Phận đời sau trang báo

TP - Có những thân phận khiến tôi trăn trở, ám ảnh khi tiếp xúc trong thời gian làm phóng viên báo Tiền Phong. Những lời cảm ơn chân tình của họ làm tôi thêm yêu nghề báo.

Mẹ con tôi đã lấy được nhà

Chiều muộn một ngày tháng 4/2021, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn: “Tôi vẫn luôn nhớ sự giúp đỡ của báo Tiền Phong và anh. Tôi hy vọng có dịp gặp lại anh. Chúc anh luôn mạnh khỏe”. Đọc tin nhắn, tôi chợt nhớ đến một nhân vật trong bài viết đăng trên báo Tiền Phong từ 2 năm trước. Đó là chị Nguyễn Thị Thúy Hoa ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tôi từng được báo Tiền Phong giao xử lý vụ việc của chị.

Chị Hoa từng gửi đơn đến báo phản ánh bất bình trong việc bán đấu giá ngôi nhà để thi hành án vụ ly hôn của chị và người chồng. Theo bản án phúc thẩm ly hôn giữa chị và chồng, về tài sản chung của vợ chồng chị Hoa, tòa xác định họ có ngôi nhà 3 tầng trên diện tích 60m2 đất tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh) được tòa định giá hơn 1,7 tỷ đồng. Theo quyết định tại tòa phúc thẩm, để sở hữu ngôi nhà trên, chị Hoa phải thanh toán cho người chồng cũ nửa giá trị căn nhà (hơn 800 triệu đồng). Do chị Hoa không đủ tiền để trả cho chồng cũ, cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tiến hành thủ tục để bán đấu giá căn nhà này. Trong quá trình làm việc này, vì không có người mua nên căn nhà phải đấu giá nhiều lần. Đến khi giá khởi điểm giảm còn hơn 580 triệu đồng, căn nhà bán đấu giá thành công.

Chị Hoa cho rằng, việc đấu giá tài sản trên không thỏa đáng nên đã khiếu nại sự việc và không chịu giao nhà. Nhưng chị Hoa vẫn bị cưỡng chế ra khỏi nhà để thi hành án. Sau đó, phóng viên Tiền Phong làm việc với cơ quan chức năng liên quan và bài viết đăng tải trên báo Tiền Phong về vụ thi hành án ly hôn bất thường ở Đông Anh.

Nhớ lại những ngày tháng đó, chị Hoa chia sẻ, chị và các con phải đi ở nhờ nhiều nơi. Lúc đó, cuộc sống của mẹ con chị rất khó khăn. Chị và con phải di chuyển chỗ ở 4 lần. Sau khi báo Tiền Phong vào cuộc, cơ quan chức năng đã nhanh chóng tiến hành xem xét lại vụ việc của chị. Vụ việc của chị Hoa được giải quyết và chị lấy lại được nhà.

Phận đời sau trang báo ảnh 1
Anh Hoàng Văn Toản dẫn phóng viên Tiền Phong đến địa điểm phát hiện con trai mình bị chết tức tưởi

Ám ảnh cái chết của một thiếu niên

Tôi luôn trăn trở mỗi khi nghĩ về gia đình người dân tộc Tày đó. Đó là câu chuyện đau thương của gia đình anh Hoàng Công Toản phản ánh với phóng viên báo Tiền Phong. Vợ chồng anh sống trong cảnh nghèo khó phải rời bỏ quê nhà lên thành phố Hà Giang làm thuê kiếm sống.

Khoảng tháng 8/2019, anh Hoàng Văn Toản trú tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên gửi đơn đến Tiền Phong. Theo đó, năm 2007, anh cùng vợ là Nguyễn Thị Tình và con trai Hoàng Ngọc Đông (sinh năm 1996) làm thuê cho một trang trại ở tổ 1, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang. Năm 2010, ông Nguyễn Mạnh Thành (vợ là Nguyễn Thị Thủy) trú tại tổ 10, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang mua một trang trại gần trang trại vợ chồng ông Toản làm thuê. Tháng 7/2010, ông Thành đặt vấn đề thuê Đông làm công cho mình và vợ chồng ông Toản đã đồng ý. Công việc của Đông là cắt cỏ cho cá, chăn gà vịt, chó vào buổi chiều, lương 1 triệu đồng/tháng.

Khoảng 14 giờ ngày 4/9/2010, Đông từ nhà xuống trang trại ông Thành cắt cỏ cho cá. Chiều muộn hôm đó, chưa thấy con trai về nhà, anh Toản đi tìm. Tại khu vực ao trong trang trại của ông Thành, người dân phát hiện đôi dép của Đông trên bờ ao, dưới ao có đoạn ống nước nổi lên nhưng kéo không lên. Anh Toản và hai người hàng xóm lặn xuống thì phát hiện Đông nằm ở dưới đáy ao. Khi vớt Đông lên, anh Toản và mọi người thấy 3 vòng xích quấn quanh cổ Đông. Dây xích được nối từ 3 đoạn xích chó (cơ quan điều tra sau này xác định là 3 đoạn xích chó trong trang trại của ông Thành - PV). Một đầu dây xích buộc vào thanh bê tông có trọng lượng hơn 45kg, đầu bê tông được cột với vòi nước nổi trên ao. Lúc mất, Đông mới 14 tuổi.

Sau đó, tôi được báo Tiền Phong phân công theo đuổi vụ án về cái chết bất thường của Đông. Ngay trong đêm, tôi bắt xe khách lên Hà Giang để tìm hiểu về vụ án. Nhiều tháng trời, tôi lăn lộn ở vùng đất Hà Giang để gặp lại các nhân chứng, đến khu vực hiện trường xảy ra vụ án, làm việc cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Hà Giang và Trung ương. Sau đó, báo Tiền Phong đăng tải nhiều bài viết về cái chết bất thường của Đông. Đến tháng 9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang có quyết định phục hồi điều tra vụ án thiếu niên Hoàng Ngọc Đông bị giết. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 13 năm, vụ án về cái chết của Đông vẫn chưa được sáng tỏ.

Khi tiếp xúc với gia đình anh Toản để thu thập tư liệu viết bài, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh chị Nguyễn Thị Tình, mẹ của Đông với đôi mắt buồn rười rượi. Chị ngồi dưới nhà sàn, ánh mắt nhìn xa xăm về phía dãy núi trước nhà mỗi khi nhớ về con. Một ngày tháng 7/2021, tôi nhận được tin chị Tình đột ngột qua đời. Hình ảnh chị Tình ngồi dưới nhà sàn thương nhớ con trai ở thế giới bên kia cứ ẩn hiện trong đầu tôi.

Theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Đoàn Luật sư Hà Nội), người bảo vệ cho gia đình anh Hoàng Văn Toản, gần 13 năm qua, gia đình anh Toản và luật sư đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang và Trung ương, nhưng vụ án của Đông với nhiều tình tiết bất thường vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/phan-doi-sau-trang-bao-a47765.html