Cuộc 'cách mạng' khó thành của ông Troussier

TP - HLV Philippe Troussier muốn tăng khả năng kiểm soát bóng của ĐTQG, nhưng thực tế cho thấy cuộc cách mạng lối chơi của nhà cầm quân người Pháp sẽ tốn rất nhiều thời gian, với khả năng thất bại không nhỏ.

Cho tới thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam đã 2 lần lên tới đỉnh vinh quang ở khu vực Đông Nam Á, vào các năm 2008 và 2018. Năm 2008, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Henrique Calisto đã lần đầu tiên giành chức vô địch AFF Cup. Giới mộ điệu Việt Nam sau đó phải chờ thêm 10 năm để hưởng niềm vui lần thứ 2, và vẫn là một HLV ngoại, ông Park Hang-seo.

Có khá nhiều điểm tương đồng ở cả 2 lần đội tuyển Việt Nam đăng quang ngồi vô địch khu vực. Bên cạnh việc được dẫn dắt bởi 1 HLV ngoại, đội tuyển Việt Nam 2 giải đấu trên đều sở hữu lứa cầu thủ xuất sắc nhất với những gương mặt nổi bật ở cả 3 tuyến. Đó là Vũ Như Thành, Dương Hồng Sơn, Minh Châu, Vũ Phong, Lê Công Vinh… thời ông Calisto và Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Quang Hải, Tiến Linh, Công Phượng, Tuấn Anh ở thời điểm năm 2018.

Cuộc 'cách mạng' khó thành của ông Troussier ảnh 1

HLV Philippe Troussier đang gặp khó khi thay đổi lối chơi cho đội tuyển Việt Nam

Bên cạnh yếu tố chuyên môn, không khó để nhận ra điểm chung giữa ông Henrique Calisto và Park Hang-seo là cá tính nổi bật, sôi nổi một cách nóng bỏng cả trong huấn luyện cũng như khi đứng chỉ đạo ngoài đường pist. Đây là 2 HLV nhận nhiều thẻ phạt nhất trong các đời HLV của đội tuyển Việt Nam. Cá tính trên khiến cho cả HLV Calisto và ông Park Hang-seo đều có khả năng “truyền lửa” đến học trò, tạo nên một tập thể giàu sức chiến đấu.

Chính động lực chiến đấu mạnh mẽ đã giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua những rào cản về chuyên môn, vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất để giành chiến thắng.

Tuy nhiên xét về lối chơi, một điểm chung nổi bật ở 2 lần vô địch nói trên, tuyển Việt Nam đều chơi phòng ngự-phản công, hàng thủ là điểm tựa mạnh nhất. Vũ Như Thành và Lê Phước Tứ đều từng là những trung vệ hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà được sự thừa nhận cả từ các đồng nghiệp trong khu vực.

Tương tự, Quế Ngọc Hải, Đoàn Văn Hậu hay Bùi Tiến Dũng đều có đẳng cấp khu vực. Các chân sút xuất sắc trên hàng công như lứa Công Vinh, Vũ Phong trước đây là điểm bổ sung hoàn hảo cho đội tuyển Việt Nam, tương tự như Quang Hải hay Tiến Linh, Công Phượng, Văn Toàn… hiện nay.

Hệ thống phòng ngự-phản công đưa đội tuyển Việt Nam lên đỉnh khu vực, nhưng khi hướng tới những mục tiêu cao hơn lại bộc lộ nhược điểm. HLV Park Hang-seo ra đi khi đội tuyển Việt Nam đối diện áp lực làm mới cả về nhân sự và lối chơi.

Ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất, đội bóng của ông Park đều thất bại và để ý kỹ hơn, những lần đối đầu với Thái Lan, Việt Nam đều thua sút về thế trận. Giới chuyên môn dễ nhận ra, Thái Lan nhỉnh hơn cả về khả năng kiểm soát bóng, áp đặt cuộc chơi và cả nhân sự nếu so sánh từng vị trí.

Thực tế này đặt ra những dấu hỏi và thách thức rất lớn đối với HLV Philippe Troussier, người đang muốn tạo nên một cuộc cách mạng về lối chơi với đội tuyển Việt Nam. Ông Troussier không giấu những mục tiêu cao xa, với cái đích lớn nhất là giành vé dự VCK World Cup 2026.

Các ĐTQG gồm U22 và đội tuyển Việt Nam đều đang được huấn luyện theo hướng tăng khả năng kiểm soát bóng, chiến thuật vốn đòi hỏi nền tảng lực lượng mạnh, vượt trội so với đối thủ.

Trận thắng khiêm tốn trước Hong Kong (Trung Quốc) mới đây cho thấy ông Troussier sẽ còn nhiều việc để làm nếu muốn đạt mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, nhà cầm quân người Pháp có thể đối diện vấn đề nan giải, khi không có nhân sự cần thiết để đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Trong khi đó, nhiều ngôi sao Việt Nam đã ở đỉnh cao phong độ, bắt đầu có dấu hiệu thoái trào.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/cuoc-cach-mang-kho-thanh-cua-ong-troussier-a47187.html