Sửa đổi chính sách để 'Hòn ngọc Viễn Đông' toả sáng

TPO - Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu việc TPHCM được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng theo thời gian dài, “hòn ngọc này đã bớt chói sáng” do bất cập về cơ chế, chính sách.

Sửa đổi chính sách để 'Hòn ngọc Viễn Đông' toả sáng ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)

“Đầu tàu” có khỏe mới kéo các “toa” đi nhanh hơn

Chiều 30/5, thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đa số các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), TP.HCM được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng theo thời gian dài, “hòn ngọc này đã bớt chói sáng”. Đại biểu cho rằng trong những nguyên nhân khiến TP.HCM “bớt chói sáng” có nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách. Dù có cơ chế đặc thù nhưng chưa tháo gỡ hết, chưa tạo thuận lợi cho TP.HCM tháo gỡ tốt hơn.

“Tôi mong muốn Trung ương rà soát kỹ để có cơ chế phù hợp, thoáng hơn nữa, tạo điều kiện để TP.HCM có điều kiện phát triển tốt hơn. TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đầu tàu có mạnh, có khoẻ mới kéo được các toa tàu đi xa và nhanh hơn”, ông Hận nêu.

Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng trong những năm vừa qua, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu chững lại, nguyên nhân do cơ chế, dịch bệnh, bối cảnh thế giới, làm phát sinh những vấn đề trì trệ. Ông ủng hộ cần có giải pháp khuyến khích để TP.HCM phát triển.

Tuy nhiên, song song với việc tạo cơ chế đột phá, đại biểu cho rằng cần nâng lên các cơ chế giám sát. Ông nhấn mạnh có sự chủ động về chính sách nhưng phải giám sát. Muốn vậy phải giám sát hoạt động của Thành phố, tránh những việc quá tải, vượt tầm kiểm soát.

Đại biểu Vận lấy ví dụ dự thảo nghị quyết cho phép TP.HCM đưa dự kiến nguồn thu phân bổ vào các dự án đầu tư công trung hạn đến cuối kỳ mới yêu cầu báo cáo, hay cho phép TP.HCM có dư nợ vay quá 120% thu ngân sách và cũng cần có biện pháp giám sát. "Nếu vay để chi nhiều quá, không có nguồn thu bù đắp có thể vỡ nợ. Một số thành phố trên thế giới đã vỡ nợ khi không có nguồn thu bù đắp", ông Vận nói.

Sửa đổi chính sách để 'Hòn ngọc Viễn Đông' toả sáng ảnh 2

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Trao cơ chế nổi trội để TP.HCM thu hút nhân tài

Cùng quan điểm ủng hộ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng dự thảo Nghị quyết này thực chất là đang cá biệt hóa quy định của pháp luật để tạo ra năng lực pháp lý riêng để cho các chủ thể có điều kiện kinh tế khác nhau. Trong số những nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, đại biểu lưu ý về vấn đề tổ chức bộ máy của TPHCM.

“Suy cho cùng, 3 nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai, cho dù trao cho họ quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm kia không có ý nghĩa. Cần trao năng lực pháp lý để TP.HCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của thành phố trên cơ sở Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định”, đại biểu Vân nêu rõ.

Đại biểu nêu ví dụ các sở ngành liên quan tổ chức văn hóa, thiết chế kinh tế thì nên trao cho TP.HCM quyền năng tự tổ chức, tự định đoạt tổng số biên chế. “Có như vậy, mới tạo ra bộ máy vận hành phù hợp với TP HCM”, ông Vân nói, đồng thời cho biết, ở một thời kỳ, TP.HCM đã từng kiến nghị có lực lượng cảnh sát du lịch, hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM chắc chắn cũng không giống với các tỉnh khác… “Phải giao cho TP.HCM quyền tương xứng, trừ khung sườn bộ máy chuyên chính theo quy định pháp luật”, ông Vân nêu.

Về công tác cán bộ, đại biểu Vân đề xuất trao cho TP.HCM quyền phân cấp mạnh hơn. Ví dụ, Trung ương quản lý tới cấp trưởng, cấp phó ở cấp trụ cột, còn cấp dưới như cấp thường vụ nên cho TP.HCM tự quyết định và chịu trách nhiệm.

“TP.HCM cần được quyền ban hành các cơ chế nổi trội, thậm chí khác với quy định hiện hành để thu hút nhân tài. Trao cho họ quyền tự chủ, thu hút nhân tài thì có thể thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”, đại biểu Vân nêu rõ.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/sua-doi-chinh-sach-de-hon-ngoc-vien-dong-toa-sang-a44490.html