Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) hay Tết giết sâu bọ luôn là một dịp lễ quan trọng trong năm của mỗi gia đình người Việt. Theo quan niệm xưa, tết Đoan Ngọ là thời khắc đánh dấu giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Chính vì vậy, các gia đình thường chuẩn bị một mâm lễ với những món ngon đầu hạ để dâng cúng tổ tiên, con cháu quây quần hưởng lộc, diệt trừ sâu bọ, cầu bình an trong một mùa vụ mới.
Ghi nhận của PV, người dân đổ đến các chợ trên địa bàn Thủ đô để sắm đồ thắp hương lên bàn thờ trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Các mặt hàng cho ngày này khá đa dạng và giá cả một số loại thực phẩm, trái cây tăng nhẹ so với ngày thường, không có đột biến.
Bán chạy nhất là cơm rượu nếp với hai loại, cơm rượu nếp trắng, với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg; cơm rượu nếp cẩm có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Với khách mua ít hơn có thể lựa chọn theo từng hộp đóng sẵn với giá 15.000 – 20.000 đồng/hộp.
Một tiểu thương đã bán tại chợ Gia Ngư cho biết, những mặt hàng bán phục vụ ngày Tết Đoan Ngọ đã được bán nhiều từ ngày hôm qua (4/5 âm lịch).
Bên cạnh đó, bánh gio (bánh tro) là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ có giá dao động từ 60.000-100.000 đồng/chục, tùy loại to nhỏ.
Ngoài cơm rượu nếp, loại quả được người dân chọn mua nhiều nhất đó là quả vải và mận. Năm nay mặt hàng vải thiều Bắc Giang, Hải Dương, mận hậu Sơn La được mùa nên giá bán khá rẻ, hiện tại hệ thống chợ truyền thống vải thiều được bán với giá 18.000-20.000 đồng/kg, mận hậu Sơn La có tùy vào kích cỡ có giá từ 25.000-35.000 đồng/kg.
Vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm, các gia đình Việt có nhiều tục lệ như giết sâu bọ, xông, tắm gội bằng nước lá, thu hái thảo dược vào giờ Ngọ… Những thói quen này thể hiện mong cầu về sức khỏe.
Đây cũng là dịp để các gia đình tưởng nhớ tổ tiên, tạ ơn thần linh, trời đất. Vì vậy, trên mâm cúng thường có các vật phẩm như mận, vải, chè, cơm rượu, bánh gio… Ở một số nơi lại không thể thiếu thịt vịt, bánh ú, chè kê, chè trôi nước…