Nhiều trường hợp bệnh chuyển nặng
Ngày 19/6, trao đổi với Người Đưa Tin, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận thêm 4 trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng.
Tất cả 4 trường hợp đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng đều cho kết quả nhiễm EV71 và đều từ các tỉnh chuyển đến. Cụ thể, các bệnh nhi này từ 8 tháng đến 4 tuổi, ngụ tại các tỉnh phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang.
Biểu hiện chung là sốt, nôn, ói, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân nên các bệnh nhi được chẩn đoán từ cơ sở y tế tỉnh khác là bệnh tay chân miệng cấp 3, cấp 4 trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM.
Tại đây, các bệnh nhi được đặt nội khí quản giúp thở và truyền các thuốc điều hòa miễn dịch, an thần, hạ sốt. Kết quả sau 2 – 4 ngày điều trị theo phác đồ, các bệnh nhi có cải thiện bớt sốt, nhịp tim ổn định.
Còn lãnh đạo khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện toàn khoa đã có 37 ca bệnh tay chân miệng nhưng đã có 11 ca phải nằm ở phòng bệnh nặng. Có bệnh nhi phải chuyển xuống khu hồi sức tích cực, hồi sức nhiễm.
Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, khoảng 2/3 số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại đây là từ tỉnh khác.
PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, hiện khoa này có 4 ca tay chân miệng hồi sức tích cực đều thở máy, trong đó 1 ca lọc máu. Ngoài ra còn có 1 ca tay chân miệng nặng đang hồi sức tại khoa Hồi sức nhiễm.
"Hiện thuốc điều trị tay chân miệng ở các bệnh viện của Tp.HCM vẫn đảm bảo. Nhưng bệnh tay chân miệng nặng nhiều nên rất lo, diễn tiến đến cuối tháng 6 bệnh này sẽ rộ vào đỉnh, sợ lúc đó sốt xuất huyết bùng phát, sang tháng 7 nguy cơ dịch chồng dịch", PGS.TS Phạm Văn Quang nói.
Theo báo cáo của Viện Pasteur Tp.HCM, tính đến hết tuần 23 vừa qua (5 – 11/6), toàn khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính.
Tương tự diễn tiến chung của khu vực phía Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) ghi nhận số ca mắc tại Thành phố này bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 (8 – 14/5) và tăng nhanh từ tuần thứ 21 (22 – 28/6) đến nay.
Virus EV71 tái xuất hiện
Ngày 19/6, Sở Y tế Tp.HCM đưa ra nhận định bằng văn bản, dịch bệnh tay chân miệng có “số ca mắc tăng nhanh trong những tuần gần đây cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5”.
Vì vậy, “dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và tử vong nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả”.
Trước diễn biến số ca mắc tăng nhanh trong những tuần gần đây cùng sự xuất hiện trở lại của EV71, đầu tháng 6/2023, Sở Y tế Tp.HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn với các trung tâm y tế, bệnh viện và phòng y tế các quận, huyện và Tp.Thủ Đức.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS.CKII Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, vào cuối tháng 5/2023, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) của bệnh viện không có bệnh nhi tay chân miệng nặng nào nằm, còn khoa Nhiễm - Thần kinh chỉ lác đác vài ca. Nhưng khoảng 2 tuần gần đây (từ giữa tháng 6/2023), số ca tay chân miệng liên tục tăng cao. Đặc biệt trong tuần gần nhất, tất cả giường trong phòng Cấp cứu khoa Nhiễm đều phải cho trẻ mắc tay chân miệng nằm đôi. Trong nhóm bệnh nhi tay chân miệng nằm hồi sức, nhiều ca phải thở máy, lọc máu và theo dõi sát. Thậm chí sắp tới, dự kiến có những trẻ phải chạy ECMO nếu tình trạng không cải thiện.
Về nguyên nhân khiến tỉ lệ bệnh nặng gia tăng, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định, năm nay virus EV71 đã tái xuất hiện. Đây là loại virus có khả năng gây dịch và làm tình trạng bệnh tay chân miệng biến chứng nặng.
“Một lý do khác là việc phụ huynh cho trẻ điều trị tay chân miệng tại nhà nhưng không nắm vững kiến thức, không biết lúc nào bệnh nặng cần đưa vào bệnh viện. Kể cả bác sĩ tuyến dưới nếu không được cập nhật liên tục cũng dễ bỏ qua các dấu hiệu trẻ trở nặng để kịp thời chuyển viện”, bác sĩ Khanh chỉ ra.
Đáng chú ý, còn có tình trạng "nợ miễn dịch". Cụ thể, sau thời gian dài cách ly phòng chống dịch Covid-19, người dân ít tiếp xúc nhiều với các tác nhân gây bệnh, nên khi EV71 bất ngờ ập đến khiến nhiều trẻ không có miễn dịch và dễ dàng mắc bệnh.
"Đã có hiện tượng hai trẻ học cùng lớp đều bị tay chân miệng nặng. Đây là điều rất đáng lo, nên việc phòng ngừa là rất quan trọng trong thời điểm hiện tại", bác sĩ Khanh cảnh báo.
Nhiều địa phương phía Nam lo lắng
BS.CKI Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Tp.Cần Thơ cho biết, từ tháng 5/2023, số ca tay chân miệng tăng cao lên đến 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó.
Đặc biệt chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6/2023 đã có thêm 390 ca mắc, trong đó 80 ca điều trị nội trú. Số ca tay chân miệng nặng tăng nhiều; 1 trường hợp độ 4 tử vong, 5 trường hợp nặng độ 3 đã được chuyển tuyến trên tại Tp.HCM.
"Hiện tại, vẫn còn 10 ca độ 3, độ 4 rất nặng đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Tuy nhiên, khó khăn là thuốc Immunoglobulin điều trị tay chân miệng đang cạn dần. Nếu trong 1 - 2 tuần nữa, số lượng bệnh nhân tiếp tục gia tăng mà không có nguồn thuốc mới bổ sung sẽ rất khó khăn", bác sĩ Ông Huy Thanh nói.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, số ca mắc tay chân miệng đang xuất hiện trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Qua 5 tháng đầu năm 2023, Cà Mau đã ghi nhận hơn 332 ca mắc tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 7 ca. Tuy chưa có trường hợp tử vong nhưng số ca nặng gia tăng nên rất đáng lo ngại.
Các bệnh viện tại tỉnh Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn khi một số thuốc điều trị tay chân miệng như Phenobarbital, Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (để điều trị từ độ 2b trở lên) đã cạn kiệt do hết thầu và vẫn đang phải chờ làm thủ tục đấu thầu.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, BS.CKI Đỗ Thị Yến, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viên đa khoa Bạc Liêu cho biết, hiện bình quân mỗi ngày đơn vi này ghi nhận từ 10 - 20 ca tay chân miệng, nhưng có 4 - 5 ca nặng từ độ 2b, độ 3, 4. Đặc biệt gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 2 ca độ 4 phải lọc máu, thở máy.
Ngành y tế tỉnh Đồng Tháp từ đầu năm đến nay ghi nhận 750 ca tay chân miệng, tăng 25% so với cùng kỳ 2022, trong đó trên 60% là trẻ em dưới 3 tuổi.
Trong 2 tuần trở lại đây, số ca tay chân miệng của tỉnh này có chiều hướng gia tăng, trung bình mỗi tuần gần 70 ca. Ngoài ra, Đồng Tháp đã xử lý 24 ổ dịch tay chân miệng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Ngày 12/6, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị “kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng”.
Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác truyền thông, bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Sẵn sàng nguồn lực theo số ca nhập viện
Sở Y tế Tp.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn Tp.HCM theo 3 kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2A trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).
Khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện thì tổng quy mô giường bệnh điều trị trong tình huống này là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực. Các bệnh nhi được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của Tp.HCM.
Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50-100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200-700 ca đang điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện, Tp.Hồ Chí Minh sẽ chuyển sang tình huống thứ hai. Lúc này, tổng số giường điều trị tay chân miệng sẽ cần 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi được điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM.
Tình huống thứ ba sẽ triển khai khi Thành phố này có từ 100-200 ca tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị ở tình huống này là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực.
Lúc đó, các bệnh nhi nặng điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM. Đồng thời, hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trí nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/dich-benh-tay-chan-mieng-phuc-tap-benh-vien-lo-thieu-thuoc-dieu-tri-a47431.html