Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn- Gia Lai tổ chức hội thảo kiểm soát tai biến trong phẫu thuật Phaco

Admin

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn- Gia Lai vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cập nhật kiến thức y khoa về phòng ngừa nhiễm trùng và kiểm soát tai biến trong phẫu thuật Phaco” tại thành phố Pleiku (Gia Lai).

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn- Gia Lai tổ chức hội thảo kiểm soát tai biến trong phẫu thuật Phaco ảnh 1

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phan Văn Năm phát biểu tại hội thảo

Đây là chương trình thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nhãn khoa. Đặc biệt, có Phó Giáo sư, tiến sĩ Phan Văn Năm- Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam; Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Kim Thành- Trưởng Bộ môn Mắt (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đồng chủ trì hội thảo. Về phía tỉnh Gia Lai, có ông Đinh Hà Nam- Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai; Lê Đình Trọng- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, đại diện các Bệnh viện chuyên khoa trong tỉnh và trong khu vực, tập thể bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai.

Tại hội thảo, ông Lê Đình Trọng cho biết, với mục tiêu định hướng trở thành bệnh viện chuyên khoa mắt hàng đầu khu vực, tiên phong trong đổi mới, phát triển công nghệ và lan tỏa giá trị nhân văn, đồng lòng vì sức khỏe cộng đồng; Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn- Gia Lai không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ và tiếp tục đưa công nghệ tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bởi vậy, hội thảo lần này nhằm tập trung cập nhật kiến thức chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các biện pháp phòng ngừa, nhận diện sớm và xử trí biến chứng trong phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco. Cùng với đó ứng dụng sử dụng kháng sinh hợp lý, góp phần kiểm soát tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng phức tạp. Hội thảo với mục đích tối ưu hóa kỹ năng lâm sàng cho bác sĩ nhãn khoa, giảm thiểu tai biến hậu phẫu và nâng cao hiệu quả điều trị... “Từ việc cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của đơn vị và các bệnh viện trong tỉnh, chất lượng phục vụ khám chữa bệnh về chuyên khoa mắt sẽ ngày càng tốt hơn để phục vụ người dân”, ông Trọng nhấn mạnh.

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn- Gia Lai tổ chức hội thảo kiểm soát tai biến trong phẫu thuật Phaco ảnh 2

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về nhãn khoa

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, tiến sĩ Phan Văn Năm- Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam phân tích, đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên Việt Nam và trên thế giới. Phương pháp duy nhất để điều trị đục thủy tinh thể hiện nay là phẫu thuật và cho đến hôm nay phẫu thuật Phaco là phẫu thuật tốt nhất trong điều trị bệnh lý này.

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ, để một ca mổ thành công tốt đẹp thì bên cạnh kinh nghiệm, kỹ năng của phẫu thuật viên thì những trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, thuốc men, các bước chuẩn bị tiền phẫu cũng vô cùng quan trọng góp phần thành công của cuộc mổ.

Bởi vậy, hội thảo lần này có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về nhãn khoa sẽ trao đổi về mặt chuyên môn sẽ giúp cập nhập các kiến thức chuyên môn về phòng ngừa nhiễm trùng và kiểm soát tai biến trong phẫu thuật Phaco các y, bác sĩ tại tỉnh. Phó Giáo sư, tiến sĩ nhấn mạnh: “Đây là dịp để các bác sĩ trao đổi kinh nghiệm và các thắc mắc liên quan trong phẫu thuật Phaco nêu ra tại hội thảo sẽ được các chuyên gia giải đáp cụ thể”.

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn- Gia Lai tổ chức hội thảo kiểm soát tai biến trong phẫu thuật Phaco ảnh 3

Hội thảo cũng sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai

Tại hội thảo, các đại biểu đã được bác sĩ CKII Nguyễn Quang Vinh- Giám đốc chuyên môn hệ thống Trung tâm mắt Tinh Anh cả nước trình bày chuyên đề “Phòng ngừa viêm mủ nội nhãn bằng sử dụng kháng sinh hợp lý”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Toản- Cố vấn chuyên môn Bệnh viện mắt TP Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề “Biến chứng sớm và muộn sau phẫu thuật Phaco” và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng- Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn- Gia Lai trình bày chuyên đề “Xử trí các tai biến thường gặp trong phẫu thuật đục thủy tinh thể”

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các chuyên gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và giải đáp các thắc mắc cho các đồng nghiệp tuyến tỉnh.

Trong năm 2024, Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn-Gia Lai đã thực hiện hơn 11.000 ca phẫu thuật mắt, từ phẫu thuật đục thủy tinh thể, lác/lé, sụp mi đến xử lý các ca chấn thương nặng. Ngoài ra, đơn vị đã thành lập Trung tâm Kiểm soát Cận và Nhược Thị, ứng dụng kính Ortho-K, tròng Stellest và các liệu pháp hiện đại trong điều trị các bệnh lý về mắt; đưa vào hoạt động các thiết bị hiện đại như máy Phaco Centurion Gold, máy OCT, máy đo bản đồ giác mạc, tối ưu hóa hiệu quả chẩn đoán và điều trị; khám sàng lọc mắt, kiểm soát cận thị học đường và phát hiện sớm bệnh lý mắt cho hơn 3.000 học sinh.

Như trưa 4/4, đơn vị tiếp nhận bệnh nhi A Thành Thế (SN 2016, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Bệnh nhi bị một viên đạn ná cao su bắn thẳng vào mắt phải khi đang chơi đùa cùng bạn gây tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ mù vĩnh viễn. Với kỹ thuật vi phẫu hiện đại, ca phẫu thuật thành công bước đầu, giữ được cấu trúc nhãn cầu và mở ra hy vọng phục hồi thị lực trong tương lai cho bé Thế.