Dĩ thi vi chính nghiệp. Thông tấn tác do duyên

TP - Tác phẩm của ông dễ có đến ngàn bài báo. Nhưng người nước Nam mình vẫn nhất nhất gọi Anh Ngọc - Nguyễn Ðức Ngọc là thi sĩ. Chuyện một người thơ từng làm báo thì dài. Người viết bài này xin mượn cái ý của thi sĩ, nhà thư pháp Tào Mạt chế thành Dĩ thi vi chính nghiệp/Thông tấn tác do duyên (người này vốn nghiệp thơ là chính/Viết báo bởi do cái duyên mà thành).

Anh Ngọc (Nguyễn Đức Ngọc) sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An trong một gia đình dòng dõi văn chương.

Tốt nghiệp Khóa 6 Khoa Văn Trường, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ước mơ làm báo viết văn đang ấp ủ tràn trề thì bỗng, Ngọc được phân công về dạy học tại Thanh Hóa.

Mùa hè năm 1967 Anh Ngọc đang dạy học ở Trường Thương nghiệp Thanh Hóa thì được mời dự một trại sáng tác văn học của tỉnh. Theo thông lệ của trại, một nửa thời gian đầu, các trại viên phải đi thực tế ở một vùng nào đó mà mình tự chọn để lấy tài liệu. Anh Ngọc đã chọn trận địa Hàm Rồng.

Dĩ thi vi chính nghiệp. Thông tấn tác do duyên ảnh 1

Bài báo đầu tiên của Anh Ngọc- Nguyễn Đức Ngọc trên báo Tiền Phong

Nơi 2 tuần Anh Ngọc bám trụ là trận địa C4. Lạ là nhiều chiến sĩ pháo thủ bảo vệ Hàm Rồng mà 2 năm trời chưa được đến bên cầu, và chưa bao giờ được xuống núi! C4, hai năm liền là đơn vị Quyết thắng, bám trụ trên cao điểm 54 ngay sát đầu cầu bờ Nam, gọi là mỏm đồi “Ba cây thông”. Kiên cường chiến đấu, phát huy hỏa lực mạnh nhất, chịu đựng gian khổ nhất.

Vài con số: 6 tháng đầu năm (tính đến 13/6 1967), đã đánh 255 trận. Chịu 1.141 tấn bom, 127 quả tên lửa. Đã bắn rơi 18 chiếc máy bay Mỹ… (nếu tính từ trận đầu thì đã bắn rơi 96 chiếc, đang phát động chiến dịch bắn rơi chiếc thứ 100 ở Hàm Rồng và chiếc thứ 300 trên toàn Thanh Hóa)

Ánh Ngọc theo một anh lính trẻ măng leo lên đỉnh đồi, vào hầm của thủ trưởng đơn vị, vừa chui vào hầm đã đập vào mắt mấy dòng khẩu hiệu:

“Vững như Núi Ngọc

Kiên cường như sông Mã

Quyết tâm xả thân diệt Mỹ cứu nước”

Tối. Trăng 14 vằng vặc, xa xa làng mạc xanh mờ, Đông Sơn, Nam Ngạn, Thiệu Dương…Sông Mã mênh mang uốn khúc. Xa nữa là biển, Hòn Mê, ngày quang có thể thấy rõ cả tàu địch. Toàn đại đội tập họp dưới ánh trăng, xung quanh chỉ có cây xương rồng, dứa dại và sắn. Chính trị viên giới thiệu “nhà báo” thăm đơn vị. Lính vỗ tay rầm rầm… Oai! Cuối buổi sinh hoạt, chính trị viên đề nghị mình phát biểu ý kiến. Đành đứng lên đọc bài thơ làm trước khi đến trại - Anh Ngọc kể.

… Tỉnh, một anh lính mê văn thơ, sang hầm chơi. Lê Văn Tỉnh- quê Thọ Xuân, đang học dở lớp 10 thì vào bộ đội. Da đen nắng gió, tóc quăn, nói năng thỏ thẻ, có vẻ kín đáo. Trò chuyện rất vui. Tỉnh đưa nhờ xem giúp mấy bài thơ “Áo anh bộ đội”, “Hàm Rồng”, “Xuân”... Thấy ông này viết có chất. Mình bảo để cầm về cho Ty văn hóa in…Tỉnh còn kéo sang chơi với Lê Xuân Giang, lính ra đa, cũng rất mê viết. Theo Giang chui vào xe máy 4B (xe chở rađa), nóng hầm hập. Ngồi trong này một lúc là biết nhau ngay. Xe máy 2B (xe chỉ huy) cũng thế. Cuộc chiến này rất hiện đại. Nhưng lính kỹ thuật thì khổ hơn cả pháo thủ, bức bối vô cùng, và cũng rất nguy hiểm.

Gần 45 năm trước, mình lại là người đầu tiên có cái duyên gặp gỡ và trò chuyện mấy điều A,B,C về nghề viết với hai nhà văn vào hàng tiêu biểu của Thanh Hóa sau này - đó là nhà văn Từ Nguyên Tĩnh (tức Lê Văn Tỉnh), một cây bút văn xuôi và thơ nổi tiếng, và trắc thủ Lê Xuân Giang ngày nào trông rất thư sinh sau này là Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy và sau đó là Chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hóa. Hai người lính của Hàm Rồng đã trưởng thành từ mảnh đất huyền thoại của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước) - Anh Ngọc tiếp mạch câu chuyện.

Dĩ thi vi chính nghiệp. Thông tấn tác do duyên ảnh 2

Nhà báo, thi sĩ Anh Ngọc

27/6/1967: Tối qua đơn vị liên hoan văn nghệ. Nhóm múa của anh Doãn Hùng biểu diễn. Anh chị em dân quân, tự vệ và bà con xã viên Đông Sơn, Thiệu Dương kéo lên tham gia rất đông. Các chị hát hết đơn ca đến tốp ca. Đặc biệt có một anh ở Đông Sơn, mù từ lúc lọt lòng, thổi sáo rất hay, tiết mục “Bài ca người săn máy bay. Anh (hình như tên Long), 23 tuổi, mà trông rất già, nói năng nhỏ nhẹ, vừa cầm gậy, vừa có một em bé dắt đi. Nghe nói anh vẫn đi hát rong, có kỳ ra tận Hà Nội.

Chia tay C4, sau đó lên C6 (cao điểm 57) sống thêm mấy ngày nữa, rồi về nhà chị Ngô Thị Tuyển và đến ngày 3/7 thì rời Hàm Rồng, chấm dứt hai tuần sống và làm việc khó quên. (trích nhật ký)

Hai tuần sống đầy ắp sự kiện, đầy ắp ấn tượng được Anh Ngọc nhồi vào trong một cuốn sổ kín đặc những con chữ lít nhít. Và đó là chất liệu để Anh Ngọc hoàn thành bài báo đầu tiên trong đời mình “Hoa trên đỉnh núi” trình làng trên báo Tiền Phong ngày 9/6/1968.

Thời gian sau đó nhiều tin bài của CTV Anh Ngọc- Nguyễn Đức Ngọc thường xuyên xuất hiện trên báo Tiền Phong.

Hiệu ứng của bài báo đầu tiên- một phóng sự hôi hổi đời sống ác liệt máu lửa đã được bạn đọc tới tấp gửi thư về báo Tiền Phong khen ngợi.

Vốn quen thân với Anh Ngọc, lại học cùng khóa Khoa Văn Đại học Tổng hợp, phóng viên Hồ Xuân Sơn khi đó đang làm ở Ban Văn Nghệ báo Tiền Phong ( sau này Hồ Xuân Sơn làm thư ký riêng cho Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo rồi Tổng Biên tập báo Hà Nội mới) chấp hành lệnh của Biên ủy đã nhảy tàu vào Ninh Bình. Tàu hỏa hồi ấy chỉ đến Ninh Bình, Hồ Xuân Sơn lại mải miết đạp xe tiếp vào Thanh Hóa. Rồi phải lọ mọ hỏi thăm đường đến một vùng quê heo hút địa điểm Trường Trung cấp thương nghiệp sơ tán, nơi có CTV Nguyễn Đức Ngọc dạy học. Hồ Xuân Sơn có nhiệm vụ trình công văn thượng khẩn của Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Tổng Biên tập báo Tiền Phong xin Nguyễn Đức Ngọc về làm phóng viên báo Tiền Phong.

Nhưng hỡi ơi. Bươn bả được đến nơi, nén lại bao nỗi mừng tái ngộ, PV báo Tiền Phong Hồ Xuân Sơn nhớ ngay đến sứ mệnh được giao. Nhưng phải cái nơi người ta quý người quá! Dứt khoát không ỏ ê gì tới công văn xin người ấy cả. Hồ Xuân Sơn đành ngậm ngùi tạm biệt bạn ngược Bắc đem theo hy vọng mong manh lời hứa của Ban giám hiệu rằng chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm!

Một tháng, rồi sáu tháng. Một năm rồi vài năm qua, tuyệt nhiên chẳng có hồi âm gì. Rồi có tin CTV Anh Ngọc đã xung phong vô bộ đội.

Đó là đầu năm 1971.

Huấn luyện 3 tháng thì Anh Ngọc được điều về Binh chủng thông tin, làm chiến sĩ đường dây tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị khói lửa gần suốt năm1972.

Sài Gòn vừa giải phóng, Côn Đảo là nơi Anh Ngọc đặt chân đến. Ở đây các nhân vật như Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh và đời sống tù ngục của những người yêu nước kiên cường được Anh Ngọc tái hiện và đăng 7 số trên báo Quân đội nhân dân. Rồi trường ca Sóng Côn Đảo gây xúc động mạnh với người đọc. Rồi hiếm hoi, Anh Ngọc đã 3 lần liên tiếp được cử đi tác nghiệp tại Cam-pu-chia, đó là trước và sau Tết Nguyên đán 1979. Những tấm ảnh hiếm hoi của Anh Ngọc về nhà tù Tousleng về nạn diệt chủng Pôn Pốt đậm chất báo chí đã được nhiều nhà báo nước ngoài xin phép sử dụng lại. Nổi trội thêm có trường ca Sông Mê Kong bốn mặt.

Hàng chục năm trong nghề viết, Anh Ngọc như ông từng bộc bạch “sống với thơ là trọn vẹn cho thơ, sống với báo là hết mình cho báo”.

(Còn nữa)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/di-thi-vi-chinh-nghiep-thong-tan-tac-do-duyen-a47652.html