Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành uỷ và Thường trực Thành uỷ Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo Quy chế, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố quyết định những vấn đề chiến lược, các chủ trương, biện pháp quan trọng trong các lĩnh vực công tác của thành phố nhằm cụ thể hoá và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố…
Quy chế cũng nêu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố căn cứ các văn bản hướng dẫn của T.Ư, chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường Đảng bộ thành phố theo quy định của Điều lệ Đảng; chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội, Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá sau (giới thiệu nhân sự bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành uỷ, Uỷ ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khoá mới của thành phố)…
Định hướng và chỉ đạo Ban chỉ đạo Thành uỷ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.
Về tổ chức, cán bộ, Thường trực Thành uỷ quyết định thẩm tra những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý khi có vấn đề phải xem xét về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định của Bộ Chính trị và một số vấn đề quan trọng khác về cán bộ (bằng cấp, học hàm, học vị, độ tuổi, tài sản, thu nhập…) để đưa ra Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, kết luận.
Cùng với đó, cho chủ trương thực hiện quy trình bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách các chức danh cán bộ diện Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý trước khi trình Ban Thường vụ Thành uỷ, Thành uỷ cho ý kiến.
Cho ý kiến về việc bổ nhiệm, điều động, thuyên chuyển, nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ thuộc quyền quản lý của đảng đoàn, ban cán sự đảng các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức quần chúng trên địa bàn thành phố đối với các trường hợp mà các tổ chức đảng thấy cần phải xin ý kiến Thường trực Thành uỷ trước khi quyết định…
Không nói trái, làm trái nghị quyết, chỉ thị
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thành uỷ viên, quy chế nêu, phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ gìn sự thống nhất ý chí, hành động và đoàn kết trong Đảng; không nói trái, làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của T.Ư và Thành uỷ; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng.
Có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh; xây dựng gia đình văn hoá; không để vợ (hoặc chồng), con lợi dụng làm những việc trái quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và cá nhân. Sinh hoạt đảng hai chiều theo quy định của T.Ư; giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư Thành uỷ, Quy chế nêu, Bí thư Thành uỷ là người đứng đầu Thành uỷ, chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành uỷ; cùng Ban chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành uỷ chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô về sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực của thành phố và chịu trách nhiệm trực tiếp về những công việc được phân công.
Bí thư Thành uỷ tập trung chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ, các khâu và lĩnh vực công tác quan trọng, khó khăn, phức tạp nhất; làm Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô; trực tiếp nắm và chỉ đạo những vấn đề cơ mật về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về công tác bảo vệ Đảng.
Bí thư Thành uỷ chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt theo Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chịu trách nhiệm về công tác tư tưởng chính trị, tổ chức, cán bộ của thành phố; trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học và xây dựng lý luận; trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Thành uỷ viên…
Theo Quy chế, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ là Thủ trưởng cơ quan Thành uỷ, chịu trách nhiệm trước Thành uỷ, Ban Thường vụ, tập thể Thường trực và Bí thư Thành uỷ chỉ đạo, điều hành bộ máy của Thành uỷ để giải quyết những công việc hằng ngày của Đảng bộ. Trực tiếp giải quyết những công việc do Bí thư Thành uỷ uỷ nhiệm; thay mặt Bí thư Thành uỷ khi Bí thư Thành uỷ đi vắng…
Quy chế cũng nêu cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Bí thư – Chủ tịch UBND thành phố; Phó Bí thư – Chủ tịch HĐND thành phố; Phó Bí thư Thành uỷ phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thành phố.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/can-bo-phai-song-guong-mau-khong-de-vo-con-loi-dung-lam-trai-quy-dinh-a48571.html