Mai phục “đất tặc”

TP - Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, dù tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch, cấp phép các mỏ đất, đá để phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (gọi tắt DA đường tránh Đông) song do giá cả nguyên vật liệu leo thang cùng một số nguyên nhân khác, có nhà thầu đã tìm mua đất của dân để san lấp trái quy định.

Khoảng 20h ngày 27/4, từ khu vực hồ thủy lợi Ea Cuôr Kắp, chúng tôi len lỏi qua các rẫy cà phê rậm rạp theo hướng tiếng máy xe tải gầm rú ở đồi thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Sau khoảng 30 phút lần mò tìm đường, chúng tôi tiếp cận được sát khu vực các đối tượng đang múc đất. Tại đây có 2 chiếc máy múc đang hì hục múc đất đổ lên các xe tải. Do đêm tối, các đối tượng chỉ gắn chiếc đèn pin ở đầu máy múc nên rất khó thấy được biển số xe tải. Sau một thời gian tiếp cận, ghi hình, chúng tôi ghi được 2 xe tải rõ biển số 47C-116.53 và 47C-285.54. Khu vực múc đất này nằm sâu bên trong rẫy cà phê, hồ tiêu nên rất kín đáo, ít người biết. Chưa kể, chủ đất và cánh lái xe rất cảnh giác, hễ thấy người lạ liền tắt máy, dừng hoạt động.

Mai phục “đất tặc” ảnh 1

Các máy múc và xe tải múc đất nhà ông Hương

Liên tiếp ngày 27-28/4 (sát dịp nghỉ lễ 30/4), tại khu vực này, từ 17h-21h, hai chiếc máy múc thi nhau cào xé quả đồi, chất đầy lên 6 xe tải, mỗi xe chở khoảng 8-10 khối. Các xe này hoạt động hết công suất, chở đất đổ trên tuyến đường tránh Đông đang thi công (đoạn thuộc thôn 6, xã Ea Ktur).

Do trời nóng nực, xe tải chạy liên tục khiến bụi bay mù mịt, phủ màu đất đỏ lên các rẫy hồ tiêu, cà phê hai bên đường từ trong đồi thôn 8 ra tới đường tránh Đông, khu vực thôn 6 (cùng xã). Sau vài ngày bị “tra tấn” vì bụi đất, người dân thôn 6 bức xúc đã dùng xe công nông ra chặn, không cho xe tải vào. Các đối tượng múc đất đành phải tạm nghỉ, nghe ngóng.

Sáng 5/5, trong vai người cần mua đất, chúng tôi vào tiếp cận khu vực trên. Theo ghi nhận, số đất đã bị múc ước chừng hàng chục nghìn mét khối. Do cảnh giác, người đàn ông chủ đất tên Hương nhìn kỹ chúng tôi một lúc rồi nói không mua bán đất, mấy hôm rồi cho san lấp để xây nhà nhưng phía xã Ea Ktur vào gây khó khăn, yêu cầu dừng thi công.

Tối 6/5, sau khi đã tưới nước để giảm bụi trên đường đi, các xe tải trên tiếp tục vào múc đất của ông Hương ra đổ ngoài đường tránh Đông. Sau gần 1 tiếng đồng hồ ghi nhận hiện trường, lúc 20h20, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Nguyễn Tấn An - công chức Địa chính xã Ea Ktur đề nghị cho người vào kiểm tra, lập biên bản sự việc. Tuy nhiên, ông An đề nghị PV liên hệ với ông Nguyễn Kim May - Chủ tịch UBND xã trao đổi, xin ý kiến. Ông An cho biết từng kiểm tra, xử phạt chỗ này, có thể họ làm việc lén lút!? Tuy nhiên, khi hỏi việc kiểm tra, xử phạt hôm nào thì ông An lấy lý do đang bận nên cho tới nay vẫn không trả lời, không cung cấp biên bản.

Liên tiếp sau đó, PV liên hệ với Chủ tịch xã Ea Ktur và cả ông An để hỏi thêm thông tin nhưng hai người này đều không nghe máy, hồi âm.

Báo cáo vi phạm và chỉ đạo bằng… miệng

Ngày 18/5, PV Tiền Phong đến thẳng trụ sở, vào phòng làm việc của ông Nguyễn Kim May - Chủ tịch xã Ea Ktur liên hệ công tác. Bị bất ngờ, ông May đành cung cấp thông tin. Theo vị Chủ tịch xã, các đối tượng tranh thủ dịp nghỉ lễ 30/4 và ban đêm múc đất nhà ông Hương để đổ đường tránh Đông. Xã đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt hộ ông Hương khoảng 4 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, ông này vẫn cho các xe tải múc đất lén lút. Đến khi báo Tiền Phong phản ánh, phía xã đã quán triệt, nhắc nhở ông này không được múc nữa, yêu cầu chuyển máy ra ngoài. “Quá trình xử lý của xã chưa được triệt để. Tôi đã quán triệt các lực lượng phải kiên quyết hơn để an dân. Trước đó, quanh khu vực này cũng cũng xảy ra tình trạng đào đất phục vụ dự án khác”, ông May chia sẻ và tiết lộ: “Do là dự án đường tránh Đông, có sự tác động của các cấp nên cũng tế nhị, chúng tôi (tức phía xã-PV) cũng có cái khó”.

Khi PV đề nghị cung cấp biên bản xử phạt để xem nội dung cụ thể, khối lượng đất đã múc, ông May cho biết hồ sơ ông An địa chính đang giữ, nay xin nghỉ phép vì nhà có việc riêng. Ông May có hẹn PV buổi chiều cùng ngày sẽ đề nghị ông An chụp biên bản gửi, thế nhưng đến cuối ngày vẫn không thấy gửi.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, trong cùng 1 thửa đất, người dân chỉ được đưa đất từ chỗ cao để san lấp cho chỗ thấp. Việc múc đất, vận chuyển ra ngoài khu đất là vi phạm. Ngoài ra, theo Nghị định 91/2019 của Chính phủ, các hành vi san lấp mặt bằng được xác định là “hủy hoại đất” và không được phép thực hiện.

Theo nguồn tin riêng của PV Tiền Phong, làm việc với Công an huyện Cư Kuin và UBND xã Ea Ktur ngày 24/4, ông Hương - chủ đất ở thôn 8 khai “cho” ông N.D.T (trú Thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) đào, múc đất. Theo ông Hương, ngày 22/4, ông N.D.T vào nhà liên hệ múc và đổ đất. Về phương tiện đào múc và chở đất, ông N.D.T chịu trách nhiệm xử lý. Mục đích của ông N.D.T đào múc và chở đất của gia đình ông Hương để đổ tại tuyến đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột đang thi công.

“Tôi đã có báo cáo, nhưng báo cáo bằng miệng cho Chủ tịch UBND huyện. Do trong phạm vi, thẩm quyền của xã nên huyện đề nghị xã xử lý”, ông May cho biết thêm.

Theo Chủ tịch xã Ea Ktur, dịp 30/4 ông này đi nghỉ lễ cùng lãnh đạo xã Ea Hu nên không nghe điện thoại của phóng viên.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin cho biết, đã yêu cầu kiểm tra sự việc. “Xã Ea Ktur báo cáo từng kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Khi nghe báo Tiền Phong phản ánh việc múc đất vẫn diễn ra, tôi đã yêu cầu xã cho dừng ngay”, vị này cho biết.

Đáng chú ý, sau khi làm việc với Chủ tịch xã Ea Ktur, PV Tiền Phong có xin số điện thoại của ông Định - trưởng thôn 8, nơi xảy ra việc múc đất để liên hệ xác minh. Tuy nhiên, vị trưởng thôn này chỉ cho biết: “Chúng tôi chỉ nhắc nhở vì họ làm đường tránh Đông - đường quốc gia. Xã cũng có lập biên bản, đề nghị anh làm việc bên xã cho rõ”, ông Định nói.

Thực tế, quá trình triển khai dự án đường tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột trên đã lộ ra hàng loạt bất cập. Giữa năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra rất nhiều sai sót trong công tác quản lý, điều hành; lựa chọn nhà thầu, đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng dự án này. Đến nay, Bộ GTVT đã 5 lần “điểm tên” chậm tiến độ, đội vốn giải phóng mặt bằng hơn 331 tỷ đồng.

Phóng viên Tiền Phong bị uy hiếp

Liên quan đến hoạt động tác nghiệp điều tra “đất tặc”, tối 18/5, liên tiếp có 2 người đàn ông sử dụng số điện thoại 0915840755 gọi đến số điện thoại của phóng viên với lời lẽ khó nghe đe dọa sẽ giết cả nhà nếu tiếp tục đến Cư Kuin.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/mai-phuc-dat-tac-a43825.html