Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án tử hình đối với bà Bà Trương Mỹ Lan nói chưa từng được ngủ với con, từ khi sinh ra đã giao cho vú nuôiBà Trương Mỹ Lan: Hồi trẻ tôi làm việc rất cơ cực vì nghĩ trên đời phải có tiềnViện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan
Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên y án tử hình
Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1).
Theo hội đồng xét xử, bà Trương Mỹ Lan là chủ của nhiều công ty khác nhau, hoạt động theo mô hình tập đoàn trong đó Công ty Vạn Thịnh Phát đóng vai trò trung tâm. Trước khi hợp nhất SCB, bà Lan đã vay ở 3 ngân hàng để thực hiện các dự án bất động sản.
Sau khi biết 3 ngân hàng trên mất khả năng thì bà Lan mua lại cổ phần của các ngân hàng này.
Đến tháng 10-2012, sau khi hợp nhất, bà Lan chiếm 91,5% cổ phần của SCB, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ khống, rút tiền ngân hàng.
Trong đó, từ năm 2012 - 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng cả gốc và lãi.
Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỉ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Từ tháng 2-2018 đến tháng 10-2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỉ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng; gây thiệt hại gần 130.000 tỉ đồng tiền lãi phát sinh.
Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1-1-2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội tham ô tài sản.
Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp SCB thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra.
Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (tổng giám đốc SCB) đã 4 lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cục trưởng thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra để bưng bít sai phạm, tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu.
Hội đồng xét xử đánh giá bà Lan phạm tội với vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác, một lúc thực hiện 3 hành vi phạm tội, gây ra thiệt hại đặc biệt lớn.
Do đó, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt hình phạt chung cho cả 3 tội là tử hình là đúng người, đúng tội.
Cụ thể mức án của các bị cáo như sau:* Nhóm tội tham ô:
- Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) 17 năm tù.
- Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó giám đốc SCB) 15 năm tù.
- Hồ Bửu Phương (phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 16 năm tù.
- Nguyễn Phương Anh (phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Peninsula) 15 năm tù.
- Đặng Phương Hoài Tâm (phó chánh văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát) 13 năm tù.
- Trương Huệ Vân (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 13 năm tù.
- Dương Tấn Trước (tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tường Việt) 6 năm tù.
* Nhóm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng:
- Trần Thuận Hòa (cựu thành viên HĐQT SCB) 2 năm tù.
- Lê Khánh Hiền (cựu tổng giám đốc SCB) 3 năm tù.
- Phạm Văn Phi (cựu phó tổng giám đốc SCB) 6 năm tù.
- Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu phó chủ tịch HĐQT SCB) 11 năm tù.
- Diệp Bảo Châu (cựu phó tổng giám đốc SCB) 8 năm tù.
- Nguyễn Cửu Tính (cựu phó tổng giám đốc SCB) 10 năm tù.
- Khổng Minh Thế (cựu giám đốc phòng tái thẩm định SCB) 5 năm tù.
- Mai Hồng Chín (cựu giám đốc phòng tái thẩm định khối tài chính SCB) 8 năm tù.
- Mai Văn Sáu Nhở (cựu giám đốc phòng tái thẩm định SCB) 11 năm tù.
- Lương Thị Hồng Quế (cựu giám đốc phòng phê duyệt tín dụng khách hàng doanh nghiệp SCB) 1 năm 6 tháng tù.
- Lê Anh Phương (cựu giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn) 5 năm tù.
- Phan Tấn Khôi (cựu giám đốc SCB chi nhánh Đông Sài Gòn) 6 năm tù.
- Hồ Bảo Ngọc (cựu giám đốc SCB chi nhánh Phạm Ngọc Thạch) 5 năm tù.
- Nguyễn Anh Thép (cựu giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn) 5 năm tù.
- Nguyễn Ngọc Tú (cựu phó giám đốc SCB chi nhánh Cống Quỳnh) 3 năm tù.
- Phạm Thế Quảng (nguyên phó giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành) 1 năm 6 tháng tù.
- Lê Văn Chánh (cựu giám đốc phòng định giá và quản lý tài sản SCB) 2 năm tù.
- Trần Thị Kim Chi (nguyên nhân viên Công ty cổ phần Natural Land) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
- Đặng Quang Nguyên (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lavifood) 3 năm tù.
- Bùi Đức Khoa (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Natural Land) 9 năm tù.
- Nguyễn Thị Khánh Vân (nguyên nhân viên Công ty cổ phần Natural Land) 3 năm tù.
- Chu Lập Cơ (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Times Squre) 7 năm tù.
- Nguyễn Thanh Tùng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương) 5 năm tù.
- Đào Chí Kiên (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương) 3 năm tù.
- Hồ Bình Minh (nguyên phó giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá MHD) 5 năm tù.
- Trần Văn Nhị (phó giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và định giá ATC) 2 năm tù.
- Đỗ Phú Huy (cựu chủ tịch UBKD và đầu tư SCB) 13 năm tù.
* Nhóm tội nhận hối lộ:
- Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) chung thân.
* Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ:
- Nguyễn Thị Phụng (cựu phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) 3 năm tù.
- Lê Thanh Hà (cựu phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước) 2 năm tù.
- Nguyễn Tuấn Anh (cựu công chức Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước) 2 năm tù.
- Nguyễn Duy Phương (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo Ngân hàng Nhà nước) 1 năm 9 tháng tù.
- Nguyễn Văn Dũng (cựu phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM) 8 năm tù.
- Nguyễn Thị Phi Loan (cựu phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
- Võ Văn Thuần (cựu phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM) 6 năm tù.
- Phan Tấn Trung (cựu phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM) 6 năm tù.
- Nguyễn Cao Trí (chủ tịch HĐQT Công ty Capella) 6 năm tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.