Sớm nhận rõ vai trò quan trọng của báo chí, ngày 19/2/1922, được Hội Liên hiệp Thuộc địa cho phép, Nguyễn Ái Quốc những người cách mạng Algeria, Tunisia, Maroc, Madagascar ở Paris họp bàn cùng nhau lập ra “Hội Hợp tác Người cùng khổ”, đóng cổ phần để ra một ấn phẩm báo chí thật sự của các thuộc địa bằng tiếng Pháp là tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa (Tribune des Populations des Colonies).
Để ra được tờ báo tại thủ đô Paris, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình, trước hết phải lập được “Hội Hợp tác Người cùng khổ”. Những người tham gia Hội Hợp tác Người cùng khổ sẽ phải đóng cổ phần để ra tờ báo cùng tên.
Báo Le Paria, tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ và các đồng chí của Người sáng lập. Ảnh: tư liệu. |
Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Thuộc địa, sau khi trình bày điều lệ của Hội Hợp tác Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc đề nghị mỗi người tham gia đóng cổ phần là 100 Franc, để làm vốn ra báo. Tuy nhiên do số người đóng cổ phần không đủ, nên Hội Hợp tác Người cùng khổ không thành lập được, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn quyết tâm ra tờ báo.
Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Le Paria cho thấy, Người không chỉ là nhà báo tài năng, có kiến thức, đa dạng… Cách viết tinh tế, hóm hỉnh ngắn gọn, mà sâu sắc, độc đáo, trong đó Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng thông tin, sự kiện, số liệu hợp lý tạo tính thuyết phục cao, thấm nhuần tinh thần nhân đạo cộng sản, gắn chặt với truyền thống nhân văn Việt Nam, được biểu đạt trong việc sử dụng ngôn ngữ báo chí Pháp một cách nhuần nhuyễn.
Các bức biếm họa do Người vẽ đăng trên báo Le Paria thể hiện giản dị, nhưng hàm chứa nội dung mạch lạc và sự đả kích hài hước, sâu cay, tạo hiệu ứng tích cực.
Là người sáng lập và làm báo Người cùng khổ ở Pháp và cùng các đồng chí của mình đã tạo ra một làn gió mới thổi vào đến nhân dân các nước bị áp bức. Báo Le Paria đã góp phần tuyên truyền những thành quả mang tính thời đại của Cách mạng tháng Mười Nga, đồng thời góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Marx - Lénine vào các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh giành độc lập.
Trong lời kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc viết: “Người cùng khổ là tờ báo đầu tiên có mục đích thực hiện nhiệm vụ đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân chính quốc, đấu tranh chống kẻ thù chung. Để công việc được thành công, chúng tôi kêu gọi sự tận tâm của các bạn. Hãy gia nhập “Hội Hợp tác Người cùng khổ” và hãy đặt mua dài hạn báo Người cùng khổ- Le Paria”.
Báo Người cùng khổ |
Với quyết tâm sắt đá, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình cuối cùng đã ra được số báo đầu tiên vào ngày 1/4/1922. Mặc dầu bị hạn chế về tài chính, kinh nghiệm trị sự còn non nớt, bạn đọc chủ yếu ở xa, phân tán…, nhưng mỗi số Le Paria in với số lượng hàng nghìn bản. Điều đó cho thấy vai trò và sự cần thiết trong việc xây dựng tình đoàn kết, là sự hiểu biết, đồng cảm giữa những người cộng sản bản xứ trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược cai trị.
Trong số báo ra đầu tiên này, có đăng lời chào mừng bạn đọc như sau: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo “Người cùng khổ” ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp ở Madagascar, ở Đông Dương, Antilles và Guyam…”.
Việc duy trì và tồn tại một tờ báo ở ngay giữa thủ đô Paris hoa lệ lúc bấy giờ, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, giá cả ngày càng đắt đỏ, chính quyền Pháp không ngừng gây áp lực… Tình thế đó đòi hỏi Nguyễn Ái Quốc phải tốn bao công sức để đối phó giải quyết ổn thỏa công việc. Bất luận khó khăn trở ngại, bằng mọi giá, Nguyễn Ái Quốc quyết tâm duy trì và không ngừng phát triển hoạt động bình thường của tờ báo.
Tại mỗi cuộc họp của Hội Liên hiệp Thuộc địa, các buổi giao ban của tòa soạn báo, mỗi người kẻ ít người nhiều quyên góp tiền cho việc in số báo sau. Đặc biệt lúc bấy giờ Trung ương Đảng Cộng sản Pháp quyết định giúp cho Đảng bộ Thuộc địa và báo Người cùng khổ một tháng 350 Franc. Riêng Nguyễn Ái Quốc tháng nào Người cũng cung cấp cho báo mỗi tháng 25 Franc. Người nói với những đồng chí của mình: “Chúng ta phải bằng mọi giá làm cho tờ báo sống. Nó mất đi sẽ là tổn thất to lớn đối với tổ chức, nhất là đối với công tác tuyên truyền, vận động lúc này cần thiết hơn bao giờ hết”.
Là người trực tiếp phụ trách chính về nội dung của tờ báo, in ấn, phát hành, xuất bản... báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc thực sự trở thành linh hồn của tờ báo, từ việc tổ chức biên tập, công tác tòa soạn và gửi báo cho các thuộc địa… thậm chí Nguyễn Ái Quốc còn phải tự mình đi bán báo…
Chuyện kể rằng khi đem báo đi bán, Nguyễn Ái Quốc nói với bạn đọc: Báo này là báo biếu cho bạn đọc, nhưng bạn nào có hảo tâm ủng hộ để số báo sau chúng tôi tiếp tục phục vụ các bạn. Bằng cách đó, số tiền thu được nhiều hơn cả số tiền bán báo theo quy định. Đặc biệt Nguyễn Ái Quốc đã mời được người bạn thân là đại văn hào Henri Barbusse - người đứng đầu tổ chức Quốc tế các nhà văn tiến bộ tham gia giúp đỡ báo Người cùng khổ.
Hội Ánh sáng và tạp chí do Henri Barbusse sáng lập đã nhường cho báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thuộc địa, một phần ngôi nhà số 16 phố Jacques Calot, quận 6 Paris làm trụ sở. Do đó khi mới ra đời báo Người cùng khổ đã có trụ sở đàng hoàng. Đến số 8 báo Người cùng khổ, ra tháng 11/ 1922, trụ sở báo mới chuyển về nhà số 3, phố Marché, quận 5, Paris. Trụ sở này cùng là cơ quan của Hội Liên hiệp Thuộc địa và cũng là nơi Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở từ ngày 15/3/1923, đến ngày 13/6/1923, trước khi rời nước Pháp đi Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, do Đảng Cộng sản Pháp cử, tại đây Nguyễn Ái Quốc đã tiết kiệm được một số tiền nhỏ để trả tiền thuê nhà ở số 9 ngõ Compoint và góp thêm vốn cho báo Người cùng khổ.
Để có thêm tiền cho báo, Nguyễn Ái Quốc còn có sáng kiến tổ chức nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, lấy danh nghĩa Hội Liên hiệp Thuộc địa đứng ra chủ trì, vừa tuyên truyền ảnh hưởng của Hội vừa có tiền giúp cho báo. Bởi lúc này ở Paris có nhóm nghệ sỹ cách mạng, lấy tên là nhóm Nàng thơ Đỏ. Nhóm này thường quảng cáo trên các báo ở Paris. Nàng thơ Đỏ sẵn sàng phục vụ các tổ chức tiến bộ, bằng cách tham gia các cuộc biểu diễn nghệ thuật… Nguyễn Ái Quốc đã làm quen liên hệ được với nhóm nghệ sỹ này và được nhóm nhận lời tổ chức buổi liên hoan nghệ thuật vào ngày 26/5/1923 tại Hội trường Thanh niên Cộng hòa. Ba nghệ sỹ của nhóm Nàng thơ Đỏ đã tới giúp Nguyễn Ái Quốc biểu diễn được nhiều khán giả hưởng ứng. Hôm đó Hội trường Thanh niên Cộng hòa thực sự trở thành một ngày hội cách mạng và kêu gọi đấu tranh, giành tự do độc lập cho các thuộc địa.
Báo Người cùng khổ (Le Paria) ra hàng tháng, mỗi số báo in từ 2 đến 4 trang. Manchette báo ghi bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Anh và chữ Hán. Có vài số báo ra giữa tháng và có 3 lần ra số kép. Có số báo bị nhà cầm quyền Pháp tịch thu hoặc mua hết không cho phát hành ra ngoài.
Theo số liệu còn lưu trữ: Mỗi số báo in từ một đến vài nghìn bản. Ngoài việc phát hành ở Pháp, báo còn được gửi qua đường bưu điện công khai đến một số nước được phép phát hành: ở châu Âu, châu Phi, Mỹ La Tinh và Matxcơva, Liên Xô (cũ). Ở các nước thuộc địa, có nơi bị cấm phát hành.
Về tài chính của báo chủ yếu trả lương cho người quản lý mang quốc tịch Pháp, tiền in báo, tiền thuê trụ sở, còn lại tất cả mọi việc liên quan đều do Nguyễn Ái Quốc cùng các cộng sự lo liệu. Những người này không nhận thù lao. Báo bán với giá 3 Franc về sau tăng lên 5 Franc.
Lý giải tại sao lấy tên là báo Le Paria (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc, thành viên sáng lập và là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút… cho rằng: “Nhân dân Pháp cùng thích chơi chữ. Nay ra tờ báo nhỏ ở ngay giữa lòng thủ đô Paris hoa lệ. Tuy là tiếng nói đầu tiên của dân chúng thuộc địa nhưng chưa có thanh thế, thì lấy tên báo “Paria” là hay nhất- Paria nguyên là tiếng của Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết quyền lợi về tôn giáo và xã hội, còn người Pháp dùng để gọi những người cùng khổ ”.
Trong một dịp nói chuyện với các nhà báo Hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ nói rằng: Những người tham gia viết báo (Người cùng khổ) là những luật sư, thầy thuốc, nhà buôn , sinh viên… nên không thể để nhiều thì giờ cho báo. Cộng tác viên khi đó gửi bài đăng báo đều tự bỏ tiền của mình ra để in, không có nhuận bút. Báo Le Paria với tính cách là diễn đàn nhân dân của các nước thuộc địa đã tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, cổ vũ, thức tỉnh, hướng dẫn và kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết đấu tranh.
Báo Le Paria đã thật sự gắn kết sức mạnh giai cấp vô sản thế giới với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa thành một khối đoàn kết thống nhất, đã thu hút được nhiều đối tượng bạn đọc là những người yêu nước, nuôi ý chí khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc mình, nhất là các thế hệ trẻ ở các nước thuộc địa.
Việc xuất bản báo Le Paria - Người cùng khổ - tại thủ đô Paris là một đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa thực dân Pháp. Chính quyền Pháp ra lệnh không cho đưa tờ báo đó vào các thuộc địa ở Đông Dương, khi đó ở Đông Dương ai đọc báo Le Paria - Người cùng khổ, đều bị nhà cầm quyền bắt giam.
Để vận chuyển được báo Le Paria đến được các thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự đã dùng nhiều hình thức: Ngoài việc gửi theo đường bưu điện công khai, ở những nơi không bị cấm, đồng thời hình thành tuyến vận chuyển bí mật theo đường biển từ Pháp đến các thuộc địa do các thủy thủ có cảm tình ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập thực hiện. Ngoài ra báo được cuộn gọn dùng chèn, lót các sọt hàng, hoặc chèn trong các khoang rỗng của chiếc đồng hồ treo tường…
Ở Đông Dương các chủ bút báo xuất bản bằng tiếng Pháp ở Nam Kỳ như: La Cloché Fêlée (Tiếng chuông rạn); La Jeune Annam… cho đăng lại bản Tuyên ngôn Cộng sản của Karl Marx, F. Angel và bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông - Varene Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc. Từ Matxcova Nguyễn Ái Quốc nêu thực trạng “Lời hiệu triệu trên báo đã bí mật đến các làng mạc. Nó được chuyền từ người này sang người khác và đã có sự đồng tình với nhau. Những người An Nam đã phải trả giá đắt cho việc đó. Đã có những bản án tử hình và hàng trăm người bị mất đầu”.
Theo thống kê chưa thật đầy đủ, tờ Le Paria đã ra được 38 số trong 4 năm từ 4/1922 đến 4/1926, riêng Nguyễn Ái Quốc đã đăng 34 bài viết (trong đó có những bài gửi đăng sau khi Người rời nước Pháp đi Liên Xô) và đăng 5 bức tranh biếm họa với các bút danh: Nguyễn Ái Quốc; Ng. Ái Quốc; N.A. Q; Ng.A.Q; Nguyễn A.Q. và Nguyễn.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nguyen-ai-quoc-nguoi-sang-lap-bao-nguoi-cung-kho-a47691.html