Hà Nội có thể mua nước sạch từ các tỉnh để cung cấp cho người dân

TPO - Theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, rất nhiều nơi người dân thiếu cả nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt. Hiện thành phố đang tìm các giải pháp tháo gỡ, trong đó xem xét có thể mua nước sạch từ các tỉnh lân cận để đấu nối, cung cấp cho người dân.

Sáng ngày 29/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 6 đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri các huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì và quận Hà Đông, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đề nghị giải quyết ùn tắc giao thông và thiếu nước sạch

Tại hội nghị, các cử tri nêu nhiều vấn đề nóng trên địa bàn. Cử tri Bùi Tiến Dũng (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) kiến nghị thành phố sớm đầu tư cầu vượt nút giao Phan Trọng Tuệ - Nguyễn Xiển để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; đồng thời, các cơ quan trung ương, thành phố quan tâm giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho nhân dân trên địa bàn.

Hà Nội có thể mua nước sạch từ các tỉnh để cung cấp cho người dân ảnh 1

Cử tri huyện Thanh Oai phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng ngày 29/6.

Cử tri Ngô Thị Nga (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện. Theo bà Nga, trên địa bàn huyện hiện còn 10/21 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, cử tri Hoàng Bá Long (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai) kiến nghị thành phố sớm đầu tư làm sống lại sông Đáy và sông Nhuệ. Đồng thời, kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư thông tuyến đường trục phía Nam (Cienco 5) và đặt tên chính thức cho tuyến đường.

Ngoài ra, cử tri cũng nêu một số kiến nghị như giải phóng mặt bằng Dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi; Xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, không xây chung với các dự án nhà ở thương mại...

Sẽ ban hành chỉ thị khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã thông tin nhanh về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 và 6 tháng đầu năm 2023.

Hà Nội có thể mua nước sạch từ các tỉnh để cung cấp cho người dân ảnh 2

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 29/6.

Về dự án Đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô, ông Dũng cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 84% và đã được khởi công vào ngày 25/6. Đồng thời, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu tái định cư để người dân đến nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Từ kết quả bước đầu của Dự án đường Vành đai 4, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo tập trung cao độ từ thành phố xuống cơ sở. Các cơ quan thành phố, các quận, huyện phải vận dụng để giải quyết dứt điểm các kiến nghị mà cử tri nêu, những vấn đề còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc.

"Sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.

Ưu tiên đầu tư các dự án nước sạch

Về vấn đề nước sạch, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, rất nhiều nơi người dân thiếu cả nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn cung cấp và thành phố đang tìm các giải pháp tháo gỡ.

UBND TP. đã yêu cầu các Sở, ngành liên quan báo cáo toàn diện nước sạch từ mạng lưới, quy hoạch, nguồn cung cấp, giá cả để đánh giá và có phương án kịp thời. Ngoài ra, thành phố cũng có thể mua nước sạch từ các tỉnh lân cận để đấu nối, cung cấp cho người dân. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các dự án nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân, trong đó có vấn đề nước sạch.

Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, giải quyết ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy là vấn đề đại sự. Tuy nhiên, mấu chốt là phải tách được nước thải và nước mặt. Để làm được điều này, phải đầu tư hệ thống gom nước thải để xử lý không cho chảy vào các sông. Đồng thời tiếp nước từ sông Hồng qua hệ thống trạm bơm vào thau rửa. Tuy nhiên, vốn đầu tư để làm việc này rất lớn, thành phố sẽ cân đối để thực hiện.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/ha-noi-co-the-mua-nuoc-sach-tu-cac-tinh-de-cung-cap-cho-nguoi-dan-a48865.html