vắng lặng bóng người. Chiếu rượu đế buổi tối ngày cũ đó thắp đèn dầu buồn hiu hắt mà còn phải giăng mùng vì sợ muỗi nhiều như trấu.

Mùa mưa năm 2024, tôi lại được mời lai rai nhưng ông chủ nhà yến ở Xẻo Nhàu đãi bia ướp lạnh, mồi nhậu là cả mâm tôm càng, cua lột nhà nuôi.

Chập choạng tối muỗi tìm máu người, chủ nhà mời khách vô phòng máy lạnh êm ru để tiếp tục khề khà chuyện đời xưa đời nay ở Miệt Thứ giờ không còn xa lắc xa lơ...

Miệt Thứ - Ảnh 6.

Đường xá đã thông thoáng nhưng người U Minh - Miệt Thứ vẫn chuộng ghe hàng - Ảnh: QUỐC VIỆT

Miệt Thứ đã thay đổi nhưng hiện vẫn còn nỗi lo thiếu việc làm. Nhiều thanh niên Miệt Thứ không đủ việc quanh năm, đã đi TP.HCM, Bình Dương (nay là TP.HCM), Đồng Nai làm công nhân.

Tôi ghé nhà vợ chồng ông Huỳnh Thanh Tâm (70 tuổi, ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng cũ) thì sáu người con của họ đều đi làm ăn xa, vợ chồng già buồn hiu.

Hiện nay chính quyền lẫn người dân đều mong các doanh nghiệp mở mang cơ sở chế biến thủy hải sản tại địa phương để tạo thêm việc làm cho thanh niên.

Miệt Thứ sẽ có thêm điều kiện phát triển khi đường cao tốc kết nối tới vùng này và vòng quay hàng hóa sản vật sẽ nhanh hơn.

Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ cuối: Mâm cua lột, tôm càng đổi đời Miệt Thứ - Ảnh 3.Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ 3: Cuộc đổi thay chầm chậm trên quê hương Sơn Nam

Ông già Sơn Nam, nhà văn và nhà Nam Bộ học đáng kính, nếu giờ còn sống mà trở về Miệt Thứ - U Minh chắc ngạc nhiên dữ thần.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/miet-thu-co-con-xa-lac-xa-lo-ky-cuoi-mam-cua-lot-tom-cang-doi-doi-miet-thu-a182564.html