Trang bị kỹ năng giúp người khuyết tật đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng

Admin

TP. Hà Nội hiện có khoảng 30% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Việc tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tay nghề để sẵn sàng đảm nhận được công việc của nhà tuyển dụng, giúp họ khẳng định được giá trị trên thị trường lao động...

Phiên Giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật năm 2024 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội tổ chức ngày 21/11, mang đến nhiều cơ hội việc làm phù hợp cho người lao động.

HƠN 7.700 NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết hiện nay TP. Hà Nội có khoảng hơn 110.000 người khuyết tật, trong đó có hơn 7.700 người có khả năng lao động. Đặc biệt, nhiều người khuyết tật đã vươn lên làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Nhiều người trong số đó với bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân, luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình, và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. 

Vì vậy, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật để giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đồng thời, còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội.

Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, nhằm hỗ trợ, động viên họ tích cực học tập, tham gia vào thị trường lao động.

“Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn. Thì nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn có những diễn biến phức tạp, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng thêm nhiều trở ngại”, ông Tạ Văn Thảo chia sẻ.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả xã hội. Vì vậy, ông đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hãy phát huy tinh thần trách nhiệm hơn nữa, để cùng Nhà nước và toàn xã hội mang cơ hội việc làm đến cho người khuyết tật.

Đồng thời, hãy tin tưởng người khuyết tật hoàn toàn có khả năng lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, và cho sự phát triển của xã hội nói chung.

“Chúng tôi cũng mong muốn người lao động khuyết tật hãy nỗ lực hơn nữa để tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tay nghề, sẵn sàng đảm nhận được công việc của nhà tuyển dụng. Qua đó, khẳng định được giá trị của mình trên thị trường lao động”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo nhấn mạnh.

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, thông tin thêm chỉ tính riêng TP. Hà Nội, hiện có khoảng 30% người khuyết tật trong độ tuổi lao động.

Vì vậy, việc hỗ trợ thanh niên khuyết tật, người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi quan niệm về người khuyết tật. Qua đó, nhìn thấy ở họ khả năng tự lập, đóng góp cho gia đình và xã hội, chứ không chỉ nhìn vào những khiếm khuyết của họ.

NHIỀU CƠ HỘI VIỆC LÀM PHÙ HỢP VỚI KHẢ NĂNG CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm hôm nay có 37 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với 1.286 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh. Đặc biệt, có 14 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật tham gia, với 516 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh.

Đông đảo người lao động nghe tư vấn, giới thiệu các cơ hội việc làm. Đông đảo người lao động nghe tư vấn, giới thiệu các cơ hội việc làm.

“Đây là cơ hội cho lao động là người khuyết tật tiếp cận thị trường lao động, giúp họ tự tin, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề, tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống bản thân”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo tin tưởng.

Doanh nghiệp tham gia tại phiên việc làm đem đến các vị trí tuyển dụng đa dạng như: Công nhân may; công nhân sản xuất nhựa, plastic; công nhân sản xuất điện tử; kinh doanh – marketing; thợ thủ công mỹ nghệ; nhân viên kỹ thuật…

Nhiều phân khúc lương hấp dẫn phù hợp với trình độ, khả năng của người lao động cũng được đưa ra, như: Từ 5 – 7 triệu đồng; trên 7 – 10 triệu đồng; trên 10 – 15 triệu đồng/tháng và theo thỏa thuận. Các mức thu nhập sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ học vấn, vị trí công việc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, cũng kỳ vọng phiên giao dịch việc làm luôn được duy trì để người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội tìm được việc làm trên thị trường lao động. Thậm chí, có thể và mở rộng những phiên giao dịch việc làm này về tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, để phù hợp hơn nữa đối với người khuyết tật khi đến tham gia.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi có nhu cầu tuyển lao động là người khuyết tật nên tạo cho họ có một môi trường, bầu không khí thân thiện, và có đường tiếp cận theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, để người khuyết tật được thuận tiện khi đến làm việc.

Hơn hết, chính bản thân người khuyết tật phải nỗ lực hoàn thành công việc được giao, thực hiện, chấp hành tốt những nội quy, quy định của công ty, đặc biệt đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

“Trong giai đoạn hiện nay sau đại dịch Covid-19, và sự phát triển mạnh của công nghệ 4.0, việc làm cho người không khuyết tật là một vấn đề khó khăn. Chính vì vậy cần phải có sự chung tay của toàn thể cộng đồng xã hội”, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội gửi gắm.

Tham gia tuyển dụng lao động tại phiên, ông Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc điều hành một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ thủ công handmade, cho biết đơn vị đang cần tuyển dụng nhân sự cho phòng sản xuất, chấp nhận lao động là người khuyết tật. Ông Trường thông tin hiện công ty đang có sử dụng lao động là người khuyết tật, đánh giá họ hoàn toàn có thể đảm nhận nhiều công việc như người lao động bình thường.