Ngày mai (30/6), TAND TP Hà Nội tái mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hùng (cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường) về tội “Nhận hối lộ”.
Cùng vụ án, 35 bị cáo khác, trong đó có Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát); các thuộc cấp của ông Hùng gồm: Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương (nguyên đội phó và kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội, hầu tòa với các tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Sản xuất hàng giả”, “Buôn bán hàng giả”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Phiên tòa kéo dài khoảng 7 ngày, hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, ông Trần Hùng có 5 luật sư.
Theo cáo trạng, nửa đầu năm 2021, bị cáo Cao Thị Minh Thuận cùng nhóm đồng phạm đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam với tổng trị giá theo giá in trên bìa sách là hơn 260 tỷ đồng.
Nhóm của Thuận đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cảnh sát thu giữ.
Cao Thị Minh Thuận bị xác định là người chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả.
Ông Trần Hùng. |
Cáo trạng cho rằng, tháng 7/2020, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp tổ 304 (nơi ông Trần Hùng làm tổ trưởng) kiểm tra công ty của bà Thuận, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả.
Bà Thuận thấy ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo vụ việc nên thông “người trung gian” nhắn tin, điện thoại nhờ giúp đỡ chỉ đạo để xử lý nhẹ vụ việc. Ông Trần Hùng đồng ý tha với yêu cầu bà Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.
Vì lo sợ vẫn bị xử lý hình sự nên bà Thuận tiếp tục liên hệ với bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đặt vấn đề chi 400 triệu đưa cho ông Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.
Bị cáo Hải đã gặp ông Trần Hùng và được ông này hướng dẫn Hải bảo với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách do Thuận mua bị thu giữ thành sách do người khác mang đến ký gửi.
Ngày 15/7/2020, bị cáo Hải cầm 300 triệu đồng đến phòng làm việc của ông Trần Hùng. Tại đây, ông Hải đã gọi điện để ông Hùng nói chuyện với bà Thuận, hướng dẫn viết lại bản tường trình thay đổi lời khai nguồn gốc sách bị thu giữ.
Theo viện kiểm sát, sau đó, ông Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện giúp đỡ bà Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu.
Quá trình điều tra, ông Hùng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên viện kiểm sát cho rằng căn cứ lời khai các bị can khác, các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại, kết quả thực nghiệm điều tra… đủ cơ sở xác định ông Hùng đã nhận 300 triệu để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn làm rõ, quá trình giải quyết vụ việc, bị cáo Lê Việt Phương đã nhận của bà Thuận tổng số tiền 330 triệu đồng. Tuy nhiên giữa hai người này không có sự thỏa thuận việc đưa tiền để xử lý hành chính vụ việc. Việc đưa nhận tiền phát sinh sau khi Thuận được ông Trần Hùng hướng dẫn thay đổi lời khai làm sai lệch bản chất vụ việc.
Do đó, Viện kiểm sát cho rằng hành vi nhận 330 triệu đồng của Phương phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, không đủ căn cứ truy cứu tội nhận hối lộ.
Ông Trần Hùng được dư luận ví như "người hùng" trong công tác chống buôn lậu. Ông giữ nhiều chức vụ khác như phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trước khi giữ chức vụ tổ trưởng tổ công tác 1444.
Ông Hùng từng có nhiều phát ngôn được cho là "cứng" trong vụ đấu tranh với Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Thời điểm đó ông từng chia sẻ "có người muốn mua tôi 5 - 10 tỷ đồng để bỏ qua vụ việc này".
Quá trình công tác, ông Hùng từng bị Bộ Công Thương "phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc" trong vụ việc liên quan Công ty cổ phần Con Cưng.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/ngay-mai-nguoi-hung-chong-buon-lau-tran-hung-hau-toa-ve-toi-nhan-hoi-lo-a48890.html