Việc uống cà phê có thể dẫn đến các đợt tăng đột biến lượng đường trong máu và thay đổi phản ứng insulin - Ảnh: FREEPIK
Theo Verywell Health, việc uống cà phê có thể dẫn đến các đợt tăng đột biến lượng đường trong máu và thay đổi phản ứng insulin, đặc biệt ở những người bị kháng insulin, tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2.
Caffeine có khả năng là nguyên nhân gây ra tác động này, kích thích giải phóng các hormone căng thẳng như adrenaline, có thể cản trở quá trình sản xuất insulin.
Caffeine cũng gửi tín hiệu để gan giải phóng glucose dự trữ, khiến các tế bào khó hấp thụ lượng glucose dư thừa từ máu.
Hãy lưu ý xem bạn thường uống cà phê khi bụng đói hay no. "Tốc độ hấp thụ caffeine sẽ nhanh hơn khi bụng đói", theo tiến sĩ, thạc sĩ Candace Pumper, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ).
Bà nói thêm việc hấp thụ nhanh có thể dẫn đến các đợt tăng đường huyết rõ rệt hơn, đặc biệt nếu cà phê được pha thêm nhiều đường hoặc kem pha ngọt. Tuy nhiên, những tác động này thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
"Các nghiên cứu dài hạn nhìn chung cho thấy mối liên hệ nghịch đảo mạnh mẽ giữa việc tiêu thụ cà phê nhiều hơn và nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 thấp hơn", theo phó giáo sư, tiến sĩ Andrew Odegaard, chuyên gia về chế độ ăn, dinh dưỡng và bệnh tiểu đường tuýp 2 tại Trường Dân số và Sức khỏe cộng đồng Joe C. Wen, Đại học California Irvine (Mỹ).
Nói cách khác uống nhiều cà phê có xu hướng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thấp hơn. Điều này có thể là do cà phê chứa các hợp chất khác có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, có thể giúp cân bằng lại những mặt tiêu cực của caffeine theo thời gian.
Nhìn chung thói quen uống cà phê mỗi ngày không nhất thiết là điều xấu đối với đường huyết, nhưng cách và thời điểm bạn uống lại rất quan trọng.
Trong khi caffeine có thể gây ra các đợt tăng đường huyết đột ngột, đặc biệt khi uống lúc bụng đói hoặc ở người kháng insulin, thì tác động lâu dài của cà phê có thể hỗ trợ kiểm soát glucose tốt hơn.
Cách tránh tăng đường huyết khi uống cà phê
Nếu bạn lo ngại tăng đường huyết nhưng không muốn từ bỏ cà phê, có những cách uống khoa học hơn được nghiên cứu chứng minh:
- Uống cà phê cùng hoặc sau bữa ăn: Kết hợp cà phê với bữa ăn hoặc bữa nhẹ để làm chậm tốc độ hấp thụ caffeine và giảm thiểu tình trạng tăng đường huyết đột ngột.
- Chọn các loại không đường hoặc có vị ngọt tự nhiên: Dùng các chất thay thế đường tự nhiên thay vì đường hoặc sirô có hương liệu.
- Dùng loại ít caffeine hoặc khử caffeine: Giảm lượng caffeine nếu bạn đặc biệt nhạy cảm hoặc đã bị kháng insulin.
- Thử các loại thay thế cà phê: Trà đen, trà xanh, cà phê từ rễ bồ công anh, hoặc cà phê ít axit có thể nhẹ nhàng hơn với đường huyết.
- Theo dõi phản ứng của cơ thể: Chú ý cảm giác của bạn khi uống cà phê. Nếu đeo máy đo đường huyết liên tục, bạn cũng có thể theo dõi cách các loại cà phê và thời điểm uống khác nhau ảnh hưởng đến cơ thể.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/duong-huyet-thay-doi-ra-sao-khi-uong-ca-phe-moi-ngay-a182615.html