Một nghiên cứu của Kaspersky cho thấy 80% phụ huynh khu vực Đông Nam Á dành nhiều thời gian cho các ứng dụng mạng xã hội khác nhau vì giãn cách xã hội buộc họ phải vừa làm việc, vừa chăm sóc con cái tại nhà.
Điều này khiến các bậc cha mẹ có nhiều thời gian lên Internet và tiếp cận các ứng dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực Châu Á Thái Bình Dương khuyên phụ huynh cần cẩn thận với thông tin đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của mình. Thông tin được chia sẻ trên các trang mạng xã hội có thể được khai thác và sử dụng bởi rất nhiều người xa lạ, bao gồm cả tội phạm mạng, do đó rất nguy hiểm.
Khi đăng một thông tin nào đó, nên tự hỏi thông tin này có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân của bạn hoặc người khác không? Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì nếu họ nhìn thấy bài đăng này? Ai đó có thể sử dụng thông tin này để theo dõi bạn hoặc con bạn trong thế giới thực hay không?
Những nội dung mà hãng bảo mật Nga khuyên người dùng nên hạn chế đăng lên mạng bao gồm: Địa chỉ nhà riêng hoặc trường học. Nếu biết được thông tin này, những tên trộm, kẻ ấu dâm, hoặc những thành phần xấu có thể dễ dàng xác định vị trí của bạn hoặc con bạn. Ngoài việc không đăng thông tin này trực tiếp thì bạn còn không nên chia sẻ thông tin thông qua việc bình luận hoặc đăng hình ảnh gián tiếp cho biết con bạn đang theo học trường nào.
Sau đó là số điện thoại, với trẻ em, điện thoại là phương thức liên lạc mà đôi khi bạn bè cùng trang lứa có thể dùng để bắt nạt và người lớn có thể dùng cho những mục đích nguy hiểm hơn. Đối với tội phạm mạng, thông tin này là một trong những dữ liệu có giá trị nhất mà chúng có thể lấy được.
Ví dụ: ít nhất kể từ năm 2016, tội phạm mạng đã bắt đầu thu thập số điện thoại của người dùng mạng xã hội và sử dụng thông tin đánh cắp để đăng ký lại dịch vụ ngân hàng trực tuyến và giành quyền truy cập vào tài khoản của nạn nhân.
Tại Việt Nam, số điện thoại bị tiết lộ thường được bán cho các bên thứ 3 để chào mời dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng, nhà đất, các khoá học,... gây phiền toái cho người dùng.
Chưa hết, để lộ số điện thoại có thể bị kẻ xấu tận dụng để hack tài khoản mạng xã hội, dùng để lừa đảo người thân và bạn bè chuyển tiền, mua thẻ cào.
Đáng lo nhất, nhiều trường hợp gần đây do có được số điện thoại nạn nhân nên đã gọi điện, giả làm công an, toà án, uy hiếp người nghe trả tiền cho chúng. Ngoài ra, còn có hình thức nhắn tin SMS lừa đảo, giả làm tổng đài y tế, giả làm tổng đài bảo hành,... để lừa tiền.
Vị trí hiện tại (“Check-in”) cũng là một thông tin mà người dùng không nên để lộ. Bởi vì, thông tin gia đình vắng nhà là tín hiệu thu hút thành phần xấu, và cũng giúp tội phạm dễ dàng theo dõi ai đó hơn. Ngoài ra, những trạng thái như “địa điểm yêu thích của tôi” và đăng thẻ địa lý có thể gây nguy hiểm cho bạn ngay cả khi bạn không ở đó vào hiện tại - điều đó cho kẻ xấu biết rằng có thể dễ dàng tìm thấy bạn ở một nơi nào đó.
Nội dung không nên để lộ tiếp theo là ảnh và video nhạy cảm. Những bức ảnh có vẻ là thú vị đối với thanh thiếu niên có thể khiến họ gặp rắc rối nếu được công bố trên Internet. Ví dụ, có rất nhiều trang web thu thập hình ảnh khiêu dâm của các cô gái tuổi teen mà họ tự đăng và xuất bản dưới dạng nội dung “nóng”. Hiệu trưởng của các trường cao đẳng và đại học và các nhà tuyển dụng tiềm năng có thể có ấn tượng xấu đối với học sinh/sinh viên/ứng viên khi nhìn thấy những bức ảnh nhạy cảm.
Bên cạnh đó, hình ảnh của người khác cũng là những thông tin nhậy cảm. Không đăng hình ảnh của người khác bởi chính bạn cũng không muốn hình ảnh của mình bị tùy ý sử dụng như vậy.
Tiếp theo là hình ảnh khi còn bé của con bạn. Các bậc cha mẹ thường đăng hình ảnh thời bé của con mà nhiều khi chưa được con đồng ý. Điều quan trọng cần nhớ là những bức ảnh đối với bạn rất đáng yêu lại có thể dẫn đến việc trẻ bị bắt nạt trong tương lai.
Hình ảnh những món quà đắt tiền nhằm thể hiện sự giàu có hoặc sang trọng của bạn đối với mọi người. Tuy nhiên, cùng với địa chỉ nhà và vị trí địa lý hiện tại, đây còn là một “mỏ vàng” cho những tên trộm tìm kiếm thông tin trên Internet.
Thông tin về cuộc sống cá nhân là thứ cần được bảo vệ cuối cùng. Thông tin cá nhân luôn có thể được sử dụng để chống lại bạn. Ví dụ: nó có thể được sử dụng để đoán mật khẩu của một tài khoản trực tuyến, để thực hiện một trò lừa đảo hoặc làm quen với con bạn. Việc đăng tải nội dung phàn nàn hoặc thông tin cá nhân của những người thân còn có thể làm hỏng mối quan hệ của bạn với mọi người.
Để giúp con an toàn trên Internet
Để giúp con an toàn trên Internet và xây dựng các thói quen tốt, bạn có thể làm cùng con những biện pháp dưới đây.
Nói cho con bạn biết những gì không được - trong bất kỳ trường hợp nào - công bố trên Internet và lý do tại sao. Giải thích rằng đăng bài trên trang mạng xã hội cũng giống như việc la hét ở không gian công cộng, trên đường phố hoặc trong lớp học.
Giải thích rằng tất cả thông tin nhạy cảm chỉ có thể được chia sẻ qua tin nhắn riêng và chỉ với những người con bạn quen biết ngoài đời.
Tạo tài khoản trên cùng mạng xã hội và kết bạn với con. Điều này giúp bạn có thể xem các bài đăng của con và nhanh chóng ngăn chặn mọi hành vi thiếu cẩn trọng hoặc thoải mái quá mức.
Nếu con bạn còn nhỏ, cần nhớ rằng tài khoản mạng xã hội đầu tiên của con bạn phải được tạo cùng với cha mẹ. Trong trường hợp này, bạn có thể giải thích cho con tất cả các quy tắc và thiết lập các biện pháp an toàn mạng giúp con.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/dung-de-con-ban-bi-bat-coc-vi-lo-nhung-thong-tin-nay-tren-mang-a43529.html