Sáng nay (13/6), Uỷ ban MTTQVN TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Theo nội dung dự thảo Đề án do Sở GTVT TPHCM xây dựng, điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố phải bảo đảm chiều rộng hè phố cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 mét. Hè phố hiện hữu không bảo đảm chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, bảo đảm an toàn cho người đi bộ.
Ngoài ra, điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường phải bảo đảm phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông. Trường hợp đặc biệt do UBND TPHCM quyết định.
TPHCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí cho thuê lòng đường, vỉa hè.
Cụ thể, khu vực 1 (gồm các quận 1,3,4,5,10, quận Phú Nhuận, khu A - khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm), mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động (trừ trông giữ xe) là 100.000đ/m2/tháng với các tuyến đường trung tâm và 50.000đ/m2/tháng với các tuyến đường còn lại.
Mức thu sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ xe là từ 350.000 đồng/m2/tháng với các tuyến đường trung tâm và 180.000đ/m2/tháng với các tuyến đường còn lại.
Khu vực 2 (quận 2 cũ, quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động (trừ trông, giữ xe) là 30.000 đồng/m2/tháng với tuyến đường trung tâm và 20.000đ/m2/tháng với các tuyến đường còn lại.
Mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 100.000 đồng/m2/tháng với các tuyến đường trung tâm và 70.000đ/m2/tháng với các tuyến đường còn lại.
Khu vực 3 (các quận 9, Thủ Đức cũ, quận 8, quận 12, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè) mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động (trừ trông, giữ xe) là 20.000đ/m2/tháng.
Mức thu sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ xe ô tô, xe máy, xe mô tô và xe đạp; hè phố để trông giữ xe xe máy, xe mô tô và xe đạp là 60.000đ/m2/tháng.
Khu vực 5 (huyện Cần Giờ) mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động (trừ trông, giữ xe) là 20.000đ/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.
Đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM. |
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5 mét trở lên, trong đó có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5 mét với chiều dài 2.328 km và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 mét trở lên với chiều dài 1.716km.
Qua thống kê cho thấy có hơn 1/2 số tuyến đường trên địa bàn thành phố không có vỉa hè nên dẫn đến xảy ra tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường trên các tuyến đường này. Và trong số các tuyến đường còn lại (đường có vỉa hè) thì chỉ có khoảng 27,47% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố/giá đất của TPHCM có tỷ lệ bình quân tương đương với TP Hà Nội và Đà Nẵng.
Một điểm trông giữ xe máy trên vỉa hè tại TPHCM. Ảnh: VQ |
Đối với mức thu phí đề xuất cho các hoạt động (trừ hoạt động trông giữ xe): Theo khảo sát Đề án thì mức thu phí đề xuất cho các hoạt động (trừ hoạt động trông giữ xe) từ 20.000 đồng -100.000 đồng đạt được sự đồng thuận theo khảo sát các chủ cửa hàng và hàng rong (từ 43,5%-53%).
Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe dự kiến cao hơn mức thu phí cho các hoạt động khác từ 2,7 đến 3,5 lần (tùy khu vực) và mức thu phí tại các tuyến đường trung tâm cao hơn các tuyến đường còn lại.
Việc này nhằm hạn chế người dân gửi xe ở khu vực trung tâm, góp phần giảm bớt nạn ùn tắc giao thông của thành phố, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng, hiện đại.
Sở GTVT TPHCM tính toán việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm.
Các trường hợp miễn thu phí gồm:
- Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang;
- Các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của thành phố như: Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, 30/4, 1/5, Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc Khánh 2/9;
- Các công trình phục vụ công tác tổ chức giao thông dưới lòng đường, trên hè phố; các công trình tạm phục vụ tuyên truyền cổ động chính trị, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông;
- Dịch vụ xe hai bánh công cộng (xe đạp, xe điện) do các tổ chức triển khai thực hiện phục vụ hành khách được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
- Xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
- Các xe đang phục vụ các hoạt động cộng đồng được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
- Xe của gia đình hộ kinh doanh (tự quản), xe đỗ trên các tuyến đường cho phép đỗ không thuộc phạm vi thu phí.
- Điểm bố trí các công trình, tiện ích, hệ thống thiết bị phục vụ giao thông công cộng và hệ thống trạm sạc cho xe điện;
- Làm điểm lắp đặt các công trình tạm dưới lòng đường, trên vỉa hè, dải phân cách, tiểu đảo, trong hành lang an toàn giao thông.
Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phù hợp với quy định của thành phố để:
- Làm điểm trông, giữ xe có thu phí;
- Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ những hoạt động tổ chức theo kế hoạch của UBND TP, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước);
- Làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình;
- Làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị Làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa;
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/chi-tiet-muc-phi-de-xuat-trong-giu-xe-long-le-duong-o-tphcm-a46447.html