Chuyện miền biên viễn: Huyền thoại mùa vàng vùng biên

TP - Đi dọc các huyện biên giới, cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ núi non trùng điệp cùng nền văn hóa đặc sắc của các tộc người dưới tán rừng khộp, giống như một bức tranh sống động đầy sắc màu. Từng chùm hoa rừng đong đưa dọc đường lên những cột mốc biên cương Tổ quốc, khiến người ta nao lòng. Nơi xa xôi ấy, đang từng ngày viết lên những câu chuyện thắm đượm nghĩa tình.

Huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có những người dành cả thanh xuân biến vùng đất hoang cằn sỏi đá thành cánh đồng bát ngát, cho một màu xanh biên giới trải dài tới tận chân trời. Đến đây, khiến ta ngỡ đang lạc vào một vùng nông thôn Bắc bộ.

Thấm đẫm văn hóa tộc người

Từ thành phố Buôn Ma Thuột ngược về huyện biên giới Ea Súp,tỉnh Đắk Lắk, tôi đi trong nắng vàng như rót mật giữa tiết trời se lạnh trên cung đường uốn lượn xuyên dưới tán rừng khộp. Những chiếc lá chuyển sắc vàng đỏ mê hoặc lòng người, nhẹ nhàng buông mình khi gió ngang qua.

Chuyện miền biên viễn: Huyền thoại mùa vàng vùng biên ảnh 1

Người dân làm đất để chuẩn bị gieo lúa.

Buôn đồng bào Gia Rai (thị trấn Ea Súp) nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi. Điều làm nên nét đẹp thơ mộng cho vùng lòng chảo này là cánh đồng lúa trải dài bất tận. Đi sâu vào buôn, những ngôi nhà sàn gỗ, hay nhà cấp 4 xen lẫn giữa mảng màu xanh mướt mà thiên nhiên ưu ái, tạo nên bức tranh bình dị, mộc mạc, hoang sơ.

Theo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ea Súp, diện tích lúa toàn huyện khoảng 17 nghìn hecta. Về giống lúa đen, hiện đã nhân rộng trên 100 hecta.

Buôn đồng bào Gia Rai thú vị hơn qua câu chuyện của già Y Phi MJâu bên bếp lửa cuối ngôi nhà sàn. Hầu hết những cánh đồng lúa ở đây đều in dấu bàn tay cả làng, đó như động lực giúp nhau vượt qua gian khó, tính cộng đồng thêm bền chặt. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, cánh đồng lúa vàng ươm trở thành nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần người Gia Rai.

Sau một năm vụ lúa, mì được thu hoạch, thời tiết cao nguyên ngập tràn cái nắng, cái gió, lòng người nơi nơi rộn ràng mùa mới, người đồng bào Gia Rai hân hoan cho lễ cúng thần buôn. Thầy cúng cùng bà con buôn làng đi dọc những ruộng lúa xanh mơn mởn đến nơi linh thiêng nhất nằm ở hướng Tây của buôn làng, sắp xếp lễ vật để cúng Yang T’ho (thần hộ vệ) và Yang Pênla (thần nước). Cầu mong vị thần lúa xinh đẹp cho bà con một mùa màng bội thu.

Già Y Phi cho biết: “Lễ cúng thể hiện lòng biết ơn của bà con với Yang (thần) đã phù hộ che chở cho làng, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người đoàn kết, không đau bệnh”.

Rời buôn người Gia Rai, chúng tôi vào xã Ia Lốp. Giữa bạt ngàn nắng gió là cánh đồng mênh mông trồng một loại lúa chỉ uống nước mưa và sống kiên cường trên đất cằn cho hạt gạo dẻo thơm đặc biệt. Trong câu chuyện cùng bà Lang Thị Huyên (xã Ia Lốp) được biết, hành trình đi tìm vùng đất mới từ núi cao Tây Bắc, hạt lúa đen được đồng bào Thái mang theo vào vùng đất khô khát này. Mỗi năm trồng một vụ và chỉ sống nhờ vào nước trời. Đầu mùa mưa, người dân gieo giống lúa đen, 6 tháng sau thu hoạch về. Ở vùng đất nắng hạn khốc liệt, thân lúa vẫn cứng khỏe phát triển tốt cho ra những hạt gạo thơm ngon. Từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch người dân không cần phải phun thuốc hay bón phân. Để tạ ơn trời đất, sau mỗi vụ thu hoạch người dân làm nhiều món, trong đó có cơm nấu từ lúa đen để dâng lên thần linh.

Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp chia sẻ, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, chưa năm nào thoát khỏi thiên tai. Không hạn hán thì lũ lụt, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng khắc nghiệt. Hy vọng tới đây công trình thủy lợi Ia Mơr, đưa vào khai thác, xã Ia Lốp có trên 4.000ha cây trồng có tưới (là lúa). Ngoài ra, người dân cần cù khai hoang nên diện tích tăng gấp đôi.

Chuyện miền biên viễn: Huyền thoại mùa vàng vùng biên ảnh 2

Con đường vào buôn chạy dọc ra cánh đồng lúa.

Những cánh đồng bất tận

Đã mấy mươi năm qua những con người huyện vùng biên giới Ea Súp suốt đời bên cây lúa, uống nước dòng kênh mà sống hồn hậu, nghĩa tình. Cùng chung gia cảnh khó khăn, anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1983) và chị Phạm Thị Thinh (SN 1985, quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) hai bàn tay trắng vào Tây Nguyên lập nghiệp, nên duyên vợ chồng trên mảnh đất xã Ea Bung. Chị Thinh cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, tôi vào thăm người thân, thấy điều kiện kinh tế làm ăn thuận lợi nên quyết định ở đây lập nghiệp. Trồng lúa nước ở Ea Bung có hệ thống thủy lợi tưới tiêu thuận tiện, việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất theo mô hình mẫu lớn nên chi phí đầu tư giảm mà hiệu quả kinh tế được nâng cao.

Với bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó ngoài hơn 2 hecta đất của gia đình anh chị vay vốn đầu tư máy móc và thuê thêm chục hecta đất để trồng lúa. Mỗi năm gia đình thu hàng trăm triệu đồng.

Từ vùng đất hoang vu, lau sậy khô cằn giờ thành cánh đồng trù phú đem lại ấm no cho hàng ngàn người dân. Thời khó khăn ấy, nhiều người vẫn chọn gắn bó nơi đây. Ông Phạm Văn Mạc, thời điểm đó chưa tròn 20 tuổi. Trung đoàn của ông đóng tại thôn 5 (xã Ea Rốk hiện nay). Nơi chốn rừng thiêng nước độc này, đường đi khó khăn, bọn tàn quân Fulrô lén lút hoạt động. Chế độ dành cho thanh niên xung phong gần 3 kg gạo/tháng, ăn khoai, sắn lát là chủ yếu. Khó là vậy nhưng mọi người hăng hái khai hoang làm thủy lợi, hướng dẫn bà con trồng lúa nước, hoa màu… Công trình thủy lợi Ea Súp Hạ và tuyến kênh chính Đông đã cơ bản hoàn thành, các cánh đồng từ xã Ea Súp tới xã Ea Rốk được khai hoang. Các đội thanh niên xung phong chuyển qua sản xuất lấy lương thực, bám trụ xây dựng quê mới góp phần bảo vệ biên giới.

Cụ Bùi Văn Khổn (quê gốc Vũ Thư, Thái Bình) một trong những người đầu tiên có mặt tại xã Ea Bung theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước từ năm 1986 hồi tưởng, hồi mới vào, vùng đất này mấp mô, cỏ mọc um tùm, khai hoang chủ yếu bằng sức người. Thời gian đầu trồng lúa trên vùng đất mới hầu như không có thu hoạch do bị thú rừng phá hoại, sốt rét rừng khiến nhiều người bỏ về quê cũ hoặc đi nơi khác. Thời kỳ khó khăn ấy cũng qua, đất không phụ công người đã đền đáp bằng những mùa vàng. Bây giờ sản xuất lúa đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, bón phân, phun thuốc, rải giống cho đến thu hoạch.

Xã Ea Bung, có trên 80 % người gốc Thái Bình. Từ những người con quê hương năm tấn đã đem theo kinh nghiệm sản xuất và sự chịu thương chịu khó, từ bàn tay khối óc họ đã biến vùng đất hoang vu thành cánh đồng trù phú với 2 vụ lúa/năm.

(Còn nữa)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/chuyen-mien-bien-vien-huyen-thoai-mua-vang-vung-bien-a48048.html