Hầu hết các nhóm ngành giao dịch khởi sắc, dòng tiền sôi động cổ vũ cho đà tăng của thị trường. 10 mã giao dịch tích cực nhất đóng góp hơn 6 điểm cho VN-Index. VCB là đầu kéo tích cực nhất, đóng góp hơn 1 điểm cho chỉ số chính. Cùng trong ngành ngân hàng, BID, MBB, VPB cũng lọt nhóm dẫn dắt thị trường. Trên HoSE, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng tăng giá. EIB tăng mạnh nhất 3,6%, theo sau là TPB (2,6%), STB, MBB, HDB, LPB... cùng tăng trên 1%.
Trên HoSE, 44 cổ phiếu tăng trần. |
Cổ phiếu EIB tăng mạnh sau khi Eximbank công bố trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 18% cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành thêm 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, theo đó, vốn điều lệ của Eximbank cũng sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng. Lần chia cổ tức gần nhất của nhà băng này là vào năm 2014 với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt. Như vậy, sau gần 1 thập kỷ chờ đợi, cổ đông của Eximbank đã được chia cổ tức.
Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức của cổ phiếu HDB. Trước đó, HDBank đã thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt 10% vào ngày 30/5/2023. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/6/2023. Với hơn 2,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, HDBank sẽ trích ra hơn 2.500 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu trong thời gian tới.
Cũng trong tuần này, ACB sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 vào ngày 2/6/2023. Theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 và HĐQT thông qua, ACB sẽ chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%. Trong đó, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu, và 15% bằng cổ phiếu. Ngày thanh toán là 12/6/2023. Như vậy, sau 8 năm, cổ đông ACB mới được nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%
Tính đến hiện tại đã có 6 ngân hàng lên kế hoạch hoặc đã triển khai chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023 (TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank). Ước tính, tổng số tiền mà các ngân hàng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, VIB và TPBank đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức vào đầu tháng 4. Chỉ còn MB và VPBank chưa công bố ngày chốt quyền.
Cùng trong ngành tài chính, cổ phiếu chứng khoán cũng có phiên khởi sắc. VND tiếp tục giao dịch “khủng”, thanh khoản cao nhất toàn, hơn 44,8 triệu cổ phiếu trao tay. Giá trị giao dịch tương ứng 745 tỷ đồng. Các cổ phiếu EVS, IPA, TVB cũng tăng hết biên độ. Nhóm chứng khoán không có cổ phiếu nào giảm giá.
Trên HoSE, 44 cổ phiếu tăng trần, tập trung nhiều ở nhóm xây dựng, bất động sản: QCG, PTC, TGG, VPH, LGL, HUB, DRH, VRC, PTL, TDC, EVG, ITC, TDH... Nhóm sản xuất, bán buôn cũng có cả chục mã tăng trần.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,22 điểm (1,05%) lên 1.074,98 điểm. HNX-Index tăng 2,67 điểm (1,23%) lên 220,31 điểm. UPCoM-Index tăng 0,55 điểm (0,68%) lên 81,13 điểm. Thanh khoản gia tăng, giá trị khớp lệnh HoSE gần 12.100 tỷ đồng. Khối ngoại cũng mua ròng trở lại, giá trị 131 tỷ đồng, tập trung vào KBC, STB, BID, SSI, VND...
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/co-phieu-ngan-hang-dong-loat-tang-gia-a44356.html