MV Nấu ăn cho em của
Đen gây xúc động với ca khúc về hành trình đến trường của trẻ vùng cao.
Một lần nữa, những ca từ giàu hình ảnh và biểu cảm của Đen Vâu lại được cộng đồng nghe nhạc thích thú chia sẻ: Mặt trời vàng như trứng chiên. Khi mà em đứng thẳng, núi và đồi phải đứng nghiêng. Con đường quanh co quá, em chao lượn như cánh chim. Mai sau lớn em bơi giữa đời, em bơi khỏe như Ánh Viên.
Từ khi trình làng hôm 13/5, MV của Đen sau 5 ngày đã vào top 1 trending YouTube Việt Nam với hơn 5 triệu lượt xem. Thành tích này đưa Đen Vâu trở thành ca sĩ có liên tiếp 16 MV giành top 1 trending YouTube Việt Nam.
Trên trang chủ của dự án Nuôi em thông báo, tính đến nay, sau khi MV chính thức của Đen Vâu được phát sóng đã giúp thêm 4.758 em bé được nhận nuôi thành công.
Hình ảnh Đen vào bếp trong MV. |
Người sáng lập ra dự án
Hoàng Hoa Trung, người sáng lập dự án Nuôi em.
Cũng nhờ công việc đi xây trường, trong một lần quay trở lại Điện Biên, anh Trung phát hiện ra rất nhiều gia đình ở đây thiếu ăn, trẻ con đi học được bố mẹ cho mang theo một cặp lồng cơm và một chai nước. Đến bữa, các em đổ nước vào cơm để ăn.
Khi về Hà Nội, anh kêu gọi cộng đồng góp tiền để nuôi bữa trưa cho 27 học sinh của một trường không điện ở Mường Nhé. Mỗi bữa cơm có thịt của một bé quy ra là 8.500 đồng. Qua một vài tháng, 27 bé đều béo tốt, khỏe mạnh hơn, phụ huynh tự mang con đến gửi mà không cần vận động.
Nuôi em ra đời từ đó và được các mạnh thường quân ủng hộ ngày một nhiều. Cộng đồng gọi phương pháp tình nguyện này là “bữa cơm níu trẻ em đến trường”. Bởi vì có cơm ăn miễn phí, không phải về nhà vào giữa buổi, tỷ lệ học sinh bỏ học ở những điểm trường được nuôi cơm giảm hẳn.
Hàng nghìn trẻ em vùng cao nhờ Nuôi em đã có những bữa trưa đủ dinh dưỡng. |
Phương pháp vận động nuôi em của Hoàng Hoa Trung cụ thể như sau: Nhóm sẽ khảo sát và lên danh sách những bé cần nuôi cơm, kèm hình ảnh, thông tin liên lạc cụ thể. Mỗi một tháng, kinh phí để nuôi một bé là 150.000 đồng. Người nhận nuôi sẽ được nhận một mã số của em bé bao gồm đầy đủ thông tin, địa chỉ trường lớp, thầy cô, bố mẹ và cả già làng trưởng bản.
Thông thường mỗi xã được lập riêng một group để những người nhận nuôi, bố mẹ học sinh và thầy cô giáo trao đổi với nhau. Ngoài ra, nhóm còn lập ra những kỳ “thăm em” định kỳ cho những người muốn trực tiếp gặp những em bé mình nhận nuôi. Đến nay, có nhiều người nhận nuôi hơn một bé một tháng.
Anh Trung cho biết thêm cũng nhờ thời gian ăn ở cùng các thầy cô, thấm khó khăn của những giáo viên cắm bản, về Hà Nội, anh tìm cách vận động và gây quỹ cộng đồng để tặng mỗi điểm trường chưa có điện một máy năng lượng gió mặt trời. Mỗi chiếc máy này có thể phát điện và cắm pin sạc. Từ ngày các điểm trường có máy, dân bản thay vì đi hàng mấy cây số ra thị trấn sạc điện, giờ họ chỉ việc chạy lên trường “cho tao cắm nhờ”.
Được những câu chuyện của thủ lĩnh Nuôi em truyền cảm hứng, ở cuối MV Nấu ăn cho em, Đen cho biết dành tặng doanh thu từ lượt nghe và xem của bài hát này từ nay về sau cho xây trường và nuôi em.
Đen chia sẻ thêm về quyết định đóng góp cho dự án từ trước đến nay: "Từ những ngày thơ bé, lớn lên trong điều kiện học hành khó khăn, thiếu cái ăn cái mặc nên tôi hiểu nó đáng sợ thế nào. Những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến hành trình tìm kiếm tri thức của các em. Sau khi tham khảo dự án Nuôi em của anh Hoàng Hoa Trung, nhận thấy đây là dự án thiết thực và minh bạch, tôi mới quyết định cùng Đồng Âm chung tay giúp một số trẻ em thuận lợi hơn trên con đường đến trường''.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nguoi-truyen-cam-hung-cho-den-vau-a44980.html