Chuyện ông con rể nhà báo Ngô Tất Tố

TP - Nghĩ cũng ngồ ngộ mà không ngại sái rằng, hình như dân Việt mình cái gien (gene) báo cũng tiềm ẩn tiềm tàng như gien… thơ? Bằng cớ, thi thoảng lại phát lộ ở mọi nơi mọi lúc?

Nghiệp báo của Ngô Tất Tố cũng hoành tráng như văn của ông vậy!

Nhưng những năm đầu sáu mươi (1960) giới nghiên cứu phê bình cùng các thế hệ học trò những tưởng đã bằng lòng khuôn 120 bài báo, tiểu phẩm của nhà báo nhà văn Ngô Tất Tố xuất bản. Có vẻ như danh mục báo chí của Ngô tất Tố đã khép lại?

Nhưng không phải!

Người làm cho danh mục ấy sinh sôi và kéo dài thành 1.415 tác phẩm báo chí là Tiến sĩ nông học Cao Đắc Điểm, con rể của nhà báo nhà văn Ngô Tất Tố!

Miệt mài bao năm với việc nghiên cứu về di truyền, lại tu nghiệp ở nước ngoài có bằng Tiến sĩ loại ưu, rồi ông thanh thản hưu bên vợ con với lũ cháu... thế mà!

Chuyện ông con rể nhà báo Ngô Tất Tố ảnh 1

Ông bà Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch

Gia đình Ngô Tất Tố đông đúc 7 người con. Cái năm tôi được ghé nhà ông con rể ấy đã khuyết đi mấy người. Hai người con trai cụ Tố, một hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và cậu út ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân. Ông Điểm là rể út trong nhà này. Ngày đưa di hài bố vợ từ ấp Cầu Đen về làng Lộc Hà, Đông Anh năm 1963 ấy, ông khi đó là một chàng sinh viên đang yêu, đang “đặt vấn đề tìm hiểu’’ cô Ngô Thị Thanh Lịch con gái út cụ Tố cũng có mặt. Năm sau họ tổ chức cưới.

Thời điểm ấy, trong suy nghĩ của một kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, anh con rể Cao Đắc Điểm chưa tường hết độ trùm của cây đại thụ Ngô Tất Tố trong làng văn làng báo? Mà chỉ láng máng nhạc phụ là một nhà văn nhà báo một trí thức đi theo kháng chiến và nổi tiếng với những Tắt đèn, Lều Chõng…

Trong lúc hầu chuyện ông bà, tôi ngỏ cái ý xin trích hoặc chụp một trong ba mươi tập kia hay đơn giản xin mượn một trong những tấm ảnh cụ Tố mà tôi chưa từng thấy in ở đâu cả nhưng chỉ nhận được cái mỉm cười từ chối nhã nhặn!

Rồi một ngày bà Lịch đưa ông chồng coi những công trình nghiên cứu về nhà văn Ngô Tất Tố trong đó có bài của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Có một câu mà Vũ Trọng Phụng viết vào thời điểm tháng Giêng năm 1939 trên báo Thời Vụ thế này.

“Sâu sắc thay là những bài đại luận của Ngô Tất Tố!”

Chỉ mỗi câu ấy khiến ông Điểm trăn trở mãi không thôi.

Thế nào là đại luận? Những bài báo ấy là những bài nào?

Lựa những ngày thong thả, đôi vợ chồng Điểm- Lịch ghé chơi những đấng bậc cùng thời với cha mình như Kim Lân, Tô Hoài, Hoàng Công Khanh... Khi tò mò hỏi về hai chữ đại luận của Vũ Trọng Phụng, các đấng ấy đều hoan hỷ là trong làng báo thời đó, Ngô Tất Tố nổi trội có nhiều bài rất có xu hướng đại luận. Đó là sự tinh tường của tác giả khi chọn vấn đề. Câu chữ được chọn lựa gióng giả lên sự cảnh tỉnh đám quan lại tham tàn, hào lý sâu mọt. Lúc lại như da diết nhắc nhở dân mình về thuần phong mỹ tục.

Lại thêm những chép miệng than tiếc rằng “Di cảo báo chí của cụ Tố chả thể dừng ở con số 120 mà phải nhiều hơn…”.

Họ tìm đến cả NXB Văn học, bởi nghe phong thanh NXB chuẩn bị xuất bản cuốn Ngô Tất Tố toàn tập. Họ sững sờ khi ông giám đốc NXB Lữ Huy Nguyên chất giọng như có lỗi rằng ông lấy làm tiếc bởi “trong Toàn tập này, trong 120 bài báo đã sưu tầm thống kê được còn những bài có xu hướng đại luận đang lác đác lắm...”.

Đang ở đâu những bài đại luận của Ngô Tất Tố với nhiều bút hiệu ấy? Tại “tọa độ” nào trên mênh mông trong Nam ngoài Bắc đang ẩn kín ở các chồng báo tạp chí cách đây đã hơn 70 năm? Tiếp cận ra sao cách nào với những thư viện lớn của Nhà nước, các tủ sách gia đình, các cửa hàng các sạp sách cũ trong nước và các kho sách báo tiếng Việt trước năm 1945 ở nước ngoài?... Những đồng lương hưu còm và ý định như không tưởng ấy, lúc thì ông, khi thì bà, thời điểm có khi cả hai người âm thầm bắt tay vào việc...

Những cuộc xin gặp và tiếp xúc với các cụ cao niên đã từng làm việc và cùng thời với cụ Tố như Kim Lân, Tô Hoài... làm họ bừng tỉnh nhiều điều.

Chuyện ông con rể nhà báo Ngô Tất Tố ảnh 2

Ấn phẩm mới nhất về di cảo của nhà báo nhà văn Ngô Tất Tố

Một thời gian dài miệt mài với những tủ sách gia đình, những thư viện những hiệu sách cũ lớn nhỏ, “cảo thơm lần giở” bao nhiêu thứ “sản phẩm” thu được chẳng là bao, ông bà lên tàu xuôi Nam và cả những bức E-mail truyền đến những phương trời xa...

Điều an ủi và cũng là những nghĩa cử ấm lòng, rất nhiều nơi, nhiều người khi mới thoáng qua việc giới thiệu là người nhà Ngô Tất Tố, họ đã vồn vã “Ngô Tất Tố Tắt đèn ấy à ?”.

Những bức E-mail từ Paris, London... cũng có “hồi âm”, mặc dù không nhiều lắm những trang họ cần. Nhiều lần gặp may đồng nghĩa với những bất ngờ. Rồi một ngày đẹp giời, một vị linh mục xin được giấu tên ở nhà thờ nọ tại một tỉnh phía Nam đã sốt mến giúp đỡ ông tiếp cận với tủ sách cũ khá phong phú của nhà thờ. Tại đó ông đã sao được vài chục bài báo của nhạc phụ gần bảy mươi năm trước khi mùi giấy báo đã hoai hoai vị mục ẩm!

Cái phút giây ông Điểm hồi hộp và thấy mình là một kẻ may mắn khi được phép sao chép bởi những bài báo ấy là độc bản ở Nhà thờ này!

…Trong câu chuyện ông Điểm khẽ khàng rằng, nội việc đi tìm bút hiệu của Ngô Tất Tố, muốn tìm nhanh và đúng bài viết của Ngô Tất Tố phải biết bút hiệu mà tác giả hiện đang dùng trên từng tờ báo từng tạp chí. Nếu tác giả dùng tên thật hoặc dùng các bút hiệu đã quen biết thì không khó lắm. Nan giải là làm sao biết được chính xác toàn bộ bút hiệu của Ngô Tất Tố, đặc biệt là những bút hiệu mà từ trước đến nay giới nghiên cứu chưa hề đề cập đến?

Việc này đã ngốn của ông con rể không ít công sức tâm lực.

Hơn 7 năm trời âm thầm như thế khắp suốt trong Nam ngoài Bắc. Gần hai ngàn kiểu ảnh chụp, trên năm ngàn bản sao. “Cảo thơm lần giở” trên 10 ngàn số báo của hai mươi tờ báo tạp chí phát hành từ trong Nam ngoài Bắc từ năm 1926 đến năm 1954 với năm chục ngàn trang báo...

Rồi đến một ngày, ông con rể cụ Đầu xứ Ngô Tất Tố đã tạm khép bộ sưu tập khá kỳ khu đóng thành 30 tập gồm 1.415 bài báo của nhạc phụ!

Ba mươi tập khổ A4, trang thì “đựng” bản sao một bài, trang thì hai, ba bài báo của Ngô Tất Tố với các bút danh khác nhau lần đầu được tìm thấy!

Ba mươi tập không phải là việc liệt kê tập hợp mà có phân loại đề mục tạm gọi là các chương theo các chủ đề: Thơ và dịch thơ. Các bút hiệu của Ngô Tất Tố (ông Điểm đã công phu thống kê Ngô Tất Tố có cả thảy 23 bút hiệu. Hơn 400 “nhân vật” trong các bài báo có địa chỉ cụ thể có chứng cớ rõ ràng... Bút hiệu được dùng nhiều nhất là Hy Cừ cho 650 bài báo...).

Ngô Tất Tố bàn về nghề báo. Ngô Tất Tố tác phẩm chính luận. Tiểu phẩm Ngô Tất Tố. Truyện ký báo chí viết về lịch sử. Dịch thuật khảo cứu. Nho giáo và triết học Phương đông. Ngô Tất Tố qua những lời bình... Lần giở sơ qua ba mươi tập ấy quả là một công trình công phu và cảm động!

Nhưng khi đặt tay lên cái chồng ba mươi tập đóng bìa xanh vuông vức với sức chứa 1.415 tác phẩm của tiền nhân, ông Điểm lắc đầu khi thấy tôi hít hà thán phục.

“Tôi vẫn linh cảm rằng vẫn chưa khép lại đâu di sản báo chí của Ngô Tất Tố. Tôi tin vợ chồng tôi còn để sót nhiều thứ ở đâu đó?”.

Rồi vị Tiến sĩ ấy đã trở thành tác giả của những bài báo. Cũng hơi tiếc khi lộ trình của công trình xiết kể mấy mươi ấy chỉ được thuật lại lác đác trên vài tờ báo. Bởi lý do thật đơn giản, cả hai ông bà đều rất… kiệm lời.

(Còn nữa)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/chuyen-ong-con-re-nha-bao-ngo-tat-to-a47443.html