Bảo tàng 'độc' nhất

Admin

TP - Có một đội quân không đồng phục, không doanh trại, không quân hàm, chỉ có lòng tin và tinh thần thép. Biệt động Sài Gòn, lực lượng đặc biệt nhất từng xuất hiện trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, nay có chuỗi “bảo tàng sống” giữa đô thị. Đó là những căn nhà nhỏ nép mình trong hẻm sâu, nơi từng giấu hầm vũ khí, hộp thư mật và những người lính mang thân phận thường dân.

Ký ức sống

Khán giả Việt từng rúng động với

Tại 145 Trần Quang Khải, nơi từng là cơ sở hoạt động của lực lượng biệt động, căn nhà 3 tầng vẫn còn nguyên hệ thống hầm nổi, hầm ẩn trên trần bê tông. Khách đến thăm có thể lần theo lối cầu thang gỗ, cúi người bước qua những cánh cửa hẹp để vào không gian từng lưu trữ tài liệu, vàng bạc, vũ khí. Mỗi viên gạch, mỗi vết nứt đều là nhân chứng của một thời máu lửa.

Ở số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM, quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn cũng là một di tích gắn liền với hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Trước năm 1975, dưới vỏ bọc quán ăn, nơi đây thực chất là trạm giao liên bí mật, cất giữ và chuyển giao thư từ, tài liệu mật, thuốc men cho cách mạng. Điểm đặc biệt của quán là hệ thống hầm bí mật được ngụy trang tinh vi: hầm nổi rộng chưa đến 20cm nằm giữa vách tường, hầm ngầm sâu 3m dưới đáy tủ quần áo, cho phép các chiến sĩ trú ẩn và thoát hiểm khi cần thiết.

Hơn 10.000 hiện vật được bảo tồn, từ xe Citroen thùng hai đáy, hộp thư bí mật, đến cả những tấm ảnh thời chiến đã ố màu, như một hệ sinh thái ký ức. Đáng chú ý, hệ thống di tích còn lan rộng tại nhiều địa điểm như: garage Citroen (499/20 Cách Mạng Tháng Tám), biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập (8 Nguyễn Thị Huỳnh), hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân, và cả hầm vũ khí tại Nguyễn Đình Chiểu…, tất cả kết nối thành một tuyến bảo tàng lịch sử độc đáo hiếm có.

Kể từ khi mở cửa đón khách đến nay, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định liên tục thu hút sự chú ý của công chúng. Nơi này không đặt mục tiêu bảo tồn quá khứ. Nó làm một điều còn mạnh mẽ hơn: kết nối quá khứ với hiện tại, để nói với hôm nay rằng, có những người từng sống và chết trong thầm lặng, để thế hệ sau chỉ biết đến chiến tranh từ sách, chứ không phải sống trong nó.

Bạn Vũ Phương Ngân sau khi tham quan bảo tàng đã để lại một dòng viết: “Máu xương nước mắt mọi người thay con hy sinh/ Mặt trời bình yên hôm nay, con thay mọi người nhìn”.

Bảo tàng do F2 sáng lập

Người sáng lập hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là anh Trần Vũ Bình, con trai của Anh hùng Trần Văn Lai - chiến sĩ biệt động có vỏ bọc là “tỷ phú Mai Hồng Quế”, một nhà thầu khoán trang trí nội thất trong dinh Độc Lập. Ông Lai đã thiết lập nên mạng lưới các mối quan hệ với giới chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa để rồi từ đó bí mật đào hầm, vận chuyển và cất giấu vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968…

Bảo tàng 'độc' nhất ảnh 2

Những cựu chiến binh thăm quán cơm Đỗ Phủ có hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn

Bảo tàng 'độc' nhất ảnh 3

Người cựu binh xúc động trước những kỷ vật của cuộc chiến

Bảo tàng 'độc' nhất ảnh 4

Những khúc gỗ được ngụy trang để che giấu vũ khí bên trong do lực lượng biệt động vận chuyển vào nội thành

Anh Bình đã dành gần nửa đời người để lần theo dấu chân cha mình, phục dựng ký ức chiến tranh từ những căn hầm bí mật, những bức tường từng cất giấu vũ khí, thư tín, và cả máu. Sinh thời, vì có nhiều cơ sở nên không thể ở thường xuyên, mỗi lần "tỷ phú Mai Hồng Quế" xuất hiện, ông luôn ghé thăm hàng xóm, nắm rõ giờ giấc sinh hoạt của từng người. Đến nơi ông kể: “Mấy nay con ghé thăm cô Tám mà không gặp”, thực ra là căn đúng giờ người ta đi vắng để “bịa”. Người hàng xóm nghe vậy, thấy hợp lý liền xác nhận. Nhờ cách ấy, ai hỏi cũng nghĩ ông thường xuyên lui tới. Chính điều đó giúp ông che mắt cả hệ thống giám sát khắt khe và giữ bí mật cho mạng lưới biệt động thành.

Những địa chỉ đỏ

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện có 8 điểm rải rác trong nội đô TPHCM gồm:

Điểm 1: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định có hầm trên trần bê tông tầng 2 chứa tài liệu, tiền vàng và hầm nổi trên trần la phông tại phòng khách phía sau tầng 3 dùng trú ẩn và thoát thân khi có động (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Q1, TPHCM)

Điểm 2: Hộp thư bí mật & hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, phường Tân Định, Q1, TPHCM)

Điểm 3: Hầm chứa vũ khí bí mật và hầm trú ém quân của Biệt động Sài Gòn (287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu)

Điểm 4: Garage Citroen Biệt động Sài Gòn (499/20 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, Q10, TPHCM)

Điểm 5: Gió Lộng Biệt động Sài Gòn (166/8 Tắc Xuất, thị trấn Cần Thạnh, mặt biển Cần Giờ, TPHCM)

Điểm 6: Biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập với hệ thống hầm ngầm bí mật dưới lòng biệt thự chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch trước 1975 (số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM)

Điểm 7: Hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân, cơ sở giao liên tình báo và đóng góp tài chính của Biệt động Sài Gòn có hầm ngầm tại tầng trệt phía sau và hầm đứng trên tầng 2 phía trước chứa người, tiền vàng và tài liệu phục vụ Việt Minh cứu quốc và lực lượng Biệt động Sài Gòn (368 Hai Bà Trưng, Tân Định, Q1, TPHCM)

Điểm 8: Hầm Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định Thiếu tướng AHLLVTND Trần Hải Phụng (Ấp Tháp, xã Thái Mỹ, Củ Chi, TPHCM).

Thời ấu thơ, Bình không được gọi cha là “ba”, chỉ được gọi là “bác”. Đến tận năm 1977, sau ngày đất nước thống nhất, cha con mới danh chính ngôn thuận nhận nhau. Đến lúc này Bình mới hiểu ba mình phải làm như thế là để đảm bảo sự an toàn cho vợ con và cũng là tuân thủ nguyên tắc hoạt động.

Để tìm, giữ, phục dựng lại những cơ sở bí mật Biệt động Sài Gòn, anh Bình phải bỏ ra rất nhiều, không chỉ về tiền. “Có lần tôi hỏi người đang sống trong căn nhà ngày xưa cha tôi dùng làm cơ sở cách mạng, họ nói: Nhà của ba cậu đó, nhưng giờ nếu trả lại thì tôi ở đâu?”, anh kể. Vậy là anh Bình mua lại. Mua để gìn giữ. Mua để kể một câu chuyện mà nếu không được kể, sẽ rơi vào lãng quên.