Sống trong thế giới không màu-Kỳ cuối: Những người thắng định kiến

TP - Với người khiếm thị, hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn nếu được đồng hành với một trái tim cùng nhịp đập. Nhưng chuyện lập gia đình, hòa nhập cuộc sống với họ đâu đơn giản, nhất là khi chiếc “gọng kìm” mang tên định kiến xã hội vẫn còn kẹp chặt…

Tiếng thở dài trong đêm

Anh Lê Tuấn Hà, một người khiếm thị bẩm sinh, hiện đang công tác tại Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội), vẫn nhớ như in đêm hôm đó. Lúc tỉnh giấc, anh đoán trời đã rất khuya vì bốn bề xung quanh yên lặng như tờ. Ngón tay anh lướt nhẹ vài lần trên màn hình smartphone. “Ba giờ ba mươi phút ngày…”, một giọng nữ phát ra từ phần mềm đọc màn hình điện thoại dành riêng cho người khiếm thị. Anh ra khỏi giường, bước đi dò dẫm tới phòng khách để tìm nước uống.

Đi qua phòng cha mẹ, anh Hà chợt dừng lại. Có tiếng xì xào nhỏ. Ồ, hai ông bà đã dậy từ bao giờ? Anh rón rén lại gần, căng đôi tai ra, cố bắt lấy những âm thanh ít ỏi đang lọt qua cánh cửa gỗ. “Chuyện cưới xin của Hà tính sao đây nhỉ? Sắp ba mươi đến nơi rồi mà…”, giọng mẹ anh đượm lo lắng. “Chả biết nữa… Bà nghĩ xem nên giới thiệu nó với ai bây giờ? Có ai chịu lấy con mình không?”, cha anh đáp lại, thở dài, rồi im lặng. Đúng rồi. Đó chính là tiếng thở dài mà anh vẫn thỉnh thoảng nghe thấy. Giờ đây, anh đã hiểu lý do vì sao.

Sống trong thế giới không màu-Kỳ cuối: Những người thắng định kiến ảnh 1

Chị Đỗ Thuý Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (trái) tại lễ nhận bằng Thạc sĩ ngành Lãnh đạo toàn cầu của Trường Đại học Việt - Nhật Ảnh: NVCC

Quên cả cơn khát, anh Hà nặng nề bước về phòng. Anh cảm nhận rõ hai má đang ấm lên vì những giọt nước mắt. Lập gia đình là mơ ước bấy lâu nay của anh. Nhưng đúng như cha nói, tình yêu phải đến từ hai phía. Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là không muốn con cái lấy người khiếm thị, dù con họ có bị khiếm thị hay không. Đầu tiên, cuộc sống hôn nhân với người khiếm thị sẽ rất vất vả và khó khăn. Đâu ai muốn con mình phải khổ? Và họ còn lo cháu mình sau này sẽ bị khiếm thị giống cha, giống mẹ, hoặc giống cả hai. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, vì một số căn bệnh gây mù loà như đục thuỷ tinh thể, glocom (thiên đầu thống), u võng mạc… đều có tính chất di truyền. Anh Hà biết nhiều đôi vẫn quyết tâm lấy nhau, nhưng tại lễ cưới, chỉ có một bên gia đình tới dự.

Và lấy được nhau chưa hẳn đã là xong. Anh Hà tự hỏi, sự hy sinh của con người có giới hạn không? Một người bạn của anh ở Hội người mù Đông Anh đã “vượt khó” thành công để cưới một cô gái sáng mắt. Nhưng 10 năm sau, anh ta phải làm “gà trống nuôi con” vì vợ đã bỏ đi theo người đàn ông khác.

Trái tim anh Hà đã “nhìn” thấy bình minh nhờ cha mẹ. Nhưng anh cần một trái tim khác đồng hành suốt phần đời còn lại, cùng nhau khám phá những chân trời mới. Anh đâu thể dựa dẫm mãi vào ánh sáng mà cha mẹ đã mang đến...

“Gọng kìm” từ định kiến xã hội

Sống trong thế giới không màu-Kỳ cuối: Những người thắng định kiến ảnh 2

Anh Lê Tuấn Hà (giữa) cùng những người bạn của mình Ảnh: NVCC

Hiện nay, lập gia đình vẫn là một trở ngại lớn với nhiều người khiếm thị. Họ đang bị mắc kẹt trong một “gọng kìm” mang tên định kiến xã hội: rằng họ là nhóm người yếu thế, tự lo cho bản thân còn khó chứ đừng nói đến lo cho bạn đời và con cái sau này.

Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết, phụ nữ khiếm thị thường khó lập gia đình hơn đàn ông khiếm thị. Để làm tròn thiên chức của người trụ cột gia đình, đàn ông khiếm thị vẫn có thể chọn một nghề nghiệp phù hợp rồi đi làm kiếm tiền. Nhưng với phụ nữ khiếm thị, để làm tròn thiên chức làm vợ - làm mẹ sẽ khó khăn hơn nhiều. Họ sẽ gặp rất nhiều trở ngại khi phải chăm sóc con cái hay quán xuyến công việc nội trợ - những việc chủ yếu phụ thuộc vào thị giác. Vì vậy, theo bà Đinh Việt Anh, làm mẹ đơn thân đang là xu hướng của khá nhiều phụ nữ khiếm thị. Đó là những phụ nữ không lấy chồng mà vẫn nhận nuôi con, hay chọn sống độc thân sau ly hôn.

Còn với đàn ông khiếm thị, dù cơ hội việc làm đã rộng mở hơn xưa, nhưng thu nhập thì vẫn khá “bèo”. Theo ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, công việc chủ yếu của người khiếm thị hiện nay vẫn là tẩm quất massage (thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng, với người tay nghề cao là 5-7 triệu đồng/tháng) và thủ công mỹ nghệ (thu nhập trung bình khoảng 1,9 triệu đồng/tháng). Xét theo mức thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố là 4,6 triệu đồng/tháng, đa số người khiếm thị hiện nay đều có thu nhập dưới mức trung bình, và khó có thể lo cho cuộc sống gia đình.

Tự lo thì mới tự do

Để nâng cao mức sống cho người khiếm thị và giúp họ tiến tới hôn nhân dễ dàng hơn, Hội người mù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ về việc làm và hôn nhân - gia đình. Hội hiện đang quản lý hơn 1.000 cơ sở sản xuất tập trung, tổ, nhóm sản xuất thủ công, giải quyết việc làm cho gần 10.000 người khiếm thị. Nguồn vốn vay của Hội cũng đang tạo ra việc làm và thu nhập cho khoảng 13.000 người khiếm thị.

Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong các gia đình hội viên khiếm thị hiện là 13,7%, giảm 2,28% so với đầu năm 2021 (dù vẫn rất cao nếu so với tỷ lệ hộ nghèo nói chung của cả nước là 4,3% - số liệu từ Tổng cục Thống kê). Tại các hội người mù ở địa phương, những hội thảo, tọa đàm về giúp đỡ phụ nữ khiếm thị xây dựng hạnh phúc gia đình, giữ lửa hôn nhân,... hay những lớp học về kỹ năng nội trợ vẫn được tổ chức thường xuyên.

Nhưng theo bà Đinh Việt Anh, nỗ lực tự thân của người khiếm thị luôn là quan trọng nhất. Thay vì luôn tự nhìn nhận mình là nhóm người yếu thế, họ cần phải cố gắng học tập, lao động hết mình để tự chủ về cả kiến thức lẫn tài chính. Đặc biệt với phụ nữ, những kỹ năng nội trợ và chăm sóc gia đình cũng là điều bắt buộc phải học và rèn. Khi đã chứng tỏ được khả năng và phẩm chất của mình, người khiếm thị sẽ tự giải phóng mình khỏi “gọng kìm” định kiến xã hội để tự do tìm kiếm và làm chủ hạnh phúc của mình.

“Người phụ nữ cần phải chứng tỏ được thế mạnh của bản thân để chiếm được sự tin tưởng và yên tâm từ phía gia đình nhà chồng. Khi đó, tôi tin họ sẽ không cấm cản chuyện hôn nhân nữa. Ở trường hợp của tôi, chính bố mẹ chồng đã chủ động giục chúng tôi cưới!”, bà Đinh Việt Anh nói.

Một tấm gương tiêu biểu là chị Đỗ Thúy Hà - Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa. Không chỉ chinh phục hai tấm bằng thạc sĩ của Đại học Thương mại và Đại học Việt - Nhật trong 4 năm, chị đã giành suất học bổng đi du học Nhật chỉ dành cho bảy đại diện của bảy nước châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, chị vừa trở về Việt Nam sau một khóa đào tạo ngắn tại Trường Đại học Québec – Montréal (Canada) và đang tiếp tục con đường học tập của mình.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/song-trong-the-gioi-khong-mau-ky-cuoi-nhung-nguoi-thang-dinh-kien-a46644.html